Sông côn - dòng sông võ học - Kỳ 3: Tầm sư học đạo
11:12', 20/10/ 2010 (GMT+7)

Võ cổ truyền Bình Định gắn liền với các giai thoại về những võ sư nổi danh đánh bại nhiều cây đại thụ võ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhưng ít ai biết khởi đầu của nhiều tượng đài võ thuật ấy là con đường tìm võ đầy cơ duyên và cả không ít nhọc nhằn.

Bán bò... theo thầy võ

Lão võ sư Phan Thọ nổi tiếng một thời cùng “hùm xám miền Trung” Hà Trọng Sơn đem vinh quang về cho võ cổ truyền Bình Định trong những lần thượng đài. Ông cũng là người rất am hiểu 18 bài binh khí và nhiều tuyệt chiêu của môn phái Tây Sơn. Có thời ông Phan Thọ nổi danh với những “võ thế”, “võ vườn” như võ đòn sóc, võ bồ cào... ít được người học bài bản sử dụng.

 

Lão võ sư Phan Thọ truyền lại học trò mình những tuyệt chiêu mà thời trai trẻ ông phải dày công tầm sư học đạo - Ảnh: L.P.
 

Ít người biết ông Phan Thọ đã đi hết cuộc đời tầm sư học đạo của mình bằng cả cơ duyên và tình yêu của người vợ hiền quê mùa của ông. Người thầy đầu tiên của ông là Cai Bảy, một võ sư nổi tiếng, con trai của thầy hương mục Ngạt vang danh thời trước. Ông học thầy Cai Bảy cho đến tinh thông các bài bản thầy tận tâm truyền dạy.

Năm 24 tuổi đi đánh đài bị thua một lần, ông nói với vợ: “Bà còn đôi bò nào xấu xấu cho tôi bán lấy tiền đi học võ”. Ông nói xin thế là quá đáng rồi vậy mà vợ ông bảo: “Học võ thì ông cứ lấy, bao nhiêu cũng được”.

Cũng vì cái tình đó của vợ mà ông Phan Thọ tiếp tục con đường tầm sư học đạo và đến được với những cây đại thụ lớn nhất của làng võ cổ truyền Bình Định thời bấy giờ. Ông học với thầy Diệp Trường Phát (võ sư Tàu Sáu) một năm rưỡi cho đến khi thầy mất. Ông tiếp tục theo học bài bản với võ sư hương kiểm Mỹ sáu năm sau đó.

Đó có lẽ cũng là lý do căn bản khiến võ sư Phan Thọ hiện thời am hiểu hầu hết các bài binh khí, các thảo thức ít gặp và cả các bài “võ vườn” rất ít người sử dụng.

Có lần ông đi đánh đài bị thua. Ông bảo cả người sưng bầm đau nhức nhưng không dám về nhà mà đến nhà thầy Cai Bảy. “Bà vợ thầy cũng thương tui như con, lấy thuốc xức cho mà chảy nước mắt. Tôi về nhà sợ vợ thấy lại đau lòng mà khóc”.

Lòng say mê võ học đó của ông sớm được đền đáp bởi cả tình yêu của vợ và những ưu ái mà thầy dạy dành cho ông. Võ sư Cai Bảy trước khi mất chỉ dặn dò ông mấy câu: “Thầy coi trò cũng như con. Con cầm quyển sách, đau chỗ nào uống đúng chỗ ấy, thầy có ghi hết các bài dùng vào chỗ nào”.

Ít người biết chính những bài võ y từ thời bôn ba đánh đài phải chịu từng cơn đau và cả bài học thầy Cai Bảy cho, ông võ sư Phan Thọ già nua giờ là ông thầy lang vườn cố gắng chữa đủ thứ bệnh đơn giản cho bà con xung quanh mà ít khi lấy xu tiền nào.

Năm nay 84 tuổi, lão võ sư vẫn mải mê dạy võ. Chỉ khác là bây giờ ông dành nhiều thời gian hơn để phụ vợ bưng mâm cơm hoặc xây cái nhà tắm phía sau cho gọn gàng...

Chén cơm chan thế võ

“Công phu”

Ông Trương Văn Vịnh (võ đường Phi Long Vịnh), gia đình có truyền thống bốn đời làm võ sư, kể về cái “lắm công phu” của cơ duyên thầy trò trong võ thuật ngày xưa: “Khi đứa con muốn nhập môn võ đường nào phải xin cha má cho con mua ba con gà, mục đích là để trừ hao sẽ chết còn một con. Khi vô ngủ nhấp nước miếng cho con gà ngủ. Sáng lại nhấp nước miếng cho nó thức. Khi con gà lớn cất tiếng gáy, thành hình rồi, cũng như tượng trưng mình đã lớn, đã thành hình. Khi đó thằng con mới rót chén rượu cho cha má là con đã thành hình, xin cho con đi học võ. Sau đó, thằng bé mới đến nhà lễ thầy. Khi cúng xong, tên tuổi của võ sinh đều được ghi hết rồi, cha mẹ giao đứa con cho thầy, mong được tiếp thu nhanh, học giỏi. Cha mẹ đứa trẻ bái lạy thầy, đốt tàn cây nhang rồi là đứa con thành võ sinh”.

