Kế tục truyền thống của các võ sư, võ sĩ thời trước, các thế hệ nối tiếp của võ Bình Định đã làm rạng danh miền đất Võ với nhiều thành tích xuất sắc ở những đấu trường lớn. Nhưng công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) đỉnh cao vẫn chưa được chú trọng đúng mức…
|
Đội tuyển năng khiếu võ cổ truyền Bình Định tại Giải trẻ võ cổ truyền toàn quốc năm 2009. |
* Bất cập công tác tuyển chọn
Một thời gian dài, võ Bình Định luôn giữ vị trí hàng đầu trong cả nước tại nhiều giải đấu. Tuy nhiên, cũng có thời điểm đất Võ “trắng tay” ở những giải đấu quan trọng. Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002 là một ký ức buồn với làng võ Bình Định, khi chỉ giành được 2 HCB và 2 HCĐ đều ở nội dung đối kháng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại. Nhưng then chốt là do VĐV Bình Định không kịp thích nghi với thể thức thi đấu mới ở nội dung đối kháng: chuyển từ võ đài xuống sàn đài.
Mãi đến Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006, các thành viên đội tuyển võ cổ truyền mới xuất sắc đem về 5 HCV, 7 HCB và 8 HCĐ (trong cả hai môn võ cổ truyền và tán thủ wushu), là đội tuyển duy nhất đem HCV về cho đoàn Bình Định. Tuy vậy, việc các VĐV nội dung biểu diễn không đoạt được HCV nào đã chỉ ra sự hụt hẫng ở tuyến kế thừa, bởi những VĐV kỳ cựu như: Trần Duy Linh, Võ Văn Tính, Nguyễn Văn Cảnh… đã bước qua thời kỳ đỉnh cao phong độ.
Hiện nay, việc xây dựng tuyến kế thừa đã được thực hiện tương đối liên tục. Tuy nhiên, công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ thông qua các giải đấu, chưa có tiêu chí, chưa thành hệ thống bài bản, chưa mang tính khoa học. Việc tuyển chọn chuyên sâu chưa thành nguyên tắc, chưa tiến hành tuyển chọn ở diện rộng, chỉ dựa vào một vài huyện có phong trào mạnh như: An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn… nên số lượng VĐV tham gia tuyển chọn chưa được nhiều.
Việc kiểm tra sàng lọc các VĐV không đáp ứng được chuyên môn, và kế hoạch tuyển chọn bổ sung chưa rõ ràng, cụ thể. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác tuyển chọn VĐV còn quá đơn giản, nhất là những dụng cụ về y sinh học. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyển chọn ở diện rộng còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, chế độ cho VĐV năng khiếu hiện nay quá thấp, không đủ kích thích các gia đình gửi con em mình theo tập luyện. Mức hỗ trợ phong trào còn thấp nên chưa tạo được động lực cho các võ đường chuyên tâm tìm kiếm và đào tạo những “mầm non” để chuyển lên “tuyến trên”.
Việc hỗ trợ trong công tác tập huấn chuyên môn cho các CLB ở cơ sở đến nay vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Võ sư Trần Duy Linh, HLV nội dung biểu diễn đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, cho biết: “Tìm một VĐV trẻ có năng khiếu, tố chất vào thời điểm này là điều không hề dễ dàng. Cùng một thế võ, nhưng tùy theo sự nhìn nhận, cảm thụ mà mỗi võ sư, HLV ở phong trào truyền dạy những động tác khác nhau. Do đó, để chỉnh sửa, đào tạo các em thành một VĐV đủ khả năng thi đấu ở các giải quốc gia mất rất nhiều thời gian và công sức”.
|
Phòng tập chật chội ảnh hưởng không nhỏ đến việc huấn luyện của đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định. |
* Đầu tư chưa tương xứng
Đội ngũ Ban huấn luyện võ Bình Định hiện nay gồm những võ sư, HLV trẻ, tâm huyết, tài năng, nhanh chóng nắm bắt, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào huấn luyện. Điều đó đã giúp chúng ta giành được những thành công lớn ở đấu trường quốc gia trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Nhưng với mức đầu tư còn hạn chế, việc duy trì những thành tích đó là điều rất khó khăn, khi nhiều địa phương khác đã triển khai những chiến lược phát triển lâu dài bộ môn này.
Những năm gần đây, Ban huấn luyện đội tuyển võ cổ truyền Bình Định thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng giai đoạn cụ thể, nhưng vì ngân sách dành cho bộ môn còn hạn hẹp, trang thiết bị dụng cụ, sân bãi tập luyện chưa được đầu tư thỏa đáng, nên không thể thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Từ đó, việc nâng cao thành tích cho VĐV đẳng cấp, nâng cao chỉ số chuyên môn cho VĐV dự bị cũng bị ảnh hưởng.
Với việc giá cả thị trường có biến động mạnh trong thời gian qua, mức chi tiền ăn cho mỗi VĐV 45.000 đồng/ngày không đủ để họ duy trì tập luyện ở khối lượng cao. Mức tiền công khoảng 1,1 triệu đồng/người/tháng (22 ngày tập x 50.000 đồng/ngày) không đủ để VĐV trang trải những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Đầu ra của những VĐV hết độ tuổi sung mãn không rõ ràng, đa số họ thường xuất thân từ gia đình khó khăn, nên sau khi giải nghệ không đủ điều kiện để học đại học hoặc tìm một nghề để mưu sinh. Do đó, tư tưởng các VĐV không ổn định, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự lôi kéo, tác động của đơn vị khác với những hứa hẹn về chế độ, lương, thưởng…
Thành tích mà thể thao Bình Định giành được trong những năm qua có đóng góp quan trọng của võ cổ truyền. Nhưng nếu không có những giải pháp mang tính chiến lược, những sự đầu tư bài bản với kế hoạch lâu dài để xây dựng và củng cố từ phong trào đến đỉnh cao, việc duy trì những thành tích đó là điều không dễ dàng.
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống |