Mỗi buổi sáng tại Bảo tàng Quang Trung ở trung tâm huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, khách du lịch có thể dễ dàng nhận ra võ sư Hồ Sĩ trẻ măng trong bộ đồ biểu diễn màu đỏ chói, chuẩn bị những tiết mục võ thuật khi khách đến tham quan bảo tàng.
|
Sân bảo tàng ngoài giờ cũng là sàn tập của võ sư Hồ Sĩ (bìa trái) và học trò.
|
Hồ Sĩ được coi là một trong những võ sư trẻ rất thành công ở Bình Định bây giờ vì anh... có thể sống bằng nghề võ.
Sống với võ
Võ sư Hồ Sĩ bắt đầu công việc tại bảo tàng từ năm 1999, khi bảo tàng có một chương trình biểu diễn tinh hoa võ thuật Tây Sơn - Bình Định cho khách phương xa xem.
Trong chương trình võ thuật, anh vừa làm một võ sĩ biểu diễn bài quyền với roi, vừa là người biểu diễn kèn, vừa biểu diễn cả song đấu với hai võ sĩ khác. Đó là công việc hằng ngày của anh.
Buổi chiều, vừa xong việc công, Hồ Sĩ thay bộ đồ biểu diễn sặc sỡ bằng chiếc áo thun thể thao, chiếc quần võ màu đen và đôi giày vải. Anh bắt đầu buổi dạy võ ngay trong sân bảo tàng cho những học trò mới tập tành những thế đầu tiên của võ cổ truyền Bình Định.
Hồ Sĩ kể: “Bọn trẻ bây giờ tập khác ngày xưa lắm. Hồi xưa cha tui cứ dạy cả 10 động tác mới, rồi ngày nào tụi tui cũng tập lại. Bây giờ mình dạy vậy tụi nhỏ chán, bỏ hết. Mình phải chia ra, mỗi ngày dạy một động tác mới. Ngày nào cũng có cái mới để tập thì tụi nó mới thích”.
Đó là một trong những bước chuyển mình trong phương pháp giảng dạy mà gia đình anh đã thay đổi, khi những yêu cầu khác biệt của cuộc sống mới len vào môn võ cổ truyền lâu đời của đất Bình Định.
Vào mỗi tối thứ ba, sau khi xong hết việc ở bảo tàng, Hồ Sĩ đi xe gắn máy 12km về nhà mình ở thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, bắt đầu một buổi tập võ với gia đình. Gia đình anh đã năm đời sống cùng võ cổ truyền.
Chuyện năm đời ở một võ đường
Buổi tối thứ ba là khoảng thời gian hiếm hoi võ sư Hồ Sĩ có thể cùng các anh trai, cha và đứa cháu trai của mình hòa vào không khí của những buổi tập võ tại gia đình, vốn được duy trì từ những ngày các con của lão võ sư Hồ Sừng còn rất bé.
Gia đình võ sư Hồ Sừng là thế hệ tiếp theo của võ sư Hồ Ngạnh đã biến roi trở thành “thương hiệu” của làng võ Thuận Truyền ngày xưa. Những anh tài võ thuật thời trước đều ngạc nhiên trước sức mạnh của món roi nhà họ Hồ và sự đặc sắc trong các sáng tạo của võ sư Hồ Ngạnh với loại binh khí này.
Không giống với các võ sư và võ đường khác, ở trung tâm của sự sôi nổi võ thuật dưới những thôn làng nổi tiếng như An Thái, An Vinh, gia đình lão võ sư Hồ Sừng sống lặng lẽ và khá biệt lập với những cuộc giao lưu võ thuật ngoài kia.
Ông Hồ Sừng sống với người vợ trong một ngôi nhà có ba cái sân tập võ bao quanh. Ông điểm: “Buổi tối về chỉ võ có thằng con thứ năm, thứ tám, thứ chín, thứ 10, thằng Dư và một thằng cháu nội nữa”. Sân tập nhà ông đầy đủ các loại bao cát, roi, ngựa, xà đơn... và rộng thênh thang. Cả gia đình họ Hồ đã nuôi dưỡng nghề võ cổ truyền không biết từ bao lâu nơi những cái sân như thế.
Ngày trước cũng ba cái sân ấy nhưng chưa có điện đóm gì, võ đường nhà họ Hồ đêm nào cũng thắp đèn tạ đăng, đốt bằng dầu phộng để có ánh sáng mà tập. Người tập võ chỉ đi tập mùa hè, mùa mưa chẳng có chỗ nào che chắn mà tập. Mỗi buổi tối như thế bốn chiếc đèn được thắp lên và thanh niên trong làng tập miệt mài đến khuya. Hôm nào sáng trăng là món quà quý cho võ đường, mọi người có thể nhìn rõ mặt nhau trong lúc tập luyện.
