Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”
15:36', 27/12/ 2010 (GMT+7)

Suốt 16 năm qua, Siêu xung thiên (một trong 10 bài quy định quốc gia của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam) vẫn được biết là một bài võ đặc sắc xuất xứ từ tỉnh Khánh Hòa. Nhưng có một điều ít ai biết, Siêu xung thiên được lưu giữ bởi một dòng họ võ nổi tiếng gốc Bình Định…

 

Công việc chính của võ sư Phan Văn Quảng (bìa phải) hiện giờ là Trưởng phòng Tổ chức Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Long Sơn. Ảnh: L.C
 

1.

Tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 2 do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức năm 1994, có hơn 70 bài võ cổ truyền từ khắp mọi miền đất nước được giới thiệu. Trong đó, bài Siêu xung thiên (còn có tên gọi là Siêu tứ môn) do võ sư Phan Văn Quảng giới thiệu đã được chọn là một trong 10 bài quốc võ.

Với những người am hiểu võ thuật thì cái tên Phan Văn Quảng không có gì xa lạ, bởi ông từng giành được hơn 40 huy chương các loại trong các cuộc tranh tài ở đấu trường quốc gia từ năm 1988 đến 1994. Ai cũng biết ông Quảng sinh ra và lớn lên ở Nha Trang (Khánh Hòa). Chỉ những người thân thuộc, võ sinh của môn phái mới biết rằng nguyên quán của thầy mình ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định.

Bài Siêu xung thiên được cho là do Phan Văn Thành - ông nội của võ sư Phan Văn Quảng biên soạn, khi ông làm quan Bộ Hình dưới thời nhà Nguyễn ở Kinh đô Huế. Đây là bài binh khí của dòng võ trong triều đình, lưu truyền cho các vị tướng để cầm quân ra trận nên tính cách chuyên môn cao và chiến đấu rất dũng mãnh. Bài võ này sau đó tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp của dòng họ Phan, trong đó người lĩnh hội được sâu sắc nhất là võ sư Phan Văn Vũ - cha của Phan Văn Quảng.

 

Võ sư Phan Văn Quảng đang biểu diễn một động tác trong bài Siêu xung thiên.

2.

Là thầy dạy Hán Nôm ở An Nhơn, nhưng đến giữa thập niên 30 của thế kỷ 20, võ sư Phan Văn Vũ chuyển vào Nha Trang (Khánh Hòa) để toàn tâm với nghiệp võ. Ông là một trong rất ít người có đóng góp rất lớn trong việc phát triển nền võ thuật ở Khánh Hòa, khi đào tạo được nhiều học trò xuất sắc. Trước năm 1975, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Đệ nhất Phó chủ tịch Phân cuộc quyền thuật miền Nam Trung phần. Nghiệp võ của võ sư Phan Văn Vũ được người con trai kế thừa một cách xứng đáng. Học võ từ khi mới lên 5, Phan Văn Quảng tiếp thu được rất nhiều tinh hoa của dòng họ, do đó, khi mới 19 tuổi (năm 1984) ông đã có đủ năng lực tiếp quản võ đường Hồng Phi Phụng của cha. Không những vậy, trong nhiều năm liền ông còn là trụ cột của võ thuật Khánh Hòa ở các kỳ tranh tài toàn quốc, cả trong vai trò VĐV lẫn HLV.

Có thể nói, cho đến nay hầu hết những công việc của võ sư Phan Văn Quảng đều có liên quan đến võ thuật. Ngoài việc dạy võ, ông còn thành lập đội lân-sư-rồng mang tên Hồng Phi Phụng, luôn đứng đầu trong các cuộc thi ở tỉnh Khánh Hòa ở thập niên 80, 90 của thế kỷ trước bởi đều vượt trội so với các đoàn khác cả về hình thức lẫn phong cách biểu diễn.

Năm 2001, ông cùng các võ sư Nguyễn Đức Vương, Phi Long Tuấn thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Long Sơn tại Nha Trang, với hơn 2.000 nhân viên, có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành. Ông còn là trọng tài quốc gia, thành viên Ban huấn luyện Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và hiện quản lý 3 võ đường tại Khánh Hòa.

Nói về nghiệp võ mà mình đã theo đuổi suốt thời gian qua, võ sư Phan Văn Quảng cho biết: “Điều tâm đắc nhất của tôi là phát huy được những tinh hoa của võ phái, truyền bá đến nhiều người các bài võ đặc sắc, coi đây như sự trả ơn công dạy dỗ của cha ông. Ngoài Siêu xung thiên, hiện tôi cũng đang nghiên cứu để giới thiệu thêm một số bài võ khác để Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam lựa chọn. Điều tôi mong muốn nhất là sau này có những người có tài và tâm huyết hơn nữa để nối nghiệp, tiếp tục phát huy các vốn quý để võ cổ truyền không những không bị mai một mà ngày càng được nhiều nơi trên thế giới biết đến”.

  • Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống  (26/11/2010)
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV   (24/11/2010)
Kỳ 2: Mạnh mẽ “dòng chảy” võ Bình Định  (24/11/2010)
Kỳ 1: Võ Bình Định hay võ cổ truyền Bình Định ?   (22/11/2010)
Kỳ cuối: Gia đình võ học  (21/10/2010)
Sông côn - dòng sông võ học - Kỳ 3: Tầm sư học đạo  (20/10/2010)
Hội “đổ giàn” trong miền ký ức  (18/10/2010)
Sông Côn - dòng sông võ học  (17/10/2010)
Chuông vang xứ người  (11/08/2010)
Đại lão võ sư đào Thanh  (09/08/2010)
Võ Bình Định ngời sáng vẻ đẹp nhân văn  (30/07/2010)
Một số võ đường là điểm tham quan Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền  (27/07/2010)
Võ đường Lê Kim Hoàng  (14/06/2010)
Tinh hoa một phái “võ chùa”  (11/06/2010)
Truyền nhân võ Tây Sơn lên phim  (07/06/2010)