VÕ ĐƯỜNG HỒ SỪNG (BÌNH THUẬN, TÂY SƠN):
Tiếp nối nghiệp võ của gia tộc
9:3', 15/3/ 2010 (GMT+7)

Nếu tính từ đời cố lão võ sư danh tiếng Hồ Nhu đến đời võ sư Hồ Sừng và lớp con cháu của võ sư này thì lò võ họ Hồ ở đất Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) đã có 5 thế hệ chung tay phát huy sự nghiệp võ nghệ của tổ tiên. Đây là một trong những dòng họ võ lâu đời và có nhiều đóng góp cho nền võ thuật Bình Định…

 

Võ sư Hồ Sừng (phải) đang luyện võ cùng con trai.

 

Kể chuyện làng võ Thuận Truyền không thể không nhắc đến huyền thoại Hồ Nhu. Huyền thoại này được nối dài tới đời võ sư Hồ Sừng; chắt ông: Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Sỹ… và chít của ông là Hồ Thứ, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Hạnh… Lò võ Hồ Sừng là lò võ tại gia nằm trong một con hẻm sâu ở thôn Hòa Mỹ. Ngôi nhà, võ đường này cũng chính là nơi xưa kia, cố lão võ sư Hồ Nhu sinh sống và tập võ.

Võ sư Hồ Sừng cho biết: “Nay tôi trên 70 tuổi, lại đau yếu liên miên, bao nhiêu vốn liếng võ nghệ ngày trước tôi được ông nội (võ sư Hồ Nhu- PV) chỉ dạy, tôi đã “để” lại hết cho các con trai; rồi chính chúng lại truyền cho các cháu khi lớp cháu này trưởng thành hơn, hiểu được cách dùng võ. Võ đường Hồ gia hay làng võ Thuận Truyền này được nhắc đến nhiều bởi môn roi. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, ngày nay, thiệu và động tác mỗi môn binh khí đều đi vào sách vở, mọi võ lý của môn roi người theo nghiệp võ nghệ đều biết. Các bài roi Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông… rồi ngay cả Lạc côn- bài roi mà ông nội tôi ngày xưa học từ ông thầy của ông, vốn được xem là bảo vật của dòng họ- giờ cũng là tài sản chung của võ Bình Định. Đường roi Thuận Truyền không còn bí ẩn như người ta thêu dệt nữa đâu”.

Anh Hồ Sỹ tiếp lời: “Tinh thần võ nghệ mà cha tôi thừa hưởng từ ông, ấy là tầm quan trọng của việc tạo nền móng cho việc học võ, nền móng về sức khỏe, về tinh thần, tâm lý. Cha tôi bảo học võ không thể học vội, cũng như người có võ tính khí không được phép nóng nảy, dễ sinh làm càn. Khi dạy các con cháu mình cũng như dạy học trò là người ngoài, ông đều có chủ ý luyện tay chân, gân cơ cho dẻo dai, tập ngũ hành để rèn sức chịu đựng, để thân thể thăng bằng… Tiếp đến học lời thiệu cho thuộc làu làu, tất nhiên phải là lời thiệu nguyên bản. Khi đã hiểu lời thiệu thì học động tác rất dễ dàng và không bị tam sao thất bổn giữa thiệu và động tác. Ai muốn học sâu hơn, ông tăng thời gian thử thách, tập khi nào đánh động tác, nhịp phách mà ra hơi, ra gió thì mới đi sâu vào điệu thức. Có lẽ, cẩm nang học võ tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi này mới là “bí quyết” của võ đường chúng tôi”.

Võ sư Hồ Sừng được phong võ sư năm 1999. Các con ông, chuẩn võ sư Hồ Cương vừa được phong danh hiệu thì qua đời, con trai thứ Hồ Bé hiện ở mức huấn luyện viên cấp 17, Hồ Sỹ ở mức huấn luyện viên cấp 16 và con trai út Hồ Dư đạt huấn luyện viên cấp 15. Các anh em: Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Sỹ, Hồ Dư là những hạt nhân đi đầu trong các giải võ phong trào ở huyện, xã. Tiếp nối truyền thống gia đình, các võ sinh: Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm (con của Hồ Cương); Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Thiệt (con của Hồ Bé); Hồ Đức Hạnh (con trai Hồ Hiệp)… đều sớm bộc lộ năng khiếu võ thuật. Một số làm việc, cộng tác tại Đội võ thuật của Bảo tàng Quang Trung, làm huấn luyện viên cho Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện Tây Sơn; riêng Hồ Thị Kim Tâm là VĐV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, đã hai lần đoạt Huy chương Bạc quốc gia và đang cố gắng luyện tập mong lấy “Vàng”.

Mỗi người mỗi công việc ít nhiều có liên quan đến võ nghệ, hơn nữa đại gia đình họ Hồ đa số sống quây quần trong địa bàn thôn Hòa Mỹ, nên đến mùa võ đường tuyển sinh, các con cháu lại cùng nhau tụ về chăm lo cho võ đường. Trong đó, võ sư Hồ Sừng như tổng chỉ huy của lò võ lâu đời này.

Cũng có người băn khoăn, dòng họ võ Hồ gia lâu đời và nổi tiếng thế, song bản thân võ sư Hồ Sừng ngày xưa ít thượng đài, các con trai ông lâu nay vẫn là những “người đưa đò” thầm lặng. Lý giải về điều này, võ sư Hồ Sừng cười: “Điều này còn tùy vào điều kiện kinh tế và quan niệm về võ ở mỗi gia đình. Tạo tiếng tăm trong giới võ vốn là điều xa lạ với tính cách gia đình tôi và điều này đã có ở thời ông nội Hồ Nhu. Hậu sinh chúng tôi tiếp quản tinh thần ấy. Trước sau, chúng tôi chỉ xem võ là tổ nghiệp của gia đình, không thể để mai một; đồng thời, động viên con cháu cố gắng học văn hóa. Cái vốn văn hóa càng dày thì cái chất võ biền càng giảm. Tôi xem đó là cách luyện võ sâu rễ bền gốc”.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cảo thơm làng Võ  (23/02/2010)
Bảo tồn tinh hoa võ học  (11/02/2010)
Người truyền bá võ Bình Định ở Tây Nguyên  (18/01/2010)
Chắt lọc và nối kết tinh hoa võ thuật  (20/09/2009)
Đừng quên võ sư vườn  (16/09/2009)
Gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu võ cổ truyền Bình Định  (11/09/2009)
“Học võ không phải để phô trương”  (22/07/2009)
Thành công như mong đợi  (20/07/2009)
Khẳng định vị thế đất Võ  (24/06/2009)
Hè về chùa luyện võ  (23/06/2009)
Mô hình xã hội hóa hiệu quả  (04/06/2009)
Thế đứng Karatedo trên đất Võ   (19/04/2009)
Dấu xưa con gái An Vinh  (26/03/2009)
Gặp một thầy võ trẻ  (18/03/2009)
Đi tìm nguồn gốc võ cổ truyền dân tộc   (26/01/2009)