Hơn 40 năm gắn bó với võ thuật cổ truyền, trải qua rất nhiều gian truân, vất vả nhưng đối với võ sư Nguyễn Hữu Hiệp thì “quả ngọt” anh thu được cũng khá nhiều. Từ niềm đam mê võ thuật của những năm tháng tuổi thơ, anh đã chọn nghiệp võ. Hơn 20 năm gây dựng phong trào ở nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp đã góp phần truyền bá môn phái Bình Định Gia cho hàng vạn môn sinh. Từ những lớp dạy võ cổ truyền phong trào, anh đã chọn lọc được nhiều em có tố chất đào tạo nâng cao, cung cấp cho đội tuyển Pencak Silat Hà Nội, Công An Nhân dân.
|
Thầy Hiệp cùng các môn sinh đang tập luyện ở sân đình - Ảnh Nguyễn Hạnh
|
Võ sư Nguyễn Hữu Hiệp và nhân duyên với môn phái Bình Định Gia
Võ sư Nguyễn Hữu Hiệp đến với võ thuật cũng thật tình cờ, khi đó anh mới 7 tuổi một đơn vị đặc công đến ở nhờ nhà anh. Buổi tối nào các chú bộ đội cũng tập võ, cậu bé Hiệp càng xem càng thấy say mê các miếng võ, thế đánh của bộ đội đặc công và cố gắng học lỏm một vài động tác. Mấy chú thấy Hiệp đam mê quá nên đã dạy võ cho cậu bé. Một thời gian sau đơn vị bộ đội chuyển đi việc học võ của Hiệp tạm phải gác lại. Song niềm đam mê võ thuật lại luôn thôi thúc cậu bé phải “tầm sư học đạo”.
Đầu những năm 1970, trên địa bàn huyện Thanh Trì và các vùng lân cận có khá nhiều lò võ tư nhân dạy ở nhà. Nguyễn Hữu Hiệp đã đến từng lò võ tìm hiểu và cảm thấy thật sự thất vọng vì các lò võ này dạy không căn bản, võ công không có gì, bên cạnh đó họ còn thu nạp cả những quân “đầu gấu”. Vì không tìm được lò võ ở gần nhà để học, anh Hiệp đã quyết định vào Sài Gòn. Nhà ở gần Ga Văn Điển, Hiệp lẻn lên tàu vào Nam, không có tiền anh vừa đi vừa kiếm sống để có thể thực hiện được ước mơ học võ của mình. Và cứ thế những chuyến tàu vào Nam ra Bắc trong suốt mấy năm liền đã giúp cho anh tiếp cận được với võ thuật cổ truyền. Đi mỗi nơi ở đất phương Nam anh học mỗi người một chút. Nguyễn Hữu Hiệp có mấy người bạn ở làng Tứ Kỳ (Thanh Trì- Hà Nội) và tình cờ biết được có một ông thầy dạy võ cho vài thanh niên ở làng đó nên anh rất thích. Thấy ông thầy người nhỏ nhưng động tác di chuyển rất nhanh nhẹn, anh Hiệp vào xin thách đấu với thầy và đã phải khuất phục xin theo thầy. Sau này anh mới biết đó là thầy Trần Hưng Hiệp con trai thầy Trần Hưng Quang- chưởng môn phái Bình Định Gia.
Năm 1982, lúc này anh Hiệp đã 20 tuổi đang ở tuổi sung sức. Anh được tập luyện rất công phu, khổ luyện các tấn pháp, thủ pháp, bộ pháp một cách bài bản, nguyên gốc của môn phái Bình Định Gia trong lòng rất vui. Anh cảm thấy bây giờ anh mới chính thức học võ. Bấy giờ Bình Định Gia chỉ truyền dạy con cháu trong nhà, học trò ngoài được thầy nhận là những trường hợp ngoại lệ. Anh Hiệp tập được một thời gian, thầy thấy anh chịu khó, nắm bắt nhanh các kỹ thuật cơ bản của môn phái đã cho lên tập và ở luôn nhà thầy. ở thời điểm đó, các lò võ bị cấm hoạt động nhưng vì quá say mê mà các môn sinh lén tập luyện cả ngày, lẫn đêm. Công an đến thấy bắt tập, biểu diễn cho các chú xem. Để thử kỹ năng cho học trò, thầy Hiệp đã bảo các môn sinh đút giấy vào ví đi lang thang các bến xe Kim Mã, Kim Liên chờ bọn móc túi đến là có cơ hội ra tay tập đánh nhuần nhuyễn các phản xạ. Sau 4 năm tập luyện, khi thấy các môn sinh đã đủ trưởng thành, thầy đã chọn 7 môn sinh xuất sắc cho làm lễ nhập môn. Các môn sinh ra nhập môn phái sẽ lĩnh hội những tinh tuý của Bình Định Gia như các bài cao cấp: Thất Tinh, Tứ Tượng, Binh khí độc, Tiêu sao, một số bài về bấm huyệt…
Năm 1986, thầy chưởng môn phái cho phép võ sư Nguyễn Hữu Hiệp mở một số lò võ ở Hà Đông, Thường Tín. Lò võ mới của anh Hiệp thường xuyên bị nhiều lò võ đến thách đấu, trong đó thách đấu nhiều nhất là phái Thất Sơn Thần Quyền. Muốn tồn tại, lò võ của anh buộc phải nhận lời đối thủ đồng thời phải thi đấu giành thắng lợi. Tuần nào cả thầy và trò cũng đánh vài trận. Có hôm thầy trò đang thi đấu bị công an đuổi. Kỷ niệm khắc sâu trong anh là vào một buổi tối năm 1987, có 6 cặp thách đấu tại địa điểm trường Việt Nam- Ba Lan. Bản thân anh nhận lời đấu với một thầy ở phái Thất Sơn Thần Quyền. Hai bên quyết chiến và kết quả là đối thủ đã bị lật mũi, chính anh lại phải đưa đối thủ đi cấp cứu.
