Từ nhiều năm qua, những tiết mục biểu diễn đối luyện võ cổ truyền của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định luôn được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao. Để có được những màn biểu diễn đặc sắc đó, các HLV, VĐV đã phải mất rất nhiều công sức, mồ hôi và đôi khi cả máu…
|
Các VĐV biểu diễn tiết mục “Song đao đối kháng nhị trường thương”. Ảnh: L.C
|
Cùng với các “lò” TP Hồ Chí Minh và Quân đội, những bài biểu diễn đối luyện của đoàn Bình Định ở các giải vô địch võ cổ truyền quốc gia chính là những giây phút làm khán giả thích thú. Những bước chân di chuyển linh hoạt, những cú ra đòn nhanh như điện, những màn nhào lộn ngoạn mục, tiếng vũ khí va chạm vào nhau loảng xoảng…, tất cả tạo nên một màn đấu võ sinh động mà khán giả thường chỉ được thấy qua các bộ phim võ hiệp. Điểm khác biệt lớn nhất giữa các bài đối luyện của Bình Định so với các đơn vị khác là tất cả các đòn thế sử dụng trong phần biểu diễn của đoàn đều rút tỉa từ võ cổ truyền Việt Nam, còn các đơn vị khác thỉnh thoảng vẫn “mượn” hay lồng ghép những đòn đánh đặc trưng của một số môn võ ngoại lai khác vào phần biểu diễn của mình.
Khi đến Bình Định thực hiện một số cảnh quay cho bộ phim “Tây Sơn hào kiệt”, đạo diễn Phượng Hoàng đã nhờ HLV nội dung hội thi đội tuyển võ cổ truyền Bình Định Trần Duy Linh dàn dựng một trận đấu giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Thanh. Sau khi xem các học trò của HLV Trần Duy Linh biểu diễn một vài tiết mục đã được tập luyện để biểu diễn và thi đấu, các thành viên trong đoàn làm phim đều tỏ ý thán phục và chọn ngay một số bài để phục vụ cảnh quay. Trong đó, tiết mục “Song đao đối kháng nhị trường thương” (do các VĐV Trịnh Văn Lưu, Đặng Minh Phú, Trần Duy Nhất biểu diễn) được sử dụng ở khá nhiều cảnh quay như: cảnh đánh đồn Ngọc Hồi, cảnh chặt cầu phao đánh quân Thanh…
Để có một tiết mục đối luyện hấp dẫn, các võ sư, HLV phải thông thạo các bài võ cơ bản của võ cổ truyền Việt Nam. Từ đó, rút ra những chiêu thức, thế đấu để lắp ghép thành một bài đấu. Một bài đối luyện được cho là thành công phải hội đủ các yếu tố: sức mạnh, tốc độ, có lôgíc, hiệu quả và có sự dứt khoát ở khâu kết thúc, đòn hạ gục đối phương cuối bài. Các bài đối luyện là kết quả dàn dựng của riêng từng võ sư, HLV, không theo bài bản nào, nhưng không phải võ sư nào cũng sáng tác ra được một bài đối luyện, dù cho họ có nhiều năm gắn bó với nghề võ.
Có kịch bản rồi, phải có VĐV đủ trình độ để thực hiện. Thông thường, để có thể tập luyện các bài đối luyện, VĐV phải tích lũy được một vốn kiến thức cơ bản về võ cổ truyền, có thể biểu diễn thành thạo một số bài. HLV Trần Duy Linh cho biết: “Những VĐV có thâm niên tập luyện võ cổ truyền khoảng 5-6 năm tập một tiết mục mới cần ít nhất 1 tháng mới tương đối thuần thục. Bởi công việc này đòi hỏi độ chính xác cao và kết hợp với đồng đội một cách nhuần nhuyễn. Tuy vậy, tai nạn xảy ra trong quá trình tập luyện và biểu diễn không phải hiếm. Việc trầy xước chân tay là chuyện bình thường”.
Chỉ vào một số vết sẹo trên mặt, cổ, HLV Trần Duy Linh cho biết đó là những “kỷ niệm” tập đối luyện khi ông còn là VĐV. Không chỉ nhận thương tích về mình, đôi lúc ông cũng vô tình… “rạch mặt” đồng đội trong những buổi biểu diễn. “Khi diễn thì hầu như không cảm thấy đau, nhiều khi kết thúc tiết mục mới phát hiện ra. Tuy nhiên, dù có đau, VĐV cũng phải diễn tiếp cho đến hết bài, bởi nếu dừng lại đột ngột rất dễ dính đòn tiếp” - HLV Trần Duy Linh bộc bạch.
Để phục vụ việc biểu diễn và thi đấu, hàng năm, HLV Trần Duy Linh phải xây dựng từ 1-2 tiết mục mới, nhằm tránh gây nhàm chán cho người xem. Đặc biệt, sau khi CLB Tuồng, Dân ca - Bài chòi và Võ cổ truyền ra đời, các tiết mục đối luyện phải được làm mới liên tục để phục vụ người xem, bởi đó chính là một trong những đặc sản của Bình Định mà rất nhiều du khách muốn được thưởng thức.
|