Dự án Bảo tồn võ cổ truyền Bình Định: Chấn hưng võ học
13:32', 31/3/ 2010 (GMT+7)

Dự án này có tên: “Chân dung võ sư, võ nhân tiêu biểu của Bình Định”.

Tổng kinh phí của dự án là 100 triệu đồng (do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thuộc Bộ VH-TT & DL cấp), gồm 4 gói sản phẩm. Một là báo cáo khoa học dài khoảng 200 trang, khái lược về võ cổ truyền Bình Định, đặc tả chân dung từng người, ghi lại các bài thiệu của quyền và các môn binh khí, đặc biệt là các đòn thế, tấn, thủ độc đáo mà các võ sư, võ sĩ đã học và nghiên cứu thể nghiệm trong nghiệp võ, ghi lại các bài thuốc võ gia truyền, cách bốc thuốc cho từng loại bệnh. Hai là bộ ảnh từ 100-150 bức, chụp chân dung các thế võ của võ sư, võ sĩ, các học trò, con cháu thành đạt về nghiệp võ. Phần 3 là phim tư liệu 60 phút ghi lại các bài võ cổ truyền của 20-25 võ sư, võ sĩ. Phần thứ tư là băng ghi âm thu lời nói của các võ sư, võ sĩ tự thuật về quá trình học võ, mở võ đường, truyền nghề, những kỷ niệm, giai thoại về những cuộc thách đấu, về đấu đài... Cũng theo dự án, người được chọn phải trên 60 tuổi, từng vang bóng trong giới võ lâm và trên các sàn đài. Ở độ tuổi đó, miếng nghề của họ mới còn đậm nét truyền thống địa phương.  

 

Võ sư Phi Long

 

Từ trung tuần tháng 9 năm 2009 đến nay, đoàn nghiên cứu dự án liên tục khăn gói lên đường “đãi cát tìm vàng”. 20 võ sư, võ sĩ mà nhóm nghiên cứu tìm gặp lần này đều ở độ tuổi trên thất thập, nhưng trí lực và thần lực vẫn rất dồi dào. Các võ sư, võ sĩ này đều nổi tiếng có tầm hiểu biết sâu rộng võ cổ truyền, kế thừa truyền thống võ học của gia đình. Đó là võ sư Hồ Sừng kế tục truyền thống roi của ông nội là Hồ Ngạnh. Đó là Hà Trọng Sơn nổi tiếng đấu đài. Đó là các võ sư Nguyễn Xuân Bình, Đỗ Hược, Trần Dần...

Ngoài những tên tuổi lâu nay được nhiều người biết đến như Hồ Sừng, Phan Thọ, Trần Dần (huyện Tây Sơn), Phi Long Vịnh (huyện Tuy Phước), còn có những võ sư, võ sĩ ẩn dật như Phạm Thi, Nguyễn Trá (huyện Tây Sơn), Đào Thanh (huyện An Nhơn), Nguyễn Tựu, Trần Đình Chẩn (huyện Tuy Phước), Xuân Mai, Huỳnh Thạch Đạt (huyện Phù Mỹ)... Họ cất giữ những miếng “võ vườn” quý báu, rồi truyền dạy cho những người có đam mê.

Chuyến khảo sát trên đã cho thấy phần nào thực lực hiện nay của võ cổ truyền Bình Định. Đáng quý nhất là các võ sư, võ sĩ ở Tây Sơn còn giữ lại khá nhiều tinh hoa của võ lý, võ y, võ thuật, võ nhạc của tổ tiên. Các bài quyền, các môn binh khí được những “trượng lão” tái hiện lại một cách thuần thục.

Dự án trên ra đời ngoài hy vọng bảo tồn, quảng bá về võ Bình Định, điều cốt yếu là gầy dựng và phát triển phong trào học võ đến thế hệ trẻ trong tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung.

.Theo Huyền Trân/thethaohcm

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chung tay bảo tồn và phát huy võ Thuận Truyền  (19/03/2010)
Tiếp nối nghiệp võ của gia tộc  (15/03/2010)
Cảo thơm làng Võ  (23/02/2010)
Bảo tồn tinh hoa võ học  (11/02/2010)
Người truyền bá võ Bình Định ở Tây Nguyên  (18/01/2010)
Chắt lọc và nối kết tinh hoa võ thuật  (20/09/2009)
Đừng quên võ sư vườn  (16/09/2009)
Gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu võ cổ truyền Bình Định  (11/09/2009)
“Học võ không phải để phô trương”  (22/07/2009)
Thành công như mong đợi  (20/07/2009)
Khẳng định vị thế đất Võ  (24/06/2009)
Hè về chùa luyện võ  (23/06/2009)
Mô hình xã hội hóa hiệu quả  (04/06/2009)
Thế đứng Karatedo trên đất Võ   (19/04/2009)
Dấu xưa con gái An Vinh  (26/03/2009)