Những người đang gắn bó với sự nghiệp gìn giữ và phát triển võ Bình Định hay nói đùa “không thực vẫn vực được võ”. Đùa là đùa thế, nhưng sau thế hệ võ sư, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) tâm huyết hiện có, những người quan tâm tới võ Bình Định đang mỏi mắt tìm kiếm lứa kế thừa. Có thể săn được VĐV giỏi nhưng rất khó tìm ra những VĐV giàu đam mê, có tố chất dẫn dắt. Phải chăng võ Bình Định đứng trước nguy cơ “đứt mạch” truyền thống?
|
Võ sư Phi Long Vịnh có nhiều cống hiến nhưng không có điều kiện nên vẫn phải dạy học trò ở khoảng sân chật hẹp trước nhà.
|
* Gian khó giữ nghiệp
Hiện trong số các võ sư hiện đang sống ở tỉnh Bình Định, chỉ có 3 võ sư - Phan Thọ, Phi Long Vịnh, Phan Thanh Sơn được ngân sách hỗ trợ mỗi người 300 ngàn đồng/tháng. Và cũng chỉ có 10 võ đường ở các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân được chọn làm vệ tinh, cung cấp VĐV năng khiếu cho đội tuyển tỉnh, hàng tháng mỗi võ đường được hỗ trợ 450 ngàn đồng. Không nói ra thì ai cũng biết, mức hỗ trợ là rất ít ỏi so với cống hiến của các võ sư, võ đường.
Những người đang gắn bó với sự nghiệp gìn giữ và phát triển nghiệp võ hiện nay chủ yếu là vì giàu tâm huyết, chứ chưa ai sống dựa hẳn vào nghề võ. Võ sư Phan Thọ (Tây Sơn) tâm sự: “Nếu có kinh phí hỗ trợ, tôi sẵn sàng dạy miễn phí cho học trò. Nhưng ngặt nỗi gia cảnh cũng nghèo, không có cách gì xoay xở, nên đành phải thu phí chút ít để trang trải cuộc sống thường nhật…”.
Võ sư Trần Quý Ba (Hoài Ân) cho biết: “Ở một huyện miền núi, mức học phí 50.000 đồng/tháng để luyện tập hàng ngày vẫn được xem là nặng với nhiều gia đình. Có võ sinh khi nghĩ đến học phí đã… nghỉ luôn. Do đó, để duy trì phong trào, chúng luôn có chế độ miễn giảm cho các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn”.
Còn võ sư Thanh Hùng (Hoài Nhơn) thì cho rằng: “Võ sinh theo học đông cũng là điều đáng mừng, nhưng không thể nói nhờ nguồn thu nhập từ học phí mà kinh tế của mình khá lên được. Bên cạnh đó, những lần đi dự giải tốn kém đủ bề nhưng hầu như chỉ có mình tôi gánh vác. Đã trót theo đuổi niềm đam mê thì phải thế thôi, chứ không lẽ bỏ ngang di sản tổ tiên mình để lại…”.
Nguồn thu từ việc dạy võ không bao nhiêu, cuộc sống khó khăn là thế, nhưng khi tỉnh tổ chức giải đấu, nhiều võ sư, HLV vẫn cố gắng gom góp tiền bạc hoặc vận động các gia đình VĐV đóng góp để dẫn học trò đi thi đấu, cọ xát, kiểm nghiệm trình độ. Theo quy định của Ban tổ chức, Giải Võ cổ truyền các CLB tỉnh, tính từ vòng loại mỗi VĐV thi đấu đối kháng cứ mỗi trận thắng sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ là 50.000 đồng; riêng các VĐV tham gia nội dung hội thi biểu diễn thì được khoán gọn mức hỗ trợ 100 ngàn đồng/người.
* Nguy cơ “đứt mạch” truyền thống
Phong trào luyện tập võ Bình Định trên địa bàn tỉnh hiện đang phát triển rộng, nhưng chủ yếu tập trung ở một số địa phương có bề dày truyền thống. Và ngay tại các địa phương này, việc phát triển tuy rộng nhưng lại chưa thực sự vững chắc.
Huyện Tây Sơn có truyền thống võ cổ truyền trăm năm lừng lẫy là thế, nhưng hiện chỉ còn khoảng chục võ đường. Phần lớn hoạt động theo kiểu “lai rai”, chỉ có hai võ đường thường xuyên đào tạo VĐV tham gia thi đấu giải tỉnh là võ đường Phan Thọ và võ đường Hồ Bé. Võ sư Phan Thọ đã cao tuổi nên việc đào tạo hạn chế, gánh nặng gìn giữ phong trào vì vậy đều dồn hết vào võ đường của gia đình võ sư Hồ Bé.
Huyện An Nhơn tuy số võ đường hoạt động mạnh, khá đồng đều, nhưng đáng tiếc là phong trào ở làng võ An Thái vang bóng một thời, nay coi như đã lụi tàn vì không còn hạt nhân ở địa phương để truyền dạy.
Hoài Nhơn luôn là một trong những đơn vị mạnh ở các giải võ cổ truyền toàn tỉnh, đặc biệt là ở nội dung đối kháng. Song số lượng võ đường, CLB tham gia giải ngày càng “teo tóp”, hiện chỉ còn vài cái tên như võ đường Thanh Lương, Thanh Hùng, Thanh Thiên…
Một phần lý do của sự teo tóp là các võ sư, HLV phải mưu sinh. Võ sư Thanh Lương vẫn sống bằng nguồn thu nhập chính từ nghề rèn. Võ sư Thanh Hùng thì trông cậy vào suất tiền lương vệ sĩ ở một chi nhánh ngân hàng. Những võ đường khác chỉ hoạt động cầm chừng, ít tham gia các giải đấu.
Phong trào tập luyện võ cổ truyền ở huyện Hoài Ân sau thời kỳ “cực thịnh” những năm 80 của thế kỷ trước, hiện chỉ còn hai võ đường Trần Quý Ba, Trần Quý Trị là tương đối sôi nổi. Nguồn thu nhập chính của võ sư Trần Quý Ba nằm ở… tiệm thuốc Bắc, còn cháu trai Trần Quý Trị là khoản lương giáo viên thể dục. Nhiều gương mặt gạo cội khác ở Hoài Ân đã giải nghệ như: võ sư Phi Long Tĩnh “quy ẩn” chăm lo ruộng vườn, võ sư Kim Minh Công giờ lo trồng rừng, võ sư Thanh Sơn lại đi trồng cà phê trên Tây Nguyên…
|
Võ sư Trần Quý Ba (bên phải) người đóng góp rất nhiều cho việc duy trì và phát triển phong trào võ cổ truyền ở huyện Hoài Ân. Ông sống chủ yếu bằng nghề thầy thuốc.
|
* Thương cho trò và thương cả cho mình
Có thể thấy nguy cơ “đứt mạch” truyền thống võ Bình Định khi các võ sư lớn tuổi làm chỗ dựa cho phong trào đã ra đi vì tuổi cao sức yếu. Võ Bình Định sẽ ra sao nếu thế hệ những võ sư hiện đang ở tuổi thất thập trở lên ra đi? Chắc chắn sẽ là một khoảnh trống mênh mông. Và điều khiến những người mộ võ lo lắng là những võ sư, HLV sáng giá ở lứa tuổi U50, U60 ở ta hiện cũng không nhiều.
Thế hệ võ sư, HLV trẻ làm nòng cốt hiện tại chưa biết có kiên trì theo đuổi nghề hay không, trước những sức ép của cuộc mưu sinh. Điều này đòi hỏi ngay bây giờ cần phải gầy dựng được một lực lượng mới truyền dạy võ cổ truyền có chất lượng để giữ vững phong trào. Lực lượng giảng dạy này trước mắt có thể được bồi đắp dần, từ việc lựa chọn hạt nhân là các VĐV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh giàu nhiệt huyết.
Võ sư HÀM HỮU NGHĨA, Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tuy Phước:
“Để góp phần thúc đẩy phát triển phong trào luyện tập võ cổ truyền, cần tổ chức thêm nhiều những giải thi đấu giao hữu nội dung đối kháng. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), nhiều huyện, xã đứng ra tổ chức những đêm võ đài với sự tham gia rất nhiệt tình của đông đảo võ đường, kể cả từ các tỉnh bạn. Vì nhiều lý do những đêm võ đài như thế thưa vắng dần. Hiện nay, những đêm võ đài thường chỉ xuất hiện vào dịp Tết âm lịch. Các võ sĩ trong tỉnh ít có cơ hội cọ xát trong các giải đấu giao hữu ở cơ sở để tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật. Dịp Tết năm vừa rồi, khi tổ chức thi đấu võ đài ở xã Phước Nghĩa, chúng tôi đã thử nghiệm trước khi thi đấu cho biểu diễn văn nghệ, binh khí nên thu hút rất đông khán giả mua vé vào xem hơn hẳn các năm trước…”. |
|