Chỉ trong thời gian ngắn, võ cổ truyền Việt Nam đã tạo nên sức lan tỏa rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nguời Tây theo học võ ta ngày càng đông.
|
Võ sư Diệp Lê Bích và các môn sinh
|
Lan tỏa đam mê
Võ sư Sainton Jean-Pierre từ Pháp đến Bình Định tham gia Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền lần III-2010 cùng võ đoàn Song Long tâm sự: Người sáng lập ra môn phái Song Long tại miền Tây nước Pháp là một người Pháp gốc Việt, ông Francois Brassecasse. Cha của ông Francois Brassecasse khi còn ở Việt Nam vốn là con nhà võ. Năm ông Francois Brassecasse lên 4 tuổi, nhận ra con mình có tư chất nên ngoài truyền dạy tại nhà, ông còn được cha cho theo học những thầy võ cổ truyền Việt Nam nổi tiếng lúc bấy giờ tại Pháp là: Tastevre Trần Phước, Phạm Xuân Tòng. Năm 1990, sau 13 năm học tập, nghiên cứu võ đạo cổ truyền Việt Nam, ông Francois Brassecasse đứng ra sáng lập võ phái Song Long. Võ phái dạy chúng tôi những bài tập suy tưởng kết hợp với hít thở (tâm kinh) và những bài tập thể lực cùng với các binh khí cổ truyền (khiên võ). Tâm kinh và khiên võ, một nhu một cương kết hợp lại tạo nên sức mạnh của 2 con rồng hợp lại nên mới có tên gọi là Song Long. Hiện nay võ phái Song Long đã phát triển rất rộng tại Pháp với hàng ngàn môn sinh. Tôi được theo học phái võ này từ trưởng môn Võ Dương Khiên. Võ cổ truyền Việt Nam càng học càng mê. Bởi bên trong những đường quyền, thế võ, người học còn tạo được cho mình ý chí mạnh mẽ, tự tin hơn trong cuộc sống.
Đồng môn với Sainton Jean-Pierre, anh Gap Bruno cho biết thêm: “Tôi và trưởng môn Võ Dương Khiên là bạn học cùng lớp văn hóa ở Pháp. Khi ấy tôi đã biết Khiên rất giỏi võ Việt Nam và tôi thì chưa biết võ nghệ là gì. Tiếp xúc với Khiên hàng ngày, nhận thấy từ Khiên luôn toát ra một ý chí mạnh mẽ. Anh ấy cư xử với mọi người chung quanh bằng một phong thái ôn hòa, một tâm hồn cao thượng nên ai cũng ngưỡng mộ. Khiên bảo ấy là do tinh thần thượng võ trong người anh hun đúc nên. Khâm phục và ngưỡng mộ, tôi “bái sư” Khiên và theo học võ cổ truyền Việt Nam từ đó đến giờ. Thấm thoát mà đã 25 năm rồi”.
Theo ông Phạm Đình Phong, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam thì hiện nay võ cổ truyền Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại nhiều quốc gia trên thế giới, mạnh nhất là ở Hoa Kỳ, Pháp, Anh. Võ sư Hồ Bửu, trưởng môn võ đường Tây Sơn tại Virgina - Hoa Kỳ, một người đã có gần 50 năm trong nghề dạy võ, bộc bạch: “Xưa kia, ông bà mình học võ để đối phó với mãnh thú, phục vụ chiến tranh chống ngoại xâm. Giờ thì người ta học võ với mục đích rèn luyện thân thể. Ở Hoa Kỳ hiện nay, giữa nhiều môn thể thao rèn luyện sức khỏe, nhiều người chọn võ cổ truyền Việt Nam để tập luyện bởi khi luyện võ là đồng thời rèn luyện ý chí".
Dạy võ qua mạng
Võ sư Diệp Lệ Bích (52 tuổi), trưởng môn phái Bình Thái Đạo tại Anh quốc kể: “Cha tôi là võ sư Diệp Bảo Sanh, người dân quê An Thái, An Nhơn (Bình Định) đã một đời theo đuổi nghiệp võ, ông đã sang tận Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực để nghiên cứu, học tập nhiều năm liền. Khi về nước, ông đã tổng hòa nhiều tinh hoa để làm nên nét võ riêng của Bình Định và viết thành cuốn sách Võ Bình Định chân truyền vào năm 1971. Tôi định cư tại Anh quốc vào năm 1979, làm việc tại Ngân hàng Barclayscard Northampton. Biết tôi là con nhà võ, năm 1985 lãnh đạo ngân hàng đề nghị tôi mở một lớp đào tạo võ Bình Định ngay tại ngân hàng. Chạm vào “máu nghề”, tôi thực hiện ngay. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người dân bản địa đến đăng ký học, tôi liền mở võ đường Bình Thái Đạo và hiện có hơn 200 người ở nước Anh đang theo học. Rồi từ những lứa môn đồ đầu tiên của Bình Thái Đạo Anh quốc, hiện nay võ phái chúng tôi đã trược truyền bá, phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia khác với hơn 2.000 võ sinh”.
Võ sư Diệp Lệ Bích cho biết thêm: “Người Việt định cư ở nước ngoài sống không tập trung, người bản địa thì luôn bị công việc bủa vây nên dù có đam mê học võ đến mấy cũng có ít người có điều kiện đến võ đường học trực tiếp. Vì vậy, có nhiều niềm đam mê cháy bỏng nhưng rồi cũng nhanh chóng tắt ngấm, việc truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài do đó cũng bị hạn chế. Rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, có cả ở Việt Nam gặp gỡ tôi qua mạng hoặc điện thoại tâm sự rất tha thiết rằng rất muốn học võ của võ phái Bình Thái Đạo nhưng không có điều kiện. Xuất phát từ thực tế ấy, tôi nghĩ đến cách dạy võ qua mạng và đã thực hiện thành công trong 3 năm qua”.
Anh Nguyễn Hồng Hùng, người Nghệ An vào Quy Nhơn học đại học và hiện là một trong những sư huynh của võ phái Bình Thái Đạo phụ trách dạy võ tại Việt Nam tâm sự: “Năm 2006, tôi vào Quy Nhơn học đại học, vốn mê võ từ nhỏ nên khi lên mạng gặp được sư mẫu Diệp Lệ Bích tôi liền bày tỏ niềm đam mê của mình và được sư mẫu nhận làm đệ tử. Từ đó, ngoài những giờ học văn hóa trên giảng đường, tôi ngồi vào mạng. Bên kia nước Anh, sư mẫu truyền về tôi những hình ảnh cơ bản về chỉ pháp, tính pháp, thủ pháp, tấn pháp, cước pháp. Vừa xem hình, tôi vừa được sư mẫu giải thích, hướng dẫn qua loa. Nếu có chỗ nào không hiểu, sư mẫu tiếp tục minh họa bằng hình ảnh sống qua webcam. Sau đó, sư mẫu gửi về cho tôi quyển sách Long hổ quyền do sư ông Diệp Bảo Sanh biên soạn. Mặc dù không được học trực tiếp, nhưng nhờ phương pháp dạy rất khoa học của sư mẫu qua mạng nên trong 4 năm qua tôi đã thu nạp được những tinh túy của Bình Thái Đạo. Bây giờ tôi được phụ trách dạy cơ bản cho lớp võ sinh mới nhập môn, sau đó đến các sư bá truyền thụ rồi sư mẫu về kiểm tra định kỳ. Hiện nay, tại nhiều địa phương ở Việt Nam đã có đến hơn 500 võ sinh theo học Bình Thái Đạo”.
.Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam |