Trải qua bao thăng trầm, võ Bình Định đã hòa vào tâm hồn người Bình Định để tồn tại và phát triển linh hoạt, đa dạng tùy theo tình hình thực tế của đời sống xã hội. “Dòng chảy” võ Bình Định vẫn còn mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong tỉnh.
|
Lão võ sư Phan Thọ (bìa trái) tâm sự: “Những năm trước tập ngoài sân nên mùa mưa phải nghỉ. Năm nay, tôi cố gắng dành dụm ít tiền làm phòng tập này. Sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng tôi vẫn tranh thủ truyền dạy học trò…”.
|
* Khẳng định tiếng thơm đất Võ
Trong quá trình đi khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy tại các địa phương có phong trào luyện tập võ cổ truyền phát triển mạnh như An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn đều có trên dưới 10 võ đường, CLB đang hoạt động. Tuy không mạnh như các địa phương vừa kể đến, nhưng các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân vẫn còn một số võ đường hoạt động. Tại Giải võ cổ truyền các CLB tỉnh Bình Định năm 2010, có đến gần 300 VĐV của 39 CLB, võ đường tham dự.
Tại các giải thi đấu quốc gia trong nhiều năm qua, các VĐV võ cổ truyền Bình Định luôn giữ vững được thành tích cao. Ngoài ra, tại các giải thi trẻ toàn quốc diễn ra hàng năm, các VĐV trẻ của võ cổ truyền Bình Định cũng đem về hàng trăm huy chương các loại, góp phần khẳng định danh tiếng miền đất Võ.
Trong suốt 20 năm qua, các đoàn võ cổ truyền Bình Định cũng đã thường xuyên tham dự các cuộc liên hoan, thi đấu quốc tế tại các nước Nga, Thụy Sỹ, Angiêri, Hàn Quốc, Rumani, Ý. Ngoài thi đấu biểu diễn, một số nước còn mời các võ sư Bình Định sang truyền dạy. Đến nay, võ Bình Định đã được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
* Các lão võ sư một đời “giữ lửa”
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, việc bảo tồn và phát triển võ Bình Định có những đóng góp rất lớn của các lão võ sư Bình Định.
Tìm đến nhà võ sư Phan Thọ (86 tuổi, huyện Tây Sơn) vào một buổi sáng trời mưa lạnh, thật ngạc nhiên khi thấy ông đang hăng say hướng dẫn học trò trong căn phòng tập đơn sơ trống hoác gió lùa. Ngay tại nhà lão võ sư Phan Thọ, hiện có gần chục học trò ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đang rèn luyện. Anh Võ Minh Trí (21 tuổi, quê ở Đồng Nai), cho biết: “Tôi nghe danh tiếng lão võ sư Phan Thọ và tìm tới xin học đã hơn hai năm. Tôi được thầy truyền dạy liên tục mỗi ngày ba buổi, nên đã luyện đánh được gần hết 18 món binh khí tiêu biểu của võ Bình Định… Ở cạnh thầy, tôi còn học được cách đối nhân xử thế nữa!”.
Toàn tỉnh hiện có 58 võ sư, 27 chuẩn võ sư, 115 HLV võ cổ truyền. Trong đó, có hơn 90 võ sư, huấn luyện viên duy trì hoạt động truyền dạy, tổ chức hoạt động thường xuyên cho hơn 3.000 võ sinh, con số này có thể tăng lên 8.000 - 10.000 võ sinh vào dịp hè. Trọng tài võ cổ truyền cấp quốc gia có 7 người, cấp tỉnh 62 người, cấp huyện 120 người. |
Khoảng sân nhỏ trước nhà lão võ sư Phi Long Vịnh (74 tuổi, huyện Tuy Phước) đã in dấu bao thế hệ học trò trong suốt bao nhiêu năm qua. Võ sư Phi Long Vịnh vẫn còn đủ sức biểu diễn những đòn thế, bài võ đầy uy lực, nên thường xuyên được mời tham gia các sự kiện võ thuật lớn của tỉnh. Thỉnh thoảng, ông còn nhận lời sang châu Âu quảng bá võ Bình Định. Năm 2007, ông được Hiệp hội Quán Khí Đạo quốc tế tại Ý trân trọng trao tặng bằng Đại danh sư võ thuật.
