Tuy Phước là huyện có truyền thống về võ thuật, nhiều gia đình có truyền thống theo đuổi nghiệp võ. Những gia đình này từ lâu đã trở thành “cổ thụ” vững chắc, nâng đỡ cho sự phát triển của phong trào võ cổ truyền địa phương.
|
Hai cha con võ sư Nguyễn Tựu (bên trái) và Nguyễn Hữu Nghĩa.
|
Vị võ sư cao tuổi nhất của làng võ Bình Định là Nguyễn Tựu (ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp) năm nay đã 98 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Võ sư Nguyễn Tựu kể: “Tôi học võ ban đầu do cha và anh truyền dạy. Đến năm 14 tuổi thì mê quá nên hằng đêm lặn lội mười mấy cây số đến làng võ An Vinh để theo học các võ sư như Đoàn Phong, Hương Kiểm Mỹ, Mười Đậu… Nhờ đó, tôi có cơ hội tiếp cận những tinh hoa của từng thầy…”. Thừa hưởng được đam mê võ thuật của người cha, 5 người con trai của võ sư Nguyễn Tựu cũng bôn ba khắp nơi để tầm sư học võ và đều vang danh. Trong đó, nổi bật nhất là người con trai trưởng võ sư Hàm Hữu Nghĩa (tên thật Nguyễn Hữu Nghĩa), hiện là Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tuy Phước. Thế hệ con cháu tiếp nối cũng đã đạt được rất nhiều thành tích cao tại các giải đấu võ cổ truyền. Võ sư Hàm Hữu Nghĩa (74 tuổi) tâm sự: “Khi còn rất nhỏ, anh em tôi đã được cha truyền dạy kĩ lưỡng. Đây chính là nền tảng quan trọng để chúng tôi vững bước trên con đường võ thuật sau này. Truyền thống võ thuật của gia đình đến nay đã được trao truyền, bồi đắp qua 5 thế hệ …”.
|
Võ sư Hữu Nghĩa (người đứng) đang phát biểu trong lễ mừng cha thượng thọ 95 tuổi.
|
Gia đình hai cha con võ sư Trương Văn Cần (95 tuổi) và Trương Văn Vịnh (73 tuổi) cũng đã làm vẻ vang truyền thống võ học của dòng họ Trương ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Thoạt nhìn khó có thể nghĩ rằng “ông già” Phi Long Vịnh có thể tung ra được những đòn đánh đầy uy lực. Nhưng chính nhờ sức khỏe tốt và thể hiện hoàn hảo cả hình – ý – thần bài quyền Ngọc Trản mà võ sư Vịnh được chọn đại diện cho các thế hệ võ sư cao tuổi biểu diễn tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, rồi sang biểu diễn tận trời Âu. Trò chuyện với tôi, nhiệt huyết với võ cổ truyền khiến võ sư Vịnh như trẻ hẳn ra, sung mãn thêm mấy phần. Dù tuổi đã cao, nhưng thấy có điều gì chưa chuẩn, võ sư Trương Văn Cần ngồi cạnh vẫn phân tích, đánh giá và bàn luận với con trai một cách khúc chiết, tường minh. Võ sư Vịnh kính cẩn lắng nghe cha xong, lại quay sang khoe với khách: “Cha tôi lớn tuổi nhưng còn minh mẫn và khỏe mạnh. Mỗi bữa ông ăn hết một lon gạo, khi nào hứng chí còn ra đánh trọn một bài quyền được. Kiến thức võ học của cụ mênh mông nên đến giờ tôi vẫn còn dựa vào cha mình trong quá trình luyện và dạy võ… Với nghiệp võ, đó là một phúc lớn!”.
Các gia đình võ sư cao tuổi ở Tuy Phước đã được vinh dự góp mặt trong dự án bảo tồn “Chân dung võ sư, võ nhân Bình Định tiêu biểu” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ông Nguyễn An Pha, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Bình Định, Chủ nhiệm dự án, nhận xét: “Các võ sư cao tuổi ở Tuy Phước nói riêng và Bình Định nói chung đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển lớn mạnh của phong trào võ cổ truyền Bình Định. Họ nắm giữ những đòn thế bí truyền độc đáo, đã đem hết sức mình ra phục vụ sự nghiệp chung, giúp thế hệ sau có điều kiện nghiên cứu, học hỏi”.
|