Hè về chùa luyện võ
17:12', 23/6/ 2009 (GMT+7)

Hưng Khánh - ngôi chùa cổ ở hạ lưu sông Côn, Bình Định - nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ đi về của hàng trăm cô cậu học trò trong những mùa hè. Ở đó, các em được học võ cổ truyền, võ Tây Sơn. Nhưng quan trọng hơn là được học đạo võ, đạo dạy làm người có ích cho xã hội, được dạy làm tương chao, ăn cơm chay...

 

Võ sinh đang tập các bài quyền tại chùa Hưng Khánh

 

Trời vừa tắt nắng, trên sân chùa Hưng Khánh các võ sinh đã tề tựu đông đủ. Chiều hôm ấy thầy Đông Hải bớt thời gian bốc thuốc chữa bệnh tranh thủ đến chùa luyện tập cho các võ sinh. “Nhiều phụ huynh từ các tỉnh thành trong nước đưa con cái về đây học võ cổ truyền, đã có các võ sư truyền dạy rồi nhưng mình cũng ráng góp chút công sức” - thầy Đông Hải khiêm tốn nói.

Tầm sư học võ

Gần 20 năm xuất gia, rồi hoàn tục lui về làng Vĩnh Phú (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định), bây giờ thầy Đông Hải ngày ngày thăm mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo và theo tâm nguyện của thầy là dành thời gian còn lại tiếp tục dịch bộ Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp - một pho thư tịch cổ về võ thuật, binh pháp hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định. “Một phần thao mẫu, chiêu pháp trong bộ cổ thư này đã được đưa vào dạy các võ sinh hơn chục năm qua, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế” - thầy Hải nói.

Trong tiếng chuông ngân nga ở một góc sân chùa, Trương Thị Trúc My (13 tuổi) đang luyện bài Hùng kê quyền, Ngô Thị Linh Sương (14 tuổi) tập Lão hổ thượng sơn. Góc sân bên kia, dưới tán bồ đề, Đặng Thị Mỹ Giàu (16 tuổi) tập bài Lão mai, Lê Thị Lành (15 tuổi) tập bài Thiền sư, Trương Đình Thuận, Nguyễn Ngọc Hoàng cùng một nhóm võ sinh nhí khác say mê luyện roi, kiếm.

Trần Ngọc Nam và Lê Văn Phúc đang học lớp 10 ở TP.HCM, suốt ba mùa hè vừa qua đều về đây học võ. “Năm đầu còn nhỏ ba dẫn về xin thầy cho theo học, hai năm rồi chúng em tự lên xe đò ra đây. Ở chùa ăn cơm chay, thức khuya dậy sớm, lúc rảnh tranh thủ tưới cây, chẻ củi, quét dọn sân chùa, phụ lo cơm nước cùng các thầy, bây giờ em đã có thể tự lập hoàn toàn khi xa nhà chứ không phải lúc nào cũng dựa vào sự chăm sóc của cha mẹ” - Nam hào hứng kể.

Nhiều năm qua, cứ đến mùa hè là hàng trăm học trò - đa số tuổi thiếu niên - khăn gói tìm về chùa Hưng Khánh (Tuy Phước, Bình Định) học võ, luyện võ. Không chỉ học trò địa phương, nhiều gia đình phật tử đang làm ăn ở TP.HCM, Vũng Tàu, Nha Trang cũng gửi con về đây một, hai tháng hè. “Không phải chỉ là chuyện võ nghệ, chúng tôi muốn các con mình được rèn chữ dũng của tiền nhân” - anh Trần Thành Lân (Gò Vấp, TP.HCM) suốt mấy mùa hè vừa qua luôn đưa hai con là Trần Ngọc Nam và Trần Yến Linh về học võ ở chùa Hưng Khánh, thổ lộ.

Hai anh em Phạm Văn Chiến, Phạm Văn Đài đang học cấp III ở Vũng Tàu có bề dày ba khóa học tại đây. “Ba mẹ em đều là người gốc Bình Định, trôi dạt làm ăn xa. Hết mùa hè này em lên lớp 12 nên đây là khóa học cuối cùng. Về chùa học em mới được biết, được nhìn các thầy biểu diễn và dạy những bài võ cổ truyền như Lôi long đao có từ thời Trần, Chấn lôi âm tiên từ thời Hậu Lê, Tru hồn kiếm, U linh thương có từ thời Lý, thế mới biết tổ tiên mình giỏi võ thật. Các thầy ở đây như thầy Nguyễn Văn Cảnh, Võ Văn Tính, Nguyễn Đức Thắng giỏi lắm, nhưng nghe chúng em nói nhiều như vầy dễ bị các thầy quở trách vì người học võ luôn giữ khiêm cung, tuyệt đối không được khoa trương” - Chiến vừa lau mồ hôi ướt đẫm lưng áo vừa kể.

