Người truyền bá võ Bình Định ở Tây Nguyên
10:20', 18/1/ 2010 (GMT+7)

“Võ sư Nguyễn Xuân Bình là cả một kho tàng về võ cổ truyền Bình Định”-  lần nào trò chuyện với võ sư Phi Long (Tây Sơn) cũng nghe ông nhắc đến võ sư Nguyễn Xuân Bình (Đăk Lăk) với tất cả sự kính phục. Chính điều ấy đã thôi thúc chúng tôi lên vùng đất Tây Nguyên tìm gặp cho bằng được lão võ sư truyền bá võ Bình Định trên Tây Nguyên.

 

Võ sư Nguyễn Xuân Bình.

 

1.

Võ sư Nguyễn Xuân Bình sinh năm 1917 tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, trong một gia đình có nhiều người tinh thông võ thuật. Năm 14 tuổi, ông được ông ngoại dạy võ. Sau đó, ông vào Tuy Phước, xin làm học trò của Hương mục Kiểm và võ sư Đoàn Phong.

Có được kha khá vốn liếng, ông tham gia đấu đài ở An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn, nhưng cái chính là muốn gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và trao đổi võ thuật với các đồng môn. Võ sư Xuân Bình cho biết: “Võ thuật đạo của tôi là Bắc phái Tây Sơn. Sở trường của môn phái là tránh đòn và phản công. Riêng tôi, ngoài việc di chuyển linh hoạt, tôi có thế mạnh về bộ tay, riêng bộ tay của tôi có thể buộc đối thủ rơi vào thế bị động. Khi họ lộ sơ hở, hoặc có dấu hiệu xuống sức, tôi mới bắt đầu tấn công”.

Chọn võ làm nghiệp để mưu sinh những năm đầu, đời sống khó khăn, ông đưa gia đình bôn ba khắp nơi: Nha Trang, Phan Rang, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…. Đi đến đâu, ông cũng tham gia thượng đài và tìm cơ hội mở lớp dạy võ Bình Định cho người dân địa phương. Điều đáng quý ở ông là có cơ hội đi nhiều, tiếp xúc với nhiều môn phái khác nhau, nhưng cái gốc võ Bình Định trong ông không bị phai lạt hoặc pha trộn. Trái lại, ông rất nâng niu, giữ gìn và tìm cách làm cho nó ngày càng cô đặc hơn.

Ông tham gia Tổng cục Quyền thuật Việt Nam và là ủy viên sáng lập Tổng hội Võ học Việt Nam tại Sài Gòn khi đó. Cùng với các võ sư Hồ Văn Lành, Trần Xil và Lý Huỳnh, ông được tặng bằng danh dự về thành tích đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho Việt Nam, trong đó, đáng chú ý nhất là môn sinh Xuân Liễu (hiện là một võ sư nổi tiếng ở An Giang). Thời gian sống ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), ông mở võ đường và dạy võ Bình Định cho rất nhiều môn sinh đến từ các tỉnh Nam Bộ. Ông còn am tường các bài thuốc trị thương. Ngoài việc dạy võ, ông còn chỉ học trò cách chữa thương khi có sự cố xảy ra, và cách phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

2.

Năm 1975, ông và gia đình chuyển lên Buôn Hồ, huyện K’rông Buk, tỉnh Đăk Lăk, sinh sống và mở lò dạy võ Bình Định. Võ sư Xuân Bình cho biết: “Chỉ hai năm gần đây, do sức khỏe bắt đầu sa sút, nên tôi không đi. Mọi năm tôi thường xuyên về Bình Định, ghé thăm các bạn võ, như: võ sư Phi Long, Phan Thọ, Hà Trọng Sơn, Phi Long Vịnh… và mời họ lên tôi chơi. Có năm, võ sư Hàm Hữu Nghĩa đi xe máy lên tận đây”. Cái chất giọng xứ Nẫu còn đậm đặc trong một người xa quê lâu năm như ông, cùng thái độ hồ hởi, cách cư xử nhiệt tình luôn để lại ấn tượng tốt với người tiếp xúc, đặc biệt sự tâm huyết của ông với võ Bình Định, đã khiến nhiều võ sư sống trên đất Võ cảm phục.

Năm 1992, ông cùng người học trò là võ sư Nguyễn Văn Tuyên cho ra mắt cuốn sách “Võ thuật đạo Bắc phái Tây Sơn: Tự học võ thuật” giới thiệu cụ thể, chi tiết về môn phái võ thuật độc đáo này đến bạn đọc. Hai năm sau, ông quyết định chọn ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (cũng là ngày Kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa) hàng năm làm ngày lễ cúng tổ đường. Những ngày đó, hàng trăm môn sinh của ông ở khắp nơi tề tựu để ôn lại truyền thống võ đạo, biểu diễn và tham gia thi đấu võ đài do thầy mình tổ chức.

Năm 2005, tâm nguyện bao năm của ông đã trở thành sự thật, khi một võ đường bề thế thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và một phòng tập lớn (tiếp đón khoảng 400-500 người) được hoàn thành. Võ đường còn có một phòng trưng bày hình ảnh lưu niệm và lưu trữ nhiều tài liệu quý về võ Bình Định. Ngày khánh thành, ông đã mời đại diện các cán bộ TDTT ở quê hương Bình Định lên chia vui.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bình Định, nhớ lại: “Đại diện chính quyền địa phương cũng có mặt. Không khí buổi lễ rất tôn nghiêm, mọi nghi thức đều bài bản. Những tiết mục biểu diễn roi, quyền, song đấu đậm chất Bình Định, cho thấy việc dạy võ Bình Định diễn ra rất nghiêm túc”.

Tiếng lành đồn xa, võ đường của ông thu hút ngày càng nhiều học trò. Hiện võ đường đang được người cháu nội của ông là Nguyễn Xuân Linh Vũ, huấn luyện viên môn boxing cấp quốc gia, tiếp quản. Anh Vũ cho biết, anh sẽ cố gắng tiếp nối tâm huyết của ông nội và góp phần làm võ Bình Định ngày càng rạng danh.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chắt lọc và nối kết tinh hoa võ thuật  (20/09/2009)
Đừng quên võ sư vườn  (16/09/2009)
Gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu võ cổ truyền Bình Định  (11/09/2009)
“Học võ không phải để phô trương”  (22/07/2009)
Thành công như mong đợi  (20/07/2009)
Khẳng định vị thế đất Võ  (24/06/2009)
Hè về chùa luyện võ  (23/06/2009)
Mô hình xã hội hóa hiệu quả  (04/06/2009)
Thế đứng Karatedo trên đất Võ   (19/04/2009)
Dấu xưa con gái An Vinh  (26/03/2009)
Gặp một thầy võ trẻ  (18/03/2009)
Đi tìm nguồn gốc võ cổ truyền dân tộc   (26/01/2009)
Khi võ Bình Định lên phim  (11/01/2009)
Con gái Bình Định thời nay đi quyền  (05/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)