“Hùm xám” Hà Trọng Sơn giã biệt cõi thế
14:4', 7/4/ 2010 (GMT+7)

Võ sư huyền thoại Hà Trọng Sơn, sinh ngày 1.6.1920, tại làng võ Phước An, Tuy Phước, Bình Định, trong một gia đình “võ nòi”. Lần đầu sau 15 năm khổ luyện (1943), tại Đại hội quyền thuật Đông Dương (tổ chức ở Nha Trang), ông đã khẳng định đẳng cấp của mình bằng chiến thắng vang dội trước võ sĩ nổi tiếng của Pháp là F.Nicolai và tay đấm lừng danh của Đông Dương lúc bấy giờ là Tiết Mãnh, gây chấn động võ giới.

 

Chân dung "hùm xám" Hà Trọng Sơn

 

Sau đó 1 năm (1944), tại giải vô địch bán phần Đông Dương (tổ chức tại Đà Nẵng), để “lấy lại danh dự” các ông bầu người Pháp đã tung tay đấm bất bại Esperpaire “tiếp” ông. Nhưng với phong độ và các đòn thế hóc hiểm của võ Việt, nhất là các cú móc tay trái “xuyên tâm” cực độc, đã nhanh chóng đưa ông lên ngôi quán quân. Năm 1948, ông lại tiếp tục thủ đài tại Bình Định, lần lượt đánh bại các danh thủ hàng đầu như: Trịnh Thiếu Anh, Trung Anh, Bảo Trung Phong…

Sau nhiều năm liên tiếp “thủ đài”, không chỉ các võ sĩ kỳ tài trong nước, mà cả nhiều tay đấm thượng thặng của Pháp cũng phải bái phục, không dám so găng với ông. Mãi đến năm 1952, tại Hội chợ Đà Nẵng, ban tổ chức mới cân nhắc và quyết định đưa tay đấm số 1 miền Nam Huỳnh Tiền, người được giới hâm mộ mệnh danh “Đệ nhất anh hùng miền Đông” thượng đài để xô ngã thành trì bất khả chiến bại. Song với bản lĩnh và biệt tài “xuất kỳ thuận ý”, ông đã nhanh chóng hạ đo ván võ sĩ Huỳnh Tiền (một tay đấm chưa một lần nếm mùi thất bại), bảo vệ xuất sắc ngôi vô địch trước sự thán phục của hàng vạn người hâm mộ. Và cũng từ đây, ông được báo giới hết lời ca ngợi và mệnh danh là “Hùm xám” miền Trung.

Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã cùng các võ sư tâm huyết của các tỉnh thuộc Liên khu 5 cũ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) nghiên cứu, rút tỉa những thế kiếm bí truyền từ các bài kiếm pháp độc đáo của dân tộc, xây dựng thành bài kiếm mang tên “Mười hai” nổi tiếng, huấn luyện cho lực lượng vũ trang, dân quân du kích. Bài này chỉ có 12 thế kiếm liên hoàn, cực kỳ hóc hiểm, mang tính sát thương cao, đã nhiều phen làm cho quân Pháp phải hoang mang, khiếp sợ...

Trải qua bao thập niên “bá chủ” các võ đài danh tiếng và truyền dạy gần một vạn môn sinh, trong đó có các võ sư, võ sĩ vang bóng một thời như: Huỳnh Bông, Trần Cang, Hà Trọng Ngự, và các con: Hà Thị Phi, Hà Thanh Mao, Hà Đăng Quyền, Hà Nhất Linh… Ông đã thanh thản ra đi trong những ngày cuối tháng 3.2010 tại quê nhà ở tuổi 90 trong niềm thương tiếc của người dân đất võ và người hâm mộ võ thuật cả nước.

.Theo Phạm Đình Phong/TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dự án Bảo tồn võ cổ truyền Bình Định: Chấn hưng võ học  (31/03/2010)
Chung tay bảo tồn và phát huy võ Thuận Truyền  (19/03/2010)
Tiếp nối nghiệp võ của gia tộc  (15/03/2010)
Cảo thơm làng Võ  (23/02/2010)
Bảo tồn tinh hoa võ học  (11/02/2010)
Người truyền bá võ Bình Định ở Tây Nguyên  (18/01/2010)
Chắt lọc và nối kết tinh hoa võ thuật  (20/09/2009)
Đừng quên võ sư vườn  (16/09/2009)
Gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu võ cổ truyền Bình Định  (11/09/2009)
“Học võ không phải để phô trương”  (22/07/2009)
Thành công như mong đợi  (20/07/2009)
Khẳng định vị thế đất Võ  (24/06/2009)
Hè về chùa luyện võ  (23/06/2009)
Mô hình xã hội hóa hiệu quả  (04/06/2009)
Thế đứng Karatedo trên đất Võ   (19/04/2009)