Mỗi tuần một lá thư

Lê Văn Tấn nhà ở Nha Trang đang là võ sinh mùa hè thứ hai tại đây, em được các thầy khen tiến bộ nhanh, rèn luyện tốt. Nhìn thân thể lực lưỡng, rắn rỏi, tráng kiện, khó ai tin trước kia Tấn khá èo uột và quanh năm ốm vặt. “Khó khăn nhất là tập luyện tháng đầu tiên, đêm nằm mỏi rã rời từng đốt xương nhưng nghe tiếng kinh buổi sớm đã choàng dậy. Hồi đó có lúc em tính bỏ cuộc nhưng thấy sự khổ hạnh, kiên nhẫn và tình yêu thương của các thầy, em đã trụ được”.

Nhìn Tấn biểu diễn những bài đao, thương vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ, dứt khoát, mồ hôi chảy ròng trên má, trên cổ mới hiểu em đã khổ luyện rất nhiều. “Chiến thắng chính mình, vượt qua chính mình và luôn giữ sự tự tin, tự tại - thầy luôn căn dặn thế - Tấn tâm sự - Năm trước em còn giấu theo điện thoại, năm nay thì không để tránh phân tâm bởi những cuộc gọi của bạn bè rủ rê. Ba mẹ muốn biết sức khỏe của em thì điện hỏi thăm qua thầy.

Thích Vạn Thanh (Hư Linh Tử) là truyền nhân thứ 13 của môn phái Long hổ không hồng có từ thời Hậu Lê. Tu đến năm 1997 tròn 30 tuổi, Vạn Thanh hết duyên với cửa Phật. Ông hạ sơn và trở thành võ sư Nguyễn Đông Hải. Ông từng làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển võ cổ truyền của Sở Thể dục thể thao Bình Định.

Em không gọi điện về, các thầy khuyên nên thường xuyên viết thư cho gia đình. Mỗi tuần em gửi về nhà một lá thư. Các anh chị, các bạn ở đây cũng vậy. Hôm nọ ba đi công tác ngoài này tạt lại thăm, em gửi về cho mẹ một hũ tương do chính tay em làm, ba xúc động lắm. Ba kể từ khi con viết thư, đêm nào mẹ cũng lặng lẽ đọc đi đọc lại thư con, nhớ con mẹ khóc, nhưng hãy yên tâm khổ luyện để nên người, ba mẹ rất tự hào về sự tiến bộ của con”. Anh mắt Tấn lấp lánh niềm vui...

Theo thầy Đông Hải, sau nhiều năm dạy võ cho bao lứa học trò, bài học đầu tiên là rèn cho các em chữ nhẫn rồi sau đó mới đến chữ dũng, chữ trí, chữ tâm và tiết tháo làm người. Không nhẫn thì không học được võ đạo nên điều đầu tiên là phải rèn chữ nhẫn. Thầy tâm sự: “Con đường võ học là con đường dài vô tận, sự gặp gỡ của thầy trò ngay trên sân chùa này cũng bởi cơ duyên hội ngộ mà có. Mình dạy dỗ các em thật ra là cố thắp cho các em một đốm lửa, đốm lửa ấy sẽ do chính các em thổi bùng lên thành nhiệt huyết, thành hành trang để đi trọn kiếp người, chỉ mong vậy thôi”...

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hè về chùa luyện võ  (23/06/2009)
Mô hình xã hội hóa hiệu quả  (04/06/2009)
Thế đứng Karatedo trên đất Võ   (19/04/2009)
Dấu xưa con gái An Vinh  (26/03/2009)
Gặp một thầy võ trẻ  (18/03/2009)
Đi tìm nguồn gốc võ cổ truyền dân tộc   (26/01/2009)
Khi võ Bình Định lên phim  (11/01/2009)
Con gái Bình Định thời nay đi quyền  (05/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Một nhà võ “tứ đại đồng đường”  (21/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (09/11/2008)
Vươn lên từ khó khăn  (10/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (03/09/2008)
Những người truyền bá võ Bình Định ở trời Tây  (06/08/2008)
Tây Sơn luận kiếm  (03/08/2008)