Võ Bình Định - Di sản không thể mất
Kỳ 1: Võ Bình Định hay võ cổ truyền Bình Định ?
22:25', 22/11/ 2010 (GMT+7)

Nếu người phương xa nào hỏi ở quê hương Bình Định có di sản phi vật thể nào đã trở thành niềm tự hào lớn nhất của người dân? Chúng tôi sẽ trả lời không chút do dự về “di sản không thể mất” - Võ Bình Định. Tại sao võ Bình Định là di sản độc đáo và không thể đánh mất? Chúng tôi đã đi tìm những căn cứ chứng minh cho nhận định này. 

 

Luyện tập võ tại võ đường Lý Xuân Hỷ (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn).

 

* Định danh một khái niệm

Khi chúng tôi quyết định gọi ngắn gọn hơn võ cổ truyền Bình Định thành “võ Bình Định”, chắc hẳn có rất nhiều người không đồng tình. Thế nhưng với góc nhìn riêng, đã tìm hiểu khá nhiều tư liệu nghiên cứu về các dòng võ trên mảnh đất Bình Định, gặp gỡ nhiều nhân vật trong làng võ Bình Định… chúng tôi dùng tên võ Bình Định.

Xét về ý nghĩa chuẩn xác, khi gọi tên “võ cổ truyền Bình Định” tức là sự “giới hạn riêng” về những dòng võ từ rất lâu đời chỉ có ở vùng đất Bình Định, hiện vẫn được bảo tồn một cách nguyên gốc. Đây là vấn đề đến nay vẫn cần có một công trình nghiên cứu khoa học thực sự bài bản và quy mô để xác định.

Trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Bình Định là nơi hình thành, phát triển, giao thoa nhiều dòng võ cổ truyền khác nhau. Có một số võ sư Bình Định đã từng tầm sư học võ thêm ở ngoài tỉnh để nâng cao hơn kiến thức võ thuật. Vì vậy tên gọi võ Bình Định mang tính rộng mở, thể hiện được sự đa dạng của các yếu tố cấu thành: võ cổ truyền đặc trưng của Bình Định, các dòng võ cổ truyền khác được phát triển trên đất Bình Định, sự sáng tạo võ thuật mới trên nền tảng tiếp nhận võ cổ truyền của các thế hệ người học võ ở Bình Định. Hay nói một cách cụ thể hơn, tên gọi võ Bình Định nhấn mạnh địa danh  “Bình Định” hơn yếu tố “võ”. Điều này nhằm khẳng định văn hóa – lịch sử của vùng đất Bình Định là yếu tố quan trọng tạo nên sự hội tụ nhiều thế hệ nhân tài võ học, đã phát triển các dòng võ thuật cổ truyền một cách linh hoạt, đa dạng và tươi mới.     

* Di sản quý báu

Khi so sánh võ Bình Định với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương trong cả nước, chúng ta có thể tự hào khi hiếm di sản nào có được sự kết hợp  “văn hóa – thể thao” mang bề dày lịch sử, trải dài qua nhiều thế kỷ như võ Bình Định. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của võ Bình Định gắn liền với từng giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Khi nói đến nguồn gốc của võ Bình Định, cần phải kể đến những mốc lịch sử quan trọng mà từ đó võ Bình Định ra đời, được nuôi dưỡng và phát triển rực rỡ, cũng như cách thức tồn tại cho đến ngày nay dù trải qua những giai đoạn bị đàn áp. Có thể chia ra những mốc thời gian gắn với từng bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của võ Bình Định: thời kỳ vương triều Chămpa, Bình Định thành đất phên dậu của Đại Việt, thời Tây Sơn, thời nhà Nguyễn, thời kỳ kháng chiến giành độc lập, thời kỳ sau giải phóng đến nay.

 

Đội tuyển võ cổ truyền Bình Định được mời ra Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Sự độc đáo của võ Bình Định là vừa có sự đa dạng chung nhờ hội tụ được các dòng võ thuật khác nhau, vừa có đặc trưng riêng được đánh giá rất cao. Điểm nhấn độc đáo nhất giúp cho võ Bình Định đi vào lịch sử và tình cảm ngưỡng mộ của dân tộc Việt Nam đó là “tính nhân văn”. Người học võ Bình Định luôn thấm nhuần võ đạo, đề cao việc rèn luyện đạo đức, tinh thần trượng nghĩa giúp đời. Thời kỳ Tây Sơn, người học võ Bình Định được tập hợp để cùng nhau đạt đến cao trào trong ý nghĩa quật cường và chính khí. Sự xuất hiện của hàng loạt võ nhân xuất sắc ở cương vị tướng lĩnh lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn, đã lập nên những chiến công vang dội lịch sử chống giặc ngoại xâm. Thời Cần Vương, nhiều người Bình Định tuy mặc áo quan văn nhưng khi cần, họ có thể sử dụng võ thuật cứu nước hộ dân như Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng, Lê Thượng Nghĩa, Đặng Đề, Nguyễn Trọng Trì. Lãnh đạo các phong trào yêu nước chống Pháp tại Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh Nam Bộ cũng là các võ nhân quê Bình Định như Võ Trứ, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương...

