Nhiều năm qua, môn võ Karate do thuộc hệ phái Shotokan Ryu đã bám chặt rễ vào đất Bình Định - đất Võ, một trong những cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam, để vươn lên. Có thể lấy đây làm ví dụ minh họa cho tính hào sảng của đất Võ, đủ rộng để bao dung, để học hỏi.
Karatedo thống nhất trên một nguồn cội nhưng có trên một trăm hệ phái. Hiện ở Bình Định có hai hệ phái chính: Shotokan Ryu và Suzucho Dojo Noen Ryu. Trong đó, Shotokan là hệ phái thông dụng nhất, nghiêng về “cận chiến tự vệ thực tế”. Shotokan Ryu coi “Đòn đỡ cũng là đòn tấn công dưới sự bộc phát của cường lực (Kime) cao nhất”. Tốc độ càng nhanh thì sức càng mạnh, cường lực càng dũng mãnh mới xuyên phá được mục tiêu như khi công phá.
|
Võ sư Hồ Văn Trọng đang thị phạm cho võ sinh. |
Theo chân võ sư huyền đai ngũ đẳng Hồ Văn Trọng, Trưởng bộ môn Karatedo Bình Định, chúng tôi chứng kiến một buổi học của các võ sinh hệ phái Shotokan Ryu. Các võ sinh, với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc tập trung theo dõi từng động tác thị phạm của thầy. Các đòn đánh, các kỹ thuật được thực hiện nhiều lần để cả lớp dễ quan sát. Nhằm tăng sức cho các động tác tấn đỡ, võ sư Trọng hướng dẫn tường tận cách sử dụng kỹ thuật xoay hông để tập trung lực toàn cơ thể vào thời điểm tung ra cú đánh.
Theo võ sư Hồ Văn Trọng, đây chỉ là một trong ba lớp mà ông đảm nhiệm đứng lớp, với hơn 400 võ sinh. Thành phần tham gia học Karatedo chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhưng cũng có không ít những người đã đi làm vẫn đến đây tập để rèn luyện sức khỏe. Anh Nguyễn Văn Dự, một công chức, cho biết: “Vận dụng được linh hoạt và sáng tạo các đòn thế của Karatedo là rất khó, đòi hỏi người tập phải tập thành thạo các đòn thế căn bản, phối hợp nhuần nhuyễn và biến chúng thành phản xạ không điều kiện trong lúc cần thiết. Chính cái khó này làm cho người tập không ngừng luyện tập để ngày càng đạt được độ tinh xảo và sáng tạo. Tập Karatedo liên tục giúp sức khỏe của tôi nâng lên rõ rệt”.
Là người có công đưa Karatedo về Bình Định, trong chặng đường 34 năm tâm huyết của mình, võ sư Hồ Văn Trọng đã góp phần giúp Karatedo Bình Định ngày một phát triển vững chắc hơn. Ông coi trọng việc dạy môn sinh lấy đạo đức, lễ nghĩa làm đầu. Vì thế sau nhiều năm được tôi luyện, trong các thế hệ võ sinh của ông rất nhiều người đã trưởng thành không chỉ về khả năng tự vệ mà còn cả về đạo đức.
Những năm gần đây, hỗ trợ cho võ sư Trọng trong việc giảng dạy và đứng lớp là ba người con trai, đều đã được phong huyền đai tam đẳng: Hồ Trần Phương Phi, Hồ Thượng Vũ và Hồ Thượng Uy. Ngoài ra còn có trên 10 võ sinh đai đen làm công tác trợ giảng, san sẻ gánh nặng huấn luyện hằng ngày ở các lớp học. Anh Hồ Trần Phương Phi, tâm sự: “Công việc chính của tôi là chăm sóc và quản lý cửa hàng sinh vật cảnh của mình. Nhưng tôi vẫn giúp ba tôi trong việc giảng dạy, đứng lớp. Tuy rất chật vật về thời gian nhưng tôi hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại”.
Hiện nay, lịch làm việc của võ sư Trọng và các con trai dày đặc. Ngoài đảm nhận hai lớp của Nhà Văn hóa Lao động và Liên đoàn Võ thuật Bình Định, võ sư Hồ Văn Trọng cùng các cộng sự còn nhận bồi dưỡng thường xuyên cho các công ty vệ sĩ với giáo trình riêng.
Võ sư Hồ Văn Trọng tâm sự: “Bất cứ môn võ nào cũng vậy, đều coi trọng các chuẩn mực đạo đức, tính khoan hòa. Võ thuật ở trình độ cơ bản là kỹ thuật tự vệ, là một phương thức rèn luyện thể lực. Nhưng ở đỉnh cao, nó là nghệ thuật triệt tiêu các nguy cơ dẫn tới xung đột, kiểm soát sự va chạm. Karatedo là một môn võ như vậy. Và tôi cho rằng mỗi một học trò đã phương trưởng của mình là một chiếc huy chương vàng. Tôi có rất, rất nhiều chiếc huy chương như thế!”.
|