Từng cung cấp nhiều VĐV cho huyện Hoài Ân tham gia các Giải Võ cổ truyền tỉnh trong những năm qua, đồng thời, nhiều lứa học trò đã được gọi vào đội trẻ và đội tuyển tỉnh, nhưng võ sư Trần Quý Ba (thị trấn Tăng Bạt Hổ) vẫn luôn tâm niệm lời dặn của người cha quá cố “học võ không phải để phô trương”.
|
Võ sư Trần Quý Ba (bìa phải) theo dõi học trò biểu diễn một bài đao.
|
Sinh thời, cụ Trần Học, cha của võ sư Trần Quý Ba, là một thầy thuốc Bắc, nhưng đam mê võ thuật đã thôi thúc ông tìm đến một số võ sư có tiếng thời đó để thọ giáo. Những người biết đến Trần Học đều nể phục ông ở đòn trảo công có thể xếp vào hàng tuyệt kỹ. Tương truyền, ông có thể dùng những đầu ngón tay khắc sâu tên mình lên tường gạch, hay chọc thủng quả dừa một cách dễ dàng. Thuộc hàng “cao thủ võ lâm” vào những năm đầu thế kỷ 20, nhưng ông Trần Học lại không nhận đệ tử và cũng không truyền thụ võ công lại cho ai ngoài hai người con trai, trong đó có Trần Quý Ba.
Có được vốn võ học kha khá từ người cha, nhưng nhận thấy chừng đó vẫn chưa đủ, Trần Quý Ba thường xuyên học hỏi từ các võ sư trong vùng và từ các đồng nghiệp để bổ sung những đòn thế mới, những bài võ hay. Chính vì vậy, ông có thể sử dụng thành thạo thập bát ban võ nghệ. Học chữ Nho từ nhỏ, cộng với chút chữ nghĩa từ sách vở và thời gian phụ giúp cha kê đơn bốc thuốc, Trần Quý Ba luôn chiêm nghiệm những lời thiệu trong từng đòn thế để động tác chuẩn mực, dũng mãnh.
Thi đấu nổi bật ở một số giải võ cấp tỉnh, CLB Trần Quý Ba là một trong những CLB đầu tiên của bộ môn võ cổ truyền được Trường Năng khiếu TDTT tỉnh chọn làm vệ tinh. Trong suốt thời gian từ đó đến nay, CLB Trần Quý Ba đã đào tạo nên nhiều lứa học trò xuất sắc, góp mặt vào các đội tuyển của tỉnh. Trong đó, ba cô con gái của ông gồm: Trần Thị Cẩm Uyên, Trần Thị Cẩm Nhung, Trần Thị Cẩm Trinh đều đã đoạt HCV tại các Giải Võ cổ truyền toàn tỉnh. Riêng Trần Thị Cẩm Nhung từng đem về cho võ cổ truyền Bình Định 4 HCĐ ở các Giải Trẻ và Vô địch Toàn quốc. Còn cô con gái út thì mới 9 tuổi, nên ông chưa cho đi thi đấu.
Ngoài việc truyền dạy võ cho các con gái, ông thầy võ tuổi ngũ tuần này còn dồn tâm huyết vào người cháu kêu bằng chú ruột là Trần Văn Trị, với mong muốn có người duy trì được những tinh hoa võ thuật của dòng họ. Và người cháu trai này đã không phụ lòng mong mỏi của ông, khi đã nhanh chóng lĩnh hội được những bài tập cơ bản và mở một CLB võ cổ truyền ngay tại Hoài Ân. Cùng với CLB Trần Quý Ba, CLB Trần Văn Trị cũng có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển võ cổ truyền ở Hoài Ân.
Khi chúng tôi nhắc về việc CLB của ông đoạt cúp Vô địch nội dung hội diễn tại Giải Vô địch Võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2007, võ sư Trần Quý Ba cho biết: “Tôi rất vui khi lần đầu tiên CLB của mình đạt được thành công lớn như vậy. Càng vui khi có nhiều học trò của tôi giờ đã vững vàng trong công tác huấn luyện ở nhiều nơi trên cả nước. Nhưng nhiều khi tôi cũng trăn trở, bởi chỉ cần một đồ đệ làm điều gì trái với luân thường đạo lý thì mình cũng bị mang tên xấu. Vì vậy, tôi luôn dặn các học trò câu nói mà trước đây cha tôi thường nói: học võ chỉ để phòng thân chứ không phải để phô trương”.
|