Võ Bình Định trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản cũng phát huy được sức mạnh của nó. Thành viên các đội tự vệ Đỏ, Xích Vệ công nông cướp chính quyền năm 1945 ở Bình Định hầu hết là võ sĩ của các làng võ như: Võ Xán, Trần Quang Khanh, Nguyễn Trân, Nguyễn Bút, Huỳnh Dinh, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Trung Tín (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định), Tô Đình Cơ (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định). Đường kiếm 12 hay bài kiếm 12 nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp, thực chất là 12 thế kiếm do Nguyễn Trọng Tạo chắt lọc từ các thế võ Bình Định, sau này phổ biến rộng rãi trong dân quân và bộ đội Khu 5. Võ Bình Định đã được các tiểu đoàn đặc công 30, tiểu đoàn đặc công số 10 trên địa bàn Bình Định phát huy hiệu quả. Các đặc công trinh sát đều được dạy các thế võ trói địch không cần dùng dây. Đây chính là một trong những thế  độc chiêu của võ Bình Định, tương truyền là được tiếp nhận từ võ thuật thời Chămpa.

* Một “thương hiệu” có giá trị

Sức sống mãnh liệt gắn liền với truyền thống văn hóa - lịch sử của một vùng đất địa linh nhân kiệt đã khiến võ Bình Định trở thành “thương hiệu” nổi tiếng, đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ. Xin được minh chứng phần nào bằng hai câu chuyện chúng tôi đã được nghe nhân vật trực tiếp kể lại. Câu chuyện thứ nhất diễn ra trên nước Mỹ xa xôi, khi một cụ già Việt kiều trên 80 tuổi gặp mặt một đồng hương là người Bình Định, thì câu chào hỏi đầu tiên đã bày tỏ sự ngưỡng mộ thật lòng: “Người Bình Định giỏi võ và anh hùng lắm !”. Câu chuyện thứ hai là về người đàn ông gần 40 tuổi ở miền Bắc đi tham quan và thưởng thức nhạc võ ở Bảo tàng Quang Trung, đã tự hào và xúc động rơi nước mắt khi thấy các nữ võ sĩ biểu diễn…

Thương hiệu võ Bình Định cũng phát huy giá trị thực tiễn cao, khi đã trở thành “cầu nối” quảng bá rộng rãi về đất nước và con người Bình Định. Điều này đã được thể hiện rõ nhất qua 3 lần đăng cai tổ chức Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam: Lần thứ I (năm 2006) thu hút 37 đoàn quốc tế đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, 21 đoàn trong nước. Lần thứ II (năm 2008) thu hút 73 đoàn đến từ 26 quốc gia. Lần thứ III (năm 2010) thu hút 70 đoàn đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thử hỏi nếu không phải là võ Bình Định, thì sự kiện nào ở tỉnh nhà có thể tạo được sức thu hút và lan tỏa rộng rãi như vậy. Chất lượng của thương hiệu võ Bình Định cũng đang được gìn giữ tốt. Võ cổ truyền chính là môn thể thao mũi nhọn đem về nhiều thành tích cao cho ngành TDTT Bình Định. Võ Bình Định cũng đã, đang, sẽ đóng góp tích cực vào việc rèn luyện sức khỏe của hàng chục ngàn người dân trong và ngoài tỉnh tham gia luyện tập hàng năm.

Những điều nói trên đã tạo nên “giá trị” cho thương hiệu võ Bình Định trong nước và quốc tế. Giá trị này còn có thể phát huy tốt hơn nữa trong thực tiễn, nếu có kế hoạch phát triển và khai thác một cách khoa học. Do đó, võ Bình Định là di sản không thể đánh mất...

  • Hoài Thu - Lê Cường

Kỳ 2: Mạnh mẽ “dòng chảy” võ Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ cuối: Gia đình võ học  (21/10/2010)
Sông côn - dòng sông võ học - Kỳ 3: Tầm sư học đạo  (20/10/2010)
Hội “đổ giàn” trong miền ký ức  (18/10/2010)
Sông Côn - dòng sông võ học  (17/10/2010)
Chuông vang xứ người  (11/08/2010)
Đại lão võ sư đào Thanh  (09/08/2010)
Võ Bình Định ngời sáng vẻ đẹp nhân văn  (30/07/2010)
Một số võ đường là điểm tham quan Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền  (27/07/2010)
Võ đường Lê Kim Hoàng  (14/06/2010)
Tinh hoa một phái “võ chùa”  (11/06/2010)
Truyền nhân võ Tây Sơn lên phim  (07/06/2010)
Khôi phục Bình Thái Đạo  (02/06/2010)
Võ sư Nguyễn Hữu Hiệp - Người góp phần truyền bá võ thuật cổ truyền  (17/05/2010)
Truy tìm pho "bí kíp điểm huyệt"  (13/05/2010)
Về đất võ xem Hổ quyền  (12/05/2010)