Võ sư Lý Xuân Hỷ (71 tuổi, huyện An Nhơn) là người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển võ Bình Định. Khi chúng tôi đến, ông đang bận rộn với việc xây nhà mới, nhưng mỗi buổi chiều vẫn dành thời gian dạy học trò ở khoảnh sân rộng phía sau nhà. “Mùa mưa thì ít, chứ mùa hè các em đến học kín cả sân. Chỉ cần các bạn trẻ hôm nay đam mê, các võ sư lớn tuổi như tôi luôn phấn khởi truyền dạy hết lòng…”- võ sư Hỷ bộc bạch.
Võ sư Lê Xuân Cảnh (71 tuổi, huyện An Nhơn) không chỉ đào tạo võ thuật, mà còn hướng học trò tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng như múa lân, thi đấu cờ người nên thu hút đông đảo bạn trẻ…
|
Võ đường Lê Xuân Cảnh (xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) tổ chức nhiều hoạt động đa dạng thu hút đông võ sinh tập luyện.
|
* Tiếp nối truyền thống
Trong 5 năm gần đây, Hoài Nhơn luôn là một trong những đơn vị mạnh ở các giải võ cổ truyền toàn tỉnh, đặc biệt là ở nội dung đối kháng. Hiện nay, môn phái Bình Nhơn đạo (do cố võ sư Thanh Tú sáng lập) đóng góp tích cực cho phong trào võ cổ truyền.
Võ sư Thanh Hùng (con trai võ sư Thanh Tú) cùng hai người chú ruột là các võ sư Thanh Ca, Thanh Lương trong những năm qua đã đào tạo nhiều võ sinh xuất sắc. Hiện, võ sư Thanh Hùng cố gắng duy trì nhiều lớp học với tổng cộng chừng 200 võ sinh. Ông cũng là võ sư duy nhất còn dạy nội dung biểu diễn ở Hoài Nhơn. Cách đây 3 năm, được phép thầy, một đệ tử của võ sư Thanh Lương là Phan Huỳnh Thi cũng mở CLB riêng mang tên Thanh Thiên. Đây là CLB có sự đầu tư bài bản nhất về cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện. Và CLB Thanh Thiên đã đoạt được nhiều thành tích ấn tượng.
Tại huyện Tây Sơn, CLB Hồ Bé xứng đáng là cánh chim đầu đàn khi đã đoạt cúp vô địch đối kháng tại các Giải võ cổ truyền các CLB tỉnh năm 2006, 2007, 2010. Riêng tại giải năm 2010, CLB Hồ Bé còn đoạt cờ CLB xuất sắc nhất. Võ sư Hồ Bé cho biết: “Võ đường chúng tôi phát triển vững mạnh là nhờ hoạt động ở làng võ Thuận Truyền, người dân có truyền thống luyện tập võ thuật. Từ số lượng võ sinh tập luyện khá đông, chúng tôi phát hiện, tuyển chọn các em có năng khiếu đưa vào luyện tập thường xuyên tại các lớp riêng, chuyên luyện thi đối kháng, biểu diễn…”.
Tại TP Quy Nhơn, CLB Nguyễn Thanh Vũ ở Nhà văn hóa Lao động tỉnh khẳng định thế mạnh dẫn đầu ở nội dung hội thi biểu diễn tại các giải tỉnh, mới đây nhất là Cúp vô địch hội thi tại Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2010. CLB Nguyễn Thanh Vũ cũng là địa chỉ đào tạo võ cổ truyền thu hút đông người học nhất tại TP Quy Nhơn.
Ở huyện An Nhơn, ngoài một số võ đường đã khẳng định thế mạnh về nội dung đối kháng như Lý Xuân Hảo, Đỗ Văn Tuấn, còn xuất hiện thêm võ đường Lý Xuân Vân, Đỗ Văn Út… đoạt thành tích cao khi tham gia Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2010, nhờ vậy đã giành được giải nhất toàn đoàn.
Tại huyện Tuy Phước, phong trào luyện tập võ cổ truyền cũng phát triển mạnh, đi đầu là các điểm tập luyện của võ sư Phi Long Vinh, HLV Kim Huệ… Còn ở huyện miền núi, trung du như Hoài Ân, phong trào luyện tập võ cổ truyền tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tương đối sôi nổi và gặt hái được khá nhiều thành tích nhờ hoạt động của hai võ đường do các hậu duệ của võ sư Trần Học là võ sư Trần Quý Ba, Trần Quý Trị dẫn dắt.
Tiếp nối truyền thống, các thế hệ võ sư, huấn luyện viên trẻ tuổi đã nỗ lực đưa phong trào luyện tập võ cổ truyền phát triển sâu rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. “Dòng chảy” võ Bình Định vì thế hiện vẫn còn đang rất mạnh mẽ trong lòng nhân dân…
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV |