VÕ ĐÀI LIÊN TỈNH MIỀN TRUNG:
Mô hình xã hội hóa hiệu quả
9:33', 4/6/ 2009 (GMT+7)

Vừa qua, tại sân Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (Quy Nhơn) đã diễn ra hai đêm Võ đài liên tỉnh miền Trung. Với cách tổ chức bài bản, chất lượng chuyên môn cao, các trận đấu được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Điều đáng nói là hoạt động này đã được duy trì nhiều năm, và do một võ sư võ cổ truyền tự đứng ra tổ chức: võ sư Đoàn Văn Kha (Hồng Kha).

 

Những đêm võ đài do võ sư Hồng Kha tổ chức là một mô hình nên được nghiên cứu nhân rộng. - Trong ảnh: Một trận đấu võ đài diễn ra trong đêm 30.5 tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến.

 

Hai đêm 30 và 31.5, dù trời mưa dầm dề, nhưng đã có hàng ngàn lượt khán giả kéo đến sân Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến để xem các trận đấu của 65 võ sĩ đến từ 28 đội tuyển, võ đường của nhiều địa phương có phong trào mạnh ở miền Trung - Tây Nguyên cùng hai đơn vị phía Nam là Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh.

Trong mỗi đêm, Ban Tổ chức bố trí 8 tiết mục biểu diễn binh khí, đối luyện do các võ sinh Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định và Võ đường Hồng Kha (TP Quy Nhơn) thực hiện; tiếp đó là 8 cặp đấu được phân chia hợp lý theo từng cấp độ: đội tuyển đấu với đội tuyển, CLB đấu với CLB… Chính vì cách sắp xếp tương đối đồng đều về trình độ, hầu hết các trận đấu đều diễn ra công bằng, quyết liệt, hấp dẫn, đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả.

Trong hai đêm võ đài này, chỉ riêng tỉnh Bình Định đã có gần chục võ đường nổi tiếng tham gia như: Thành Sô (Phù Mỹ), Phi Long Vinh (Tuy Phước), Thanh Lương (Hoài Nhơn), Kim Trung (Phù Cát), Thanh Vũ (Quy Nhơn), Hồng Kim Điệu (Quy Nhơn), Hồng Chỉnh (Quy Nhơn)… Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các Đội tuyển Võ cổ truyền: Tây Ninh, Gia Lai, Bình Định. Trong đó, đoàn Tây Ninh có số lượng tham gia đông nhất với 15 võ sĩ.

Võ sư Lê Tấn Đô, HLV trưởng nội dung đối kháng Đội tuyển Võ cổ truyền Gia Lai, cho biết: “Đây là một dịp cọ xát rất tốt cho các VĐV của chúng tôi nhằm chuẩn bị cho Giải Trẻ sắp tới tại Quảng Ngãi và Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc vào tháng 8 tới. Công tác tổ chức phải nói là tuyệt vời. Việc các võ sĩ của chúng tôi được dịp so tài với nhiều VĐV mạnh khác là điều rất bổ ích. Chỗ ăn, ở cho các thành viên tham gia giải cũng được Ban Tổ chức bố trí chu đáo”.

Có cùng nhận định như võ sư Lê Tấn Đô, hai võ sư Thành Sô (Võ đường Thành Sô) và võ sư Bùi Trung Hiếu (HLV trưởng nội dung đối kháng Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định) đánh giá rất cao hai đêm Võ đài liên tỉnh miền Trung, nhưng họ cũng bày tỏ sự tiếc rẻ khi đêm thi đấu cuối cùng (dự định diễn ra vào ngày 1.6) bị hủy vì trời mưa lớn.

Võ sư Đoàn Hồng Kha, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật TP Quy Nhơn, người đứng ra tổ chức Võ đài liên tỉnh miền Trung, cho biết: “Tôi rất vui khi hai đêm thi đấu nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Việc nhiều đoàn VĐV mạnh nhận lời tham gia đã làm chất lượng của các trận đấu tăng lên đáng kể so với những lần tổ chức trước. Chúng tôi rất biết ơn Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến đã hỗ trợ về địa điểm thi đấu, đèn điện phục vụ hai đêm võ đài; một số đơn vị khác như: cà phê Mộc, khách sạn Vạn Lịch (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn)… đã giúp chúng tôi về kinh phí, chỗ ở, công tác quảng bá… Với thành công của lần này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mạnh dạn tổ chức thêm nhiều đêm võ đài để góp phần phát triển phong trào võ thuật ở địa phương”.

Không mang tính chất của một giải đấu, không có sự tranh chấp về thứ hạng, huy chương, nhưng những đêm võ đài được tổ chức quy mô như vậy đã góp phần hâm nóng tinh thần thượng võ của người dân Bình Định. Hy vọng, những mô hình tương tự sẽ ngày càng được nhân rộng và nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía ngành thể thao, để công tác tổ chức được bài bản và chặt chẽ hơn nữa.

  • Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thế đứng Karatedo trên đất Võ   (19/04/2009)
Dấu xưa con gái An Vinh  (26/03/2009)
Gặp một thầy võ trẻ  (18/03/2009)
Đi tìm nguồn gốc võ cổ truyền dân tộc   (26/01/2009)
Khi võ Bình Định lên phim  (11/01/2009)
Con gái Bình Định thời nay đi quyền  (05/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Một nhà võ “tứ đại đồng đường”  (21/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (09/11/2008)
Vươn lên từ khó khăn  (10/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (03/09/2008)
Những người truyền bá võ Bình Định ở trời Tây  (06/08/2008)
Tây Sơn luận kiếm  (03/08/2008)
Dấu ấn Bình Định   (02/08/2008)
Nơi sông trở về   (02/08/2008)