Giờ đây, giữ cái nếp cũ của một võ đường chuyên nghiệp, thời gian tập luyện ở nhà ông Hồ Sừng vẫn từ 7g-10g tối. Ông lão cười xòa: “Hồi đó tập vui thế. Bây giờ lỡ cúp điện thì có sáng trăng mấy tụi nhỏ cũng không tập được. Tối thui”.
Ông Hồ Sừng nhìn đám thanh niên bây giờ đi học võ mà nhớ cái thời của mình. Thanh niên hồi đó ban ngày phải lên núi chặt cây, phải trốn lính, gọi là “đi lính ma” mà sao tối nào cũng chăm chỉ đến tập. Làng sau chiến tranh như bãi sa mạc, bị đốt cháy sạch, thế mà cứ vừa dựng nhà vừa chăm chỉ đến tối đi tập võ. Bản thân ông Hồ Sừng cũng có thời chạy khắp nơi vì trốn lính, đi tới đâu cũng mở võ đường kiếm thêm chút ít mưu sinh.
Từ Quy Nhơn đến Gia Lai, Kon Tum, từ những cuộc chạy trốn đó mà ông có thêm biết bao nhiêu học trò.
Khi mùa hè đến, cái võ đường khuất trên con đường cát hẹp vào nhà ông là nơi tụ tập của cả trăm võ sinh đến tập luyện. Ông lão Hồ Sừng tinh anh so sánh: “Bữa nay học võ dễ hơn ngày xưa nhiều. Hồi mới hòa bình về phải 15 tuổi mới đi học võ được. Tập cực lắm. Ngựa xe (tấn) hồi đó là ngựa chôn. Tập đòi hỏi nội công nhiều. Phách, lạc, trụ, ngựa gì cũng phải tập thật vững rồi thầy mới chỉ thảo (bài quyền). Giờ mà đưa vô dạy vậy tụi nó bứt hết chứ còn gì nữa mà dạy”.
Võ đường Hồ Sừng của gia đình ông cũng là trường năng khiếu võ thuật của tỉnh. Chu kỳ ba tháng một lần tỉnh cho người xuống kiểm tra, những em có năng khiếu sẽ nhanh chóng được rút về tập ở sở sau khi xin phép gia đình các em.
****
Lão võ sư Hồ Sừng tự hào nói về đứa cháu nhỏ của mình tên Hồ Đức Hạnh. Cậu bé mới 13 tuổi nhưng đã theo cha và các chú tập võ từ khi còn rất bé. Khi cha mất, cậu bé càng bám lấy chú Hồ Sĩ. Nhiều năm liên tiếp Hạnh đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi võ thuật của tỉnh. Mùa hè Hạnh lên bảo tàng theo chú biểu diễn võ thuật cho khách nước ngoài xem.
Trong gia đình võ sư Hồ Sừng còn có hai đứa cháu là Hồ Thảo và Hồ Thứ cũng sớm bộc lộ khả năng và niềm say mê với môn võ cổ truyền của dòng họ.
Những gì mà các con các cháu đang làm, lão võ sư Hồ Ngạnh vang tiếng một thời với “roi Thuận Truyền” hoàn toàn có thể mỉm cười kiêu hãnh như trong bức ảnh nhỏ mà cháu nội Hồ Sừng của ông vẫn giữ gìn bên mình.
Võ sư Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu (1891-1976). Ông là người gốc thôn Háo Ngãi, huyện Bình Khê, sinh sống ở Thuận Truyền. Từ nhỏ ông đã học võ theo cha mẹ truyền dạy vì cha là một quan võ của triều Nguyễn.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong, dòng họ Hồ nổi bật là Hồ Triêm và Lê Thị Quỳnh Hà, là song thân của võ sư huyền thoại Hồ Nhu, đã kỳ công nghiên cứu, chuyển hóa võ roi dân tộc thành roi tề mi (cây roi cao đến chân mày võ sĩ) hay còn gọi là roi trận, roi chiến. Đặc điểm: lấy “nghịch” chế thuận (chuyên dùng tuyệt kỹ roi đánh ngược để tạo khoảng trống, dùng thế đâm “so đũa” và thế “lạc côn” để nhanh chóng hạ thủ.
Sau này ông còn sáng tạo thêm một loại roi nữa là roi “cộng lực”, khi xuất chiêu thường áp sát roi của mình vào binh khí đối phương để mượn lực truyền dẫn của địch thủ, tăng lực và vận tốc hạ thủ đối phương nhanh nhất.
Khoảng năm 1932, tiếng tăm võ sư Hồ Ngạnh đã vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Nghe danh, học trò đến thọ giáo rất đông. Con trai chết sớm, ông truyền nghề cho cháu nội là võ sư Hồ Sừng hiện nay. |
. Theo TTO |