Phục chế roi trường đấu võ Tây Sơn - Bình Định
Bảo tồn tinh hoa võ học
11:52', 11/2/ 2010 (GMT+7)

Roi trường đã bị thất truyền từ đầu thế kỷ XX, và hiện nay hầu như không có một tài liệu nào thật chi tiết, thật đầy đủ về roi trường, ngoài một số thông tin ít ỏi từ sách báo và từ các võ sư cao niên nay đã qua đời kể lại. Vì vậy, những người hiện thực hóa ý tưởng Phục chế roi trường đấu võ Tây Sơn - Bình Định đã gặp rất nhiều khó khăn.

 

Các võ sinh đang biểu diễn một động tác trong thi đấu roi trường.

 

Huyền thoại Bầu Đê

Chuyện xưa kể rằng, những năm triều Nguyễn mở kỳ thi võ ở Bình Định, có ông Bầu Đê (người Tuy Phước) với ngọn trường tiên đã làm các thầy thủ khoa, á nguyên phải e ngại. Ông Bầu Đê không đi thi, mà chỉ chờ phân ngôi thứ nhất, nhì xong là ông vào trường xin Ban giám khảo cho mình đấu với các thầy tân khoa. Tương truyền, chưa ai qua mặt được ông Bầu Đê về roi, nhất là về 2 tuyệt kỹ Đánh văng roi và đâm so đũa (đâm vào nách đối phương). Lần ấy, sau khi chứng kiến cả hai vị thủ khoa và á nguyên đều bị đánh ngã và bị đâm trúng nách. Quan chánh chủ khảo, là Tiến sĩ võ trường Thừa (kinh đô Huế) vốn cũng giỏi nghề roi bèn đề nghị Bầu Đê đấu với mình, nhưng rồi cũng chịu thua.

Hai tuyệt kỹ đánh văng roi và đâm so đũa đến nay vẫn được nội gia chân truyền trong làng võ Thuận Truyền. Đòn đánh văng roi là phép mượn sức người đánh người theo kiểu dùng bốn lạng đẩy ngàn cân. Nếu đánh xuôi chiều thì cây roi sẽ vuột bàn tay mà văng ra, nếu đánh ngược chiều thì roi trong tay đối phương tuy không bị tuột nhưng sẽ gãy tiện gần vị trí hổ khẩu và đối phương có thể bị đánh ngã đến bất tỉnh. Đâm vào nách đối phương là một kỹ thuật thượng thừa, nhằm vào nơi đối phương giữ kín nhất mà lách vào. Đường roi đi thường nương theo chính thân roi của đối phương mà luồn tới, ngay khi ấy dù ngọn roi đối phương có nhanh đến mấy thì người đánh chỉ cần nghiêng lưng và xoay đốc roi đẩy qua, đồng thời ghìm ngọn roi của mình là trúng đích.

Bầu Đê không có vợ con, sống quanh quẩn trong làng, gia tài chỉ có một cái vó vớt cá. Đó cũng là dụng cụ để ông luyện tập hai tay cho khỏe và nhanh. Tuy nổi tiếng về roi, nhưng ông không dạy học trò mà cứ hễ mỗi khoa thi lại chỉ cho vài quan Cử một vài thế để luyện tập suốt đời là đủ. Vì theo ông, dạy như vậy ít tốn sức mà đạt nhiều kết quả. Các quan Cử võ luyện nhiều thứ, biết thêm một thế roi cũng đủ nói chuyện với người. Học trò duy nhất của ông là Lê Công Trì tục gọi là Hương lễ Nghè, người cùng huyện Tuy Phước, học được ông môn tuyệt kỹ đâm so đũa và đánh văng roi.

 

Chất liệu của roi trường là cây kiền kiền, nên đảm bảo sự dẻo dai khi thi đấu.

 

Hình của roi trường

Trong tác phẩm “Miền đất võ” của các cố tác giả: Lê Thì, Kim Dũng, Đỗ Hóa, roi trường là một loại roi dùng để thi đấu phân hạng cao thấp, tìm ra thủ khoa, á khoa, sau khi các thí sinh đã qua trường 3 ở các kỳ thi võ. Theo tài liệu này, roi trường được làm bằng một thứ gỗ rất rắn, dẻo và chắc, dài 7,5 thước mộc (khoảng hơn 2,6m), đầu lớn bằng cổ tay, đầu nhỏ bằng cán cuốc. Để tránh nguy hiểm khi thi đấu, ở đầu nhỏ có bọc giẻ, trong có tóc. Bọc giẻ được bôi lọ nồi, hoặc vôi để lưu dấu trúng đòn nhưng không gây thương tích.

Hình dáng, kích thước roi đã được hình dung một cách cơ bản, nhưng để biết đích xác chất liệu dùng làm roi lại là một vấn đề. Võ sư Hoàng Tùng (người Cát Tường, Phù Cát) và các cộng sự đã dùng rất nhiều loại cây để thử làm roi như: mây, tre, bạch đàn…, nhưng khi đem ra đấu thử đều không đạt yêu cầu. Đang bế tắc, trong một lần “lang thang” ở Quảng Nam trong một đợt lũ, ông bất ngờ phát hiện ra một cặp roi đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử huyện Điện Bàn. Cặp roi làm bằng gỗ kiền kiền, có màu nâu sẫm. Mỗi chiếc roi có chiều dài 3,12m, đốc roi có đường kính 3cm, nhỏ dần lên đến ngọn đường kính chỉ còn 2cm. Cách mút ngọn roi 1,5cm có một đường rảnh khắc vòng quanh, đó có thể là nơi để cột nùi giẻ vào ngọn roi. Theo ghi chép bảng mục kê vật lưu giữ của bảo tàng thì cặp roi trường này được ông Nguyễn Bá Giáng, người thôn Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, sử dụng vào những năm 1865 - 1870.

