Âm vang trống trận Tây Sơn
14:54', 13/4/ 2010 (GMT+7)

Ngày xưa, tiếng trống được dùng để làm hiệu lệnh tập trung. Ở các đình làng, lúc nào cũng phải có trống, mỗi khi cần báo hiệu một việc gì đó đều đánh trống tụ họp dân làng. Có thể nói rằng tiếng trống ban hành mệnh lệnh, thể hiện uy lực, trở thành huy hiệu thiêng liêng của văn hóa Việt Nam. Thời Tây Sơn, tiếng trống được dùng vào việc luyện võ, tăng cường ý chí chiến đấu của quân sĩ xung trận, và cũng là yếu tố quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

 

Biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt.

 

Nhạc võ Tây Sơn là môn phái võ thuật đặc biệt, với sự kết hợp giữa tinh thần thượng võ và âm nhạc cổ truyền, đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt mà không một môn phái võ thuật nào có được. Tương truyền loại nhạc này do ba anh em nhà Tây Sơn đặt ra, nhạc pháp gọi là Song thủ đả thập nhị cổ. Nhạc võ Tây Sơn khai thác triệt để âm thanh phát ra từ những chiếc trống, là bản giao hưởng hùng tráng hừng hực hào khí Tây Sơn.

Tiếng trống vang vọng hồn thiêng sông núi, là tiếng reo hò vang dội của trận địa, là những âm thanh rộn rã, reo vui. Dàn nhạc sử dụng 12 trống theo thập nhị địa chỉ; trống có kích cỡ to nhỏ khác nhau, mỗi cái mang tên một con giáp, đồng thời tên các con giáp này cũng là tên các cung bậc, ngoài ra còn có phần đệm phụ trợ của kèn xô-na (còn gọi là kèn bóp), chiêng, đàn nhị…Trên giá đỡ, trống được xếp thành ba bậc từ lớn đến bé ứng với triết lý tam tài (Thiên - Địa - Nhân). Người cử trống phải dùng tất cả các bộ phận của tay và chân như cổ tay, nắm tay cho đến cùi chỏ, chân, gót chân; có khi phải bỏ cả roi trống (dùi trống) và chỉ dùng những ngón tay để đánh 12 cái trống theo nhịp điệu của một bài nhạc võ.

Trước khi trình diễn nhạc võ, người cử trống phải đi một đường quyền bái tổ. Người chơi bộ môn này phải khỏe và biết võ thuật thì mới có thể biểu diễn tốt những đòn thế võ trong từng thủ pháp thể hiện nhạc trống, bởi vì khi đánh trống, nghệ nhân phải thực hiện nhiều thế võ siêu đẳng, ngoạn mục.

Trước đây, những bậc cao thủ giỏi về Nhạc võ Tây Sơn ngoài 12 cái trống đặt trước mặt, còn có thể sử dụng thêm 5 cái trống khác đặt phía sau; một cái đặt trên đỉnh đầu, hai cái đặt hai bên hông, dùng hai cùi chỏ để đánh, hai trống còn lại đặt ở phía sau vừa tầm hai gót chân. Ngày nay, cao thủ đánh nhuần nhuyễn cùng một lúc 17 cái trống theo kiểu này hầu như không còn nữa, những người đạt đến mức siêu đẳng như thế có thể được tôn làm bậc võ công thượng thừa về Nhạc võ Tây Sơn.

Ngày xưa, võ Bình Định được chia thành bốn bộ môn, gồm có: côn, quyền, kiếm, cổ (chính là trống). Võ sinh thuộc môn phái cổ thường đeo bên mình loại trống chầu hát bội để luyện võ và phải thực hiện những cú đánh, đấm, đá vào trống; trống bị sức mạnh đánh, đá sẽ vang rất xa. Như vậy, việc đánh trống cũng là phương pháp luyện võ hữu hiệu. Các võ sinh thời ấy thường tập võ cùng với trống, vì trong quá trình đánh trống bắt buộc phải nhanh nhẹn thì mới có thể tránh được những cú thối ngược của trống.

Vốn dĩ, Nhạc võ Tây Sơn là biến thể của lối tập võ bằng trống này. Phải nói rằng từ một bộ môn võ thuật, nhà Tây Sơn đã biến chuyển chúng thành bộ môn âm nhạc khá độc đáo. Tiếng trống rền vang, ào ạt như triều dâng sóng vỗ, thể hiện khí thế khẩn trương, tiến công quyết liệt, kích động lòng hăng say chiến đấu của quân sĩ.

Nếu ai đã từng xem màn biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn thì có thể dễ dàng cảm nhận những tiếng gươm khua, tiếng binh khí, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng súng nổ, tiếng voi gầm, ngựa hí hòa lẫn vào tiếng trống. Người xem có cảm giác như đang đứng giữa trận tuyến, không gian như vang vọng hồn thiêng sông núi, và được trở về với lịch sử, chứng kiến một thế trận thần tốc, táo bạo. Tiếng trống như giục giã, như thôi thúc, người xem có thể bị kích động và sẵn sàng xông lên sống mái.

