Võ sư Hà Trọng Ngự đã được sư phụ "Hùm xám miền Trung" truyền lại bài "Quyền 3 chân hổ". Đây là tuyệt kỹ công phu có từ gần 200 năm trước, xuất phát từ đất võ Bình Định. Tổ sư lại là một tiều phu đốn củi...
|
Hà Trọng Kha Vy, người nối nghiệp võ và truyền nhân của "Quyền 3 chân hổ"
|
Tiều phu đả hổ
Gần 200 năm trước ở khu vực Núi Bà, huyện Phù Cát, Bình Định, có xuất hiện một con cọp 3 chân "thành tinh" hung dữ, đã ăn thịt nhiều người dân.
Bữa nọ, có một ông tiều phu đốn củi rất giỏi võ, đang gánh củi về lúc trời xẩm tối thì bị con cọp này nhảy tới vồ. Ông lão rút cây đòn xóc (nhọn 2 đầu) làm vũ khí chiến đấu với hổ nhiều giờ trong hang núi. Sau đó, con cọp hung dữ kia bị thương chạy mất không thấy trở lại nữa. Ông tiều cũng thương tích đầy mình.
Ông tiều phu giỏi võ ngày ấy đã tự ghi chép lại những thế mãnh hổ đã dùng, hệ thống lại thành bài và sáng tác ra bài "Quyền 3 chân hổ".
Không ai nhớ ông tiều ấy tên gì, nhưng dân làng quanh khu vực Núi Bà (nơi có rất nhiều cọp, tới ngày giải phóng vẫn còn) rất biết ơn ông vì nhờ bài quyền mà họ thoát hiểm khi đụng cọp dữ.
Võ sư Hà Trọng Sơn đã may mắn học được bài quyền ấy và truyền đạt lại cho võ sư Hà Trọng Ngự.
Bài quyền ấy có lời thiệu: "Tả hữu, diện tiền bái tổ sư/ Chúa sơn lâm vung đôi hổ trảo/ Vờn bóng nguyệt, đảo sơn di hải/ Phá âm dương, xoay chuyển càn khôn/ Đảo sơn cước, tiền môn phá trận/ Chuyển bàn long, trá tẩu ẩn hình/ Vươn oai hổ ba chân đả diện/ Vuốt sơn lâm, tả hữu vờn mồi/ Tung thiết trảo đảo sơn tọa thạch/ Tấn song phi, trấn bộ lưỡng biên/ Vồ tam thế, hồi quy hạc tập/ Đảo lưỡng quyền lập bộ như tiền".
Khổ luyện
Trong quá trình huấn luyện võ công cho võ sư Hà Trọng Ngự, "Hùm xám miền Trung" Hà Trọng Sơn đã chỉ sơ qua cho Ngự những nét cơ bản về "Quyền 3 chân hổ".
Mãi tới năm võ sư Ngự được 39 tuổi và dạy võ ở Quy Nhơn thì "hùm xám" xuống thăm và kiểm tra thấy Ngự đã nhuần nhuyễn những nét cơ bản ấy, ông mới dốc lòng truyền dạy. Một tháng ròng rã võ sư Ngự mới học xong.
Ông Sơn bắt Ngự dùng sạn đổ vào một cái chảo to, có hòa lẫn thuốc võ vào rồi bắc trên lửa xào nóng. Kế đó Ngự phải luyện hổ trảo bằng cách dùng hai tay bấu, hốt cho tay chai lại, có độ cứng... Ấy cũng bởi vũ khí của hổ là vuốt. Chụp được mồi, xé mồi, cắn mồi được cũng chính là vuốt.
Bên cạnh đó phải luyện tấn pháp thật vững vàng. Tất cả đều phải tuân thủ theo quy ước: "Song thủ ngũ hành vi căn bản/ Lưỡng túc bát quái vi căn" (Tập tay phải lấy ngũ hành (kim mộc, thủy, hỏa, thổ) làm căn bản, còn tập tấn dùng 2 chân, phải lấy bát quái làm căn bản).
Thời "Hùm xám" tập luyện thường ngâm mình trong thuốc mã tiền đựng trong một cái lu lớn. Thuốc hiếm nên võ sư Ngự dùng thùng đạn ngâm thuốc rồi đút 2 chân, 2 tay vào thùng, sau đó thoa thường xuyên. Khi tay đã chai cứng phải chụp vô thân cây chuối, vào bao cát, lốp bánh xe để tay thêm sắc bén.
Muốn thân pháp nhún nhảy như hổ thì phải đào một cái hố có chu vi 1m2, sâu tùy mức độ (bằng ngực, nách). Nhảy cao bao nhiêu thì hố càng sâu hơn. Khi nhảy cao được rồi, phải cột 2 vật nặng vào 2 chân, khi xưa là cát, bây giờ là chì. Đầu tiên trọng lượng vật nhẹ, khi nhảy lên cao thì tăng lên, nặng nhất là mỗi chân phải mang 10kg. Sau khi luyện thành công thì võ sĩ đó có thể nhảy cao đến 2m.
Trong số những võ sĩ đẳng cấp học bài quyền này, ngoại trừ em ruột - cũng là đệ tử của võ sư Hà Trọng Ngự là võ sư Hà Trọng Khánh thì chỉ có con trai của võ sư Ngự là Hà Trọng Kha Vy (28 tuổi) tập thành công bài quyền này. Anh cũng là người kế nghiệp võ của võ sư Hà Trọng Ngự.
.Theo Bee.net.vn |