Nhưng ông thầy dạy võ không phải thế là đã nhận trò ngay. Ba tháng đầu học trò chỉ học ngũ hành và đứng bộ ngựa cho vững. Cũng thời gian đó ông thầy quan sát học trò từ dáng ngủ, tướng đi, câu chuyện... để biết trò là người thế nào.

Ông Vịnh nói: “Người thầy võ hồi đó xem kỹ cả cha mẹ của trò. Sách luật của tổ pháp ghi rất rõ ràng phải xem người ta muốn học võ làm gì, vì cái gì mà học, là thành phần lương thiện hay trộm cướp, làm gian”.

Một võ sư tuổi đời còn rất trẻ, một thời từng nổi danh ở ngôi chùa Long Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cũng đến với võ thuật bằng một cơ duyên thầy - trò đầy ngạc nhiên. Cậu bé Nguyễn Đông Hải được mẹ cho đi học võ từ khá sớm với một ông thầy tên Năm Chấn.

Mẹ bảo học võ để phòng thân. Nhưng lúc đó Hải bé quá, đi học chỉ nhảy chồm chồm, đánh mấy thế thầy dạy cho theo ý thích.

Có một vị sư tên Thích Tịnh Quang ở chùa Lộc Sơn chiều nào cũng ra nhìn Hải tập. Đông Hải còn nhớ cậu gặp thầy như thế đến mấy tháng sau ông mới hỏi: “Con thích học võ không thì thầy truyền!”. Đông Hải lúc đó đã xuất gia nên về chùa Lộc Sơn ở hẳn với thầy.

Võ sư Đông Hải kể: “Nhiều buổi tối cầm cây côn ra ngoài, trời mưa vẫn đứng tập, có hôm từ 11g đêm đến 3g sáng. Phải tập để hôm sau thầy hỏi có thuộc mới dạy cái mới. Có khi đang ngồi ăn cơm vẫn nghĩ trước trong tuần mình tập cái gì. Trước khi đi ngủ cũng ngồi nghĩ mình tập cái gì, thầy dạy có cần lướt chân hay không, lúc nghĩ xong đứng dậy ra xách gậy làm thử liền. Thầy nói được mới đi ngủ. Ngay cả trong lúc ngủ cũng suy nghĩ động tác có được hay không”.

Cứ thế, Đông Hải tập võ bất kể thời gian nào, công việc nào. Cậu ở bên thầy đến năm 19 tuổi, cố gắng lĩnh hội tất cả bài học quan trọng mà thầy Tịnh Quang truyền cho mình. Hai năm sau thầy Tịnh Quang qua đời.

Vì muốn học thêm võ ở thầy Thích Hạnh Hòa ở chùa Long Phước, Đông Hải chuyển về đây sống. Cũng trong thời gian này, phong trào võ thuật Bình Định được chấn hưng và giới thiệu trên thế giới bởi những người tâm huyết thời đó như võ sư Kim Dũng, nhà báo Đỗ Hóa..., Đông Hải lần đầu tiên xuất hiện trong một phóng sự về võ Tây Sơn - Bình Định trên đài truyền hình.

Năm 1987, lần đầu tiên võ sư Đông Hải bắt đầu đứng lớp dạy võ tại chùa Long Phước với những võ sinh đầu tiên là người xem tivi thấy ông biểu diễn quyền thế trên đó. Phong trào võ thuật ở chùa Long Phước phát triển sôi động đến gần chục năm sau. Sân chùa như thiên đường của võ cổ truyền, có thời điểm chùa đón đến hơn 500 võ sinh về học.

Thầy Thích Hạnh Hòa, võ sư Đông Hải và vài học trò gần nhất sau ông trở thành những người gối đầu cho một thế hệ võ sinh trẻ yêu truyền thống. Ông Hải bảo muốn tầm sư học đạo và theo con đường võ học lâu dài, thì phải là những người biết dành cả trái tim để đón nhận những giá trị võ học cổ xưa và quý giá nhất mà thầy dạy đã dành cho mình...

. Theo TTO

-----------------------------------------------------

Tại huyện Tây Sơn, trung tâm phát tiết và đỉnh cao của võ học Bình Định, có một gia đình nông dân đã năm đời gìn giữ võ thuật cổ truyền bằng tình yêu rất giản dị và thiêng liêng như máu thịt của cuộc sống gia đình mình...

Kỳ tới: Gia đình võ học

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội “đổ giàn” trong miền ký ức  (18/10/2010)
Sông Côn - dòng sông võ học  (17/10/2010)
Chuông vang xứ người  (11/08/2010)
Đại lão võ sư đào Thanh  (09/08/2010)
Võ Bình Định ngời sáng vẻ đẹp nhân văn  (30/07/2010)
Một số võ đường là điểm tham quan Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền  (27/07/2010)
Võ đường Lê Kim Hoàng  (14/06/2010)
Tinh hoa một phái “võ chùa”  (11/06/2010)
Truyền nhân võ Tây Sơn lên phim  (07/06/2010)
Khôi phục Bình Thái Đạo  (02/06/2010)
Võ sư Nguyễn Hữu Hiệp - Người góp phần truyền bá võ thuật cổ truyền  (17/05/2010)
Truy tìm pho "bí kíp điểm huyệt"  (13/05/2010)
Về đất võ xem Hổ quyền  (12/05/2010)
Dạy võ và làm từ thiện  (10/05/2010)
Truyền môn nhân bài Siêu xung thiên   (06/05/2010)