Năm 1989, nhà nước cho phép mở các võ đường. Được sự động viên của Sở TDTT Hà Nội mà trực tiếp là ông Hoàng Vĩnh Giang đã đến nói chuyện với thầy chưởng môn phái Trần Hưng Quang muốn nhân rộng võ cổ truyền. Cũng từ thời điểm này, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp đã bắt tay vào xây dựng phong trào với mong muốn đưa môn phái thuộc hệ phái võ Bình Định không chỉ đến với thanh thiếu niên ngoại thành Hà Nội mà cả các huyện lân cận của tỉnh Hà Tây (cũ).
Tôi biết võ sư Nguyễn Hữu Hiệp chưa lâu nhưng tôi đã có vài lần đến Trung tâm TDTT huyện Thanh Trì (Hà Nội) và tình cờ gặp anh. Lúc thì anh Hiệp đang dạy võ cho hàng trăm môn sinh, lúc anh lại hướng dẫn dưỡng sinh cho người cao tuổi đang chuẩn bị các kỳ hội diễn. Dù ở cương vị nào, anh cũng làm việc tận tâm, nhiệt tình và trách nhiệm cao. Chỉ từng đấy thôi cũng giúp tôi hiểu được về anh, về niềm đam mê võ thuật luôn cháy trong anh.
Người đãi cát tìm vàng
Đầu những năm 1990, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp đi nhiều nơi, mở nhiều lớp dạy võ. Ngoài võ đường Thanh Trì quê hương anh, anh đã mở các lớp dạy võ ở tỉnh Hà Tây (cũ) như: làng Cự Đà, Cúc Thuỷ (xã Bình Đà, huyện Thanh Oai); xã Vân Đình, Cầu Bầu( huyện ứng Hoà); huyện Đan Phượng; huyện Hoài Đức, huyện Phúc Thọ; thị xã Sơn Tây. Để thu hút các môn sinh đến với võ thuật cổ truyền, thầy Hiệp đã bằng lòng nhiệt tình và tâm huyết thuyết phục người dân địa phương qua các bài biểu diễn, các đòn đánh võ thuật do chính thầy thực hiện. Người này truyền tai người khác có thầy dạy võ giỏi đến làng nên nhiều gia đình đến xem và xin cho con em họ theo học. Rồi võ sư Hiệp đã cùng anh Cấn Văn Nghĩa- giám đốc Trung tâm TDTT huyện Thạch Thất mở các lớp võ thuật vào trường học trên địa bàn huyện. ở vùng đất nào học trò đều theo anh học rất đông. Cũng từ phong trào học võ, anh đã tạo dựng được nhiều HLV giỏi cho các tỉnh.
Đến năm 1994, khi phong trào học võ tạm lắng, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp về làm giám đốc mỏ thuộc Công ty Đá quý Thần Châu Ngọc Việt. Anh dẫn theo mấy trăm môn sinh vào đào vàng, đá quý ở Yên Bái, Nghệ An cũng là để tạo công ăn việc làm cho các em. Những năm tháng miệt mài tập luyện không chỉ cho anh sức khoẻ mà còn tạo cho anh bản lĩnh kinh doanh tốt hơn. Các bãii đào đá quý là nơi nhiều quân đầu gấu, giang hồ cư ngụ, thấy người mới đến thì tìm mọi cách khà khịa, bắt nạt. Bằng bản lĩnh của mình, võ sư Hiệp đã khiến chúng phải khuất phục và không dám đến quấy nhiễu. Song tình yêu võ thuật chưa bao giờ lụi tắt trong anh kể cả khi công việc khai thác đá rất thuận lợi. Sau vài năm sống ở mỏ, chính vì nỗi nhớ nghề anh đã quyết định quay trở lại Hà Nội dạy võ, thỉnh thoảng mới lên mỏ quản lý công nhân. Cuối những năm 1990, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp thử sức ở một môn võ mới du nhập vào Việt Nam là Pencak Silat. Anh vừa tập luyện, tìm hiểu luật thi đấu vừa tham gia thi đấu giải. Rồi anh lên làm HLV cho đội tuyển Pencak Silat của Hà Nội khoảng 2 năm, có đến gần 10 năm làm trọng tài quốc gia ở môn võ này.
Hiện nay, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp đang dạy môn phái Bình Định Gia cho khoảng hơn 3000 võ sinh trên các địa bàn huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội); Hưng Yên, Bắc Ninh, trong đó đông nhất là địa bàn Thanh Trì với gần 1000 môn sinh theo học. Một số nơi khác không có điều kiện trực tiếp dạy anh đã bàn giao cho các HLV khác của môn phái.
Đến với Bình Định Gia, các võ sinh sẽ được học 6 bài phản ứng tự động và hai bài chân lực. Qua 4 tháng học cơ bản các em học lên nâng cao sẽ học về bài hầu quyền, quyền cơ bản, lục thổ tấn, tần chiến đấu, các đòn thế… Các môn sinh học lên hệ trung đẳng học những bài cao hơn: như thượng mã quyền, nhị kinh, tam kinh , các bài roi, bài binh khí như ngũ ngôn phá trận. Các em học từ 10 năm trở ra được học nội, ngoại khí công sau đó các em sẽ được học những bài dành riêng cho những em ra nhập môn phái (những bài tiêu dây, tiêu sao, những bài binh phí độc phủ, roi, xà quyền trung đẳng…). Đến đẳng cấp HLV sẽ được tập huấn, nâng cao, học về y học xoa bóp, bấm huyệt để chữa những bệnh thông thường như chóng mặt, đau bụng và cảm để trong những lúc luyện tập, nếu các em có bị cảm thông thường các thầy có thể hồi phục nhanh cho các cháu tập lại. Độ tuổi tập luyện được các HLV chia thành các giai đoạn: 6 đến 12 tuổi; 12 đến 18; 18 tuổi trở lên để phù hợp với thể trạng và sức khoẻ. Đối với võ cổ truyền, thầy Hiệp chia làm hai mảng tập phong trào và tập nâng cao. Các võ sinh tham gia tập luyện 2 buổi/1 tuần, mỗi buổi là 2 giờ.
Trong quá trình dạy những em nào có tố chất, năng khiếu được thầy lựa chọn ra cho tập riêng và đào tạo nâng cao ở võ cổ truyền hay cho chuyển sang tập Pencak Silat. Chính từ cách đào tạo này mà thầy Hiệp đã tuyển chọn được nhiều võ sinh cho môn phái tham gia các giải thi đấu do Hội võ thuật Hà Nội tổ chức luôn về nhất, về nhì; các VĐV của Trung tâm TDTT huyện Thanh trì nằm trong top đầu của thành phố ở môn Pencak Silat. Anh đã cung cấp nhiều võ sinh cho đội tuyển Pencak Silat của Hà Nội, đội tuyển Pencak Sialat của Công an Nhân dân. Có những em đã giành được HCV Sea Games, thế giới như Nguyễn Ngọc Anh (Thanh Trì), Lý Kim Tiền (Phú Xuyên).
Võ sư cao cấp Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “ Các võ sinh đã tập võ cổ truyền sẽ gặp nhiều thuận lợi khi chuyển sang tập môn Pencak Silat vì Pencak Silat cũng là một môn võ cổ truyền của Indonesia. Võ cổ truyền của Bình Định Gia có lợi thế là các kỹ thuật cơ bản như bộ tấn pháp, thủ pháp và các đòn thế tương đối giống Pencak chỉ khác luật thi đấu. Các em chỉ cần học thêm luật và các kỹ thuật không phạm luật. Học Bình Định Gia các võ sinh được rèn luyện rất tốt về kỹ thuật chân và tay”.
Ngoài dạy võ, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp còn dành thời gian hướng dẫn cho hơn 100 người cao tuổi ở CLB Khí công dưỡng sinh xã Tứ Hiệp- huyện Thanh Trì và đào tạo một đội biểu diễn Lân Sư Rồng cho 16 môn sinh. Sở dĩ anh có thể toàn tâm, toàn ý theo đuổi nghiệp võ là nhờ anh có một hậu phương vững chắc. Bố mẹ và người bạn đời cũng từng là học trò của anh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho anh thực hiện mong ước của mình. Hai con trai của anh, cháu Nguyễn Hữu Hậu, Nguyễn Hữu Hiếu đều tập võ cổ truyền noi gương bố. Trong đó cháu Hậu từng giành nhiều HCV, HCB tại các giải võ thuật cổ truyền Hà Nội.
Sau nhiều năm tham gia gây dựng, phát triển phong trào võ thuật cổ truyền, võ sư Nguyễn Hữu Hiệp còn rất nhiều trăn trở, còn nhiều dự định anh đang cố gắng thực hiện. Mong muốn lớn nhất của anh là tạo được công ăn việc làm ổn định cho môn sinh giỏi để các em gắn bó lâu dài với võ thuật cổ truyền. Đồng thời anh cố gắng bằng mối quan hệ của mình tạo được nguồn kinh phí để đưa các cháu sang Trung Quốc học bài bản về Lân Sư Rồng.
.Theo TTVN Online |