Năm 1744, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát chia xứ Đàng Trong ra làm 12 dinh (từ cựu dinh Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị ngày nay vào đến Long Hồ Dinh, bao gồm cả đất Vĩnh Long, Long Xuyên…), Quảng Nam dinh bao gồm cả đất Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quy Nhơn, đặt trấn sở tại làng Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn. Năm 1771, Nguyễn Nhạc khởi binh đánh Chúa Nguyễn tại Quy Nhơn, rồi dẫn quân ra đánh lấy Quảng Nam. Năm 1775, quân Trịnh vào Quảng Nam đánh Tây Sơn, Tây Sơn thua to phải chạy về Quảng Ngãi, nhưng sau đó quân Trịnh bị dịch bệnh chết quá nhiều phải rút về Thuận Hóa, Quảng Nam lại thuộc về nhà Tây Sơn. Năm 1777, chúa Trịnh Sâm phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam trấn thủ, Tuyên úy đại sứ cung quận công. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng hoàng đế tại Quy Nhơn.

Nhắc lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ để thấy, cặp roi trường của ông Nguyễn Bá Giáng có thể đã được sử dụng trong các cuộc đấu roi trường được nhà Tây Sơn tổ chức tại lỵ sở Thanh Chiêm của dinh trấn Quảng Nam, nhằm phong nhậm các chức vụ võ tướng như: lãnh binh, phó lãnh binh, đề đốc… Điều đặc biệt là muốn có cây roi trường không thể xẻ một cây gỗ kiền kiền rồi bào nhỏ, mà phải tìm một cây kiền kiền con, còn nguyên từ gốc đến ngọn để làm, chỉ có như vậy, cây roi mới sử dụng được lâu dài mà không bị gãy.

 

Các võ sư, nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo Phục chế roi đấu Tây Sơn - Bình Định.

 

Phục chế roi trường

Sống xa quê hương đằng đẵng hai thập kỷ, nhưng trước nguy cơ võ roi Bình Định đang bị mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền, võ sư Hoàng Tùng luôn suy nghĩ cách làm thế nào để phục chế, bảo tồn và phát triển môn võ này, bởi theo ông “phục chế võ roi cũng chính là giữ lửa cho võ Tây Sơn, là sự hàm ơn tổ nghiệp và là sự trả nghĩa cho quê hương”. Suốt thời gian công tác trong ngành thể thao ở các tỉnh: Minh Hải, An Giang, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai…, võ sư Hoàng Tùng luôn tìm kiếm những nguồn thông tin, tư liệu về roi trường. Nhưng phải đến khi về lại Bình Định, chuẩn bị xây dựng Học viện Võ thuật Tây Sơn Bình Định, ông mới dành sự chuyên tâm vào việc nghiên cứu roi trường.

Để làm rõ hơn về công dụng, tính năng và cách sử dụng roi trường, thượng tuần tháng 11.2009, Ban sáng lập Học viện Võ thuật Tây Sơn Bình Định đã tổ chức Hội thảo, với sự góp mặt của hơn 30 lão võ sư am hiểu về roi, đến từ nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Rất nhiều ý kiến tranh luận rất sôi nổi, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Cũng tại Hội thảo, luật thi đấu roi trường đã được thông qua và phổ biến đến các võ sư để chỉ lại cho các học trò của mình. Đề tài nghiên cứu Phục chế roi trường đấu võ Tây Sơn - Bình Định của võ sư Hoàng Tùng đã được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngay đầu năm 2010, một lớp tập huấn trọng tài điều khiển các trận đấu roi trường sẽ diễn ra ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam), sau đó, roi trường sẽ được biểu diễn ở một số lễ hội ở Hội An (Quảng Nam), Huế…

Ông Nguyễn An Pha, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Bình Định, cho biết: “Phục chế roi trường đấu của Học viện Võ thuật Tây Sơn Bình Định là một ý tưởng tốt và chính đáng. Nhưng các đấu pháp, kỹ thuật đã thất truyền, do các võ sư vốn am tường môn này đều đã qua đời, vì vậy, muốn phục dựng phải mày mò, tiến hành từng bước. Theo tôi, chúng ta cần tổ chức thêm nhiều cuộc hội thảo, mời thêm những lão võ sư để khai thác thêm những kiến thức về roi trường đấu, có như vậy bộ môn này mới được tái hiện ngày càng hoàn chỉnh”.

  • Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người truyền bá võ Bình Định ở Tây Nguyên  (18/01/2010)
Chắt lọc và nối kết tinh hoa võ thuật  (20/09/2009)
Đừng quên võ sư vườn  (16/09/2009)
Gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu võ cổ truyền Bình Định  (11/09/2009)
“Học võ không phải để phô trương”  (22/07/2009)
Thành công như mong đợi  (20/07/2009)
Khẳng định vị thế đất Võ  (24/06/2009)
Hè về chùa luyện võ  (23/06/2009)
Mô hình xã hội hóa hiệu quả  (04/06/2009)
Thế đứng Karatedo trên đất Võ   (19/04/2009)
Dấu xưa con gái An Vinh  (26/03/2009)
Gặp một thầy võ trẻ  (18/03/2009)
Đi tìm nguồn gốc võ cổ truyền dân tộc   (26/01/2009)
Khi võ Bình Định lên phim  (11/01/2009)
Con gái Bình Định thời nay đi quyền  (05/01/2009)