Sinh thời cụ Đào Tấn có lần đi viếng mộ thầy Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu rồi để lại cho chúng ta một bài thơ viết về nỗi niềm hối hận của cụ trước mộ thầy. Bài thơ đó nhan đề và nội dung như thế này:
Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật
(dịch nghĩa: viết trong dịp tháng 7 đi viếng mộ Nguyễn tiên sinh thầy dạy nghề ở Nhơn Ân).
Thu khí bán sơn hoàn cổ mộ
Xuân phong nhất nguyệt ức tiên sinh
Càn khôn nộn tán qui lai vãng
Không phụ ngô sư hối nhữ tình
Nghĩa là:
Hơi thu tỏa lưng chừng núi và quanh ngôi mộ cổ
Nhớ khi đến với thầy như ngồi giữa gió xuân
Đất trời (thời thế) đã đảo lộn rồi mà ta thì về chậm
Lòng rất hối hận vì đã phụ lời thầy dạy bảo
Ông Đỗ Văn Hỷ dịch thơ:
Thu quyện quanh mồ, thu nửa núi
Nhớ thầy nhớ ngọn gió xuân xưa
Đất trời nghiêng ngả sao về muộn
Luống phụ thầy ta những dặn dò
Có lẽ bài thơ này ra đời vào những năm 1883–1885, thời kỳ “bốn tháng ba vua”, thời kỳ cụ Đào bỏ quan về quê, rồi đi tu ở chùa ông Núi. Tuy chuyện bỏ quan bị triều đình giáng chức bốn cấp, nhưng đổi lại cụ được thoát khỏi cái xiềng danh lợi, và được dịp thăm mộ thầy, tạ lỗi với hương hồn thầy cho thanh thản lòng mình. Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu là thầy dạy chữ thánh hiền, đồng thời truyền nghề viết kịch bản hát Bội cho trò Tấn, nên cụ Đào Tấn mới có từ tôn vinh là “nghiệp sư”.
KỲ 1
Ở Bình Định, mãi đến ngày nay người ta còn truyền tụng về giai thoại văn chương giữa thầy trò cụ Nguyễn và cụ Đào rằng sau khi cụ Nguyễn qua đời đã khá lâu, trong một dịp nhân đọc lại vở tuồng Ngũ hổ bình Liêu cụ Đào phát hiện ra rằng đoạn tuồng Địch Thanh qua ải, Nguyễn tiên sinh xử lý chi tiết kịch còn chưa thấu tình đạt lý. Nguyên tác cụ Nguyễn viết:
Công chúa:
Cáp Man!
Nghe lệnh mỗ ân cần
Đóng cửa thành cẩn mật
Nhược hữu nhất hào sơ thất
Tất cam trọng tội nan đào!
Thế nhưng đến khi vợ chồng gặp nhau giải tỏa được cái tội trốn vợ mà đi thì công chúa lại không truyền mở cửa thành mà chỉ than thở rồi đưa tiễn chàng đi:
Công chúa:
Chưa lạt rượu giao hoan một chén
Đã xem hình vĩnh biệt ngàn trùng
Khó theo chân thảo tặc (với) Nguyên nhung
Xin soi dạ tư phu thục nữ
(HÁT NAM)
Soi dạ tư phu thục nữ
Đoạn thâm tình, nhất khứ, nhất lưu
Địch Thanh:
Ruột dường dao cắt chín chiều
Sương sa trước mặt, gió hiu bên đường
Công chúa:
Mối duyên Chức nữ – Ngưu lang
Cầu Ô đã bắc lại toan dứt cầu
Địch Thanh:
Dùng dằng nghĩa trước, tình sau
Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang
Và câu hát nam cuối chia tay:
Công chúa - Địch Thanh:
Dứt tình một khúc Dương Quan
Tây Liêu anh tới, Đơn bang em về
Vậy thì cửa thành còn đóng kín chàng Địch Thanh làm sao đi được, rằng chưa thấu tình, đạt lý là ở chỗ ấy. Do đó cụ Đào phải thịt một con heo làm lễ vật mang đến nhà thờ Nguyễn tiên sinh ở làng Kỳ Sơn vái lạy thầy xin phép mở cửa thành cho Địch Thanh qua ải bằng cách viết thêm một đoạn ngắn tiếp sau câu hát nam thứ tư (…chuỗi sầu đây mang).
Công chúa:
Cáp Man!
Truyền Cáp Man mở ải
Đặng cho ta đưa Nguyên soái lên đàng
Phu quân ôi! Song lụy san san! (nước mắt dầm dề)
Thốn tâm cảnh cảnh! (tấm lòng xốn xang)
Hồn ly biệt dường mê, dường tỉnh
Mối ân tình khó dứt, khó chia
Cõi Tây Liêu hiểm trở sơn khê
Con Tinh La Hải (nó) cao cường pháp thuật
Sợ khó nỗi bêu đầu ác tặc
Mẹ, mẹ ơi! Biết bao giờ thấy mặt từ nhan?!
Phu quân ôi! Rượu vơi vơi nâng rót chén vàng
Chân rén rén dìu đưa người ngọc
(HÁT NAM)
Rén rén dìu đưa người ngọc
Kể khôn cùng, chân tóc, kẽ răng!
Địch Thanh:
Thôi, em ở lại, sương sa hoa nở, mẹ tròn con vuông rồi anh sẽ về
(HÁT NAM)
Anh hùng nước bước còn săn
Đừng dun mày liễu, mà quằn ruột lan
Và tiếp theo là nối với câu hát nam của Nguyễn tiên sinh:
Dứt tình một khúc Dương quan
Tây Liêu anh tới, Đơn bang em về
Đi đôi với sự truyền tụng giai thoại văn học nói trên, người Bình Định, học lâm Bình Định xưa nay còn bình phẩm rằng: “thanh xuất ư lam nhi thắng ư lam” nghĩa là màu xanh từ màu chàm mà ra nhưng đẹp hơn màu chàm.
(còn tiếp) |