Xưa kia, người đánh trống trận cũng được xem là một chiến sĩ nơi trận địa, phải tự chiến đấu, và có thể vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ tiếng trống để tín hiệu giữ nhịp trận đánh không bị ngắt quãng. Động tác di chuyển linh hoạt khi đánh trống cũng là một cách tự vệ. Đặc biệt môn nhạc võ trong hành quân dùng kèm với trống cái và chiêng lớn, tạo nên một không khí hào hùng, quân sĩ hăng hái xung trận chiến đấu. Khi biểu diễn nhạc võ, thường thấy có thêm phần hỗ trợ của người múa cờ để nâng cao tính hiệu quả cho màn diễn.

Nhạc võ Tây Sơn được chia thành ba hồi: Xuất trận, xung trận công thành và khúc khải hoàn. Hồi xuất quân được mở đầu bằng ba hồi trống dõng dạc, biểu dương lực lượng. Nhạc xuất quân phải hào hùng, nhịp trống dồn dập, diễn tả cảnh tiến quân nhanh, làm cho người xem hăng hái, phấn khởi, tạo dựng một niềm tin chiến thắng. Để rồi sau đó tất cả các nhạc khí khác của dàn nhạc lại im bặt, diễn tả cảnh quân lính áp sát mục tiêu, khi chuẩn bị công thành thì tiếng trống trở nên khẩn trương, gấp gáp. Và rồi bừng lên khúc khải hoàn vui tươi, mừng chiến thắng trở về với những âm sắc náo nức, reo vui.

Người cử trống không bao giờ ngồi, mà chỉ đứng, hai tay cầm cả phần gốc lẫn phần ngọn của dùi trống để nện liên hồi vào mặt trống giống như đang múa. Âm thanh phát ra lúc khoan thai chậm rãi, lúc dồn dập, có khi người đánh trống gõ vào tang trống, tạo ra những hợp âm phức tạp khiến người xem có cảm giác như nghe văng vẳng đâu đó tiếng vó ngựa, tiếng bước chân của đoàn chiến binh. Cái khó nhất mà người nghệ nhân đánh trống phải thực hiện trong một bài nhạc võ dài 7 phút là khi kết thúc, phải đánh đủ các tiếng trên mặt trống, đồng thời hòa âm thành những cung bậc trầm bổng.

Trong thời gian cầm quân của mình, vị anh hùng áo vải Quang Trung chưa một lần thua trận, thế nên trong một bài trống trận Tây Sơn hoàn toàn không hề có hồi lui quân như trống trận của các triều đại khác. Ngày nay, người sử dụng thành thạo những bài Nhạc võ Tây Sơn không còn nhiều, các bí kíp múa võ đánh trống hầu như đã bị thất truyền, chỉ còn lại duy nhất bốn bài mà nay vẫn được các nghệ nhân thể hiện. Có dịp du xuân trên đất Tây Sơn - Bình Định vào ngày hội Đống Đa mùng 5 Tết (Âm lịch), chúng ta sẽ được thưởng thức những màn nhạc võ ấn tượng. Vào các ngày trong năm, du khách đến tham quan Bảo tàng Quang Trung cũng được phục vụ những màn múa võ đặc sắc. Trống trận Tây Sơn chính là một di sản văn hóa có giá trị mà cho đến bây giờ, người dân đất Tây Sơn - Bình Định vẫn còn lưu giữ.

.Theo Tạp chí Hồn Việt

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gia đình “cổ thụ” làng võ  (09/04/2010)
“Hùm xám” Hà Trọng Sơn giã biệt cõi thế  (07/04/2010)
Dự án Bảo tồn võ cổ truyền Bình Định: Chấn hưng võ học  (31/03/2010)
Chung tay bảo tồn và phát huy võ Thuận Truyền  (19/03/2010)
Tiếp nối nghiệp võ của gia tộc  (15/03/2010)
Cảo thơm làng Võ  (23/02/2010)
Bảo tồn tinh hoa võ học  (11/02/2010)
Người truyền bá võ Bình Định ở Tây Nguyên  (18/01/2010)
Chắt lọc và nối kết tinh hoa võ thuật  (20/09/2009)
Đừng quên võ sư vườn  (16/09/2009)
Gặp mặt võ sư, võ nhân tiêu biểu võ cổ truyền Bình Định  (11/09/2009)
“Học võ không phải để phô trương”  (22/07/2009)
Thành công như mong đợi  (20/07/2009)
Khẳng định vị thế đất Võ  (24/06/2009)
Hè về chùa luyện võ  (23/06/2009)