|
Võ sư Trần Dần (làng võ An Vinh, Tây Sơn) biểu diễn quyền Thần đồng. Ảnh: Từ Huyền Trân |
Tôi chẳng thể quên được câu nói của võ sư Kim Đình (Quy Nhơn) phát biểu trong buổi gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu võ cổ truyền Bình Định năm 2009 do Sở VH, TT&DL tổ chức: “Đời võ của chúng ta nay trầm lặng và buồn chẳng kém gì kiếp cầm ca ngày trước”. Chung nỗi niềm ấy, võ sư Lý Xuân Hỷ ngậm ngùi đùa rằng: “Ngẫm mà trùng hợp, những người theo nghiệp võ chúng ta đều nhờ một tay vợ con nuôi cả. Được vợ con đồng hành, dù gì tôi cũng dốc hết sức lực, tâm huyết, đam mê còn lại để theo đuổi cho trọn cuộc chơi”. Hai lời phát biểu phút chốc làm không khí sôi nổi của buổi gặp mặt chùng xuống.
Hầu hết các võ sư ở làng võ Bình Định được nhân dân, người mộ võ yêu mến, tôn xưng đều là “võ sư vườn”, “từ trong vườn đi ra” như một số vị hay nói đùa với nhau. Là “võ sư vườn” bởi các võ sư đồng thời là những người nông dân chân đất, ngày cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng, đêm miệt mài trên sân tập. Là “võ sư vườn” vì những đóng góp của họ cho nền võ thuật tỉnh nhà nói riêng, đất nước nói chung hết sức thầm lặng. Võ đường là những mảnh sân vườn, nằm khuất sau những rặng tre, dưới bóng dừa hay bên dòng sông. Và cái sân tập võ, giản đơn với nền đất, bao cát, roi tre… chẳng thể nào xứng với cái tên “võ đường”. Từ những võ đường dân dã ấy, bao lớp võ sinh theo nghề và trưởng thành.
Là “võ sư vườn”, bởi họ an lạc trong cuộc sống thanh bần. Nghề dạy võ ở thôn quê không đủ nuôi sống họ, “võ sư vườn” lại càng không xem đó là một nghề để mưu sinh. “Trót đa mang nên phải đèo bồng”, võ là cái nghiệp, một cuộc chơi đầy ma lực, mê đắm mà họ theo đuổi suốt một đời người.
Từng đến thăm nhà các lão võ sư vang danh của đất võ Bình Định như Trần Dần, Hồ Sừng, Phan Thọ, Lâm Ngọc Phú, biết được cảnh nhà của các võ sư không khác mấy những người dân thường xung quanh. Đường đất, lối vào nhà quanh co, nhỏ hẹp, nhà mái ngói cấp 4 có phần xưa cũ. Cái sự gập ghềnh, lam lũ ấy có thể làm e ngại bước chân du khách bốn phương muốn đến tận mục sở thị, tham quan võ đường của những võ sư chân đất chăng? Ánh hào quang trong những ngôi nhà hắt lên từ bức tường vôi cũ, ở đó, treo vài món binh khí, bằng khen, những tấm huy chương kỷ niệm ghi lại thời oanh liệt… Thế thôi!
Hiện tại, các võ sư trụ cột đã dần đi vào tuổi xế chiều, sức lực một đời theo nghiệp võ cũng hao tổn khá nhiều; lão võ sư Trần Dần, Phan Thọ, Hồ Sừng đã phần nào giảm cái phong thái tinh anh, nhanh nhẹn của vài năm trước. Họ tiếp tục đời sống đạm bạc, giản dị chân phương và có phần quạnh hiu, trầm lặng nơi làng võ khi “giải nghệ”. Các bậc lão thành gần như đã “rửa tay chậu vàng”, nhưng võ đường sân đất lại được những người con trai tiếp quản, nối nghiệp. Dòng máu thượng võ vẫn chảy không ngơi nghỉ.
Trong dịp gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu vừa qua, ông Nguyễn An Pha, Chủ nhiệm Dự án văn hóa phi vật thể Bảo tồn di sản võ cổ truyền Bình Định, báo một tin vui: UBND tỉnh đã giao cho Sở VH, TT&DL rà soát, chọn lọc và trình danh sách những võ sư có nhiều đóng góp cho nền võ thuật cổ truyền tỉnh nhà để có chính sách hỗ trợ. Với những đóng góp to lớn của các “võ sư vườn”, lẽ ra việc ghi công, báo đáp chúng ta phải làm từ lâu. Võ – “đặc sản” đệ nhất của Bình Định từ lâu đã trở thành một trong những bản sắc văn hóa đặc sắc, đậm đà nhất. Ngoài ý nghĩa tôn vinh, tri ân những người có công với sự nghiệp võ cổ truyền Bình Định, nghĩa cử trên còn thể hiện tấm lòng mến mộ nhân tài của lãnh đạo, nhân dân Bình Định.
Từ chuyển động này, mong chính sách trên sẽ được triển khai nhanh chóng, quang minh và không thiếu sót. Nếu để chậm muộn, e có lúc ta sẽ phải tạ tội với tiền nhân và cả những bậc cha chú đang tuổi cao sức yếu, gần đất xa trời. Mong lắm thay!
|