Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ
16:31', 29/5/ 2011 (GMT+7)

KỲ 2.

Cụ Nguyễn Diêu hiệu là Quỳnh Phủ nên trên văn đàn ngày xưa các cụ ta viết là Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu. Sinh quán của cụ ở thôn Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nên người dân Bình Định gọi là cụ Tú Nhơn Ân. Về sau, gia đình cụ từ thôn Nhơn Ân dời về thôn Kỳ Sơn, cùng huyện, cùng tỉnh. Dời lúc nào? Vì lẽ gì? Mãi đến nay cũng chưa xác định được.

Lâu nay có khá nhiều học giả, nhiều bài, nhiều đoạn viết về cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu nhưng không ai biết rõ ngày sinh và năm mất. Chỉ biết chắc chắn rằng ngày giỗ của cụ là ngày mồng 5 tháng 5 hằng năm, và cũng biết chắc chắn rằng cụ đỗ tú tài khoa Canh Thân năm Tự Đức thứ 13 (tức năm 1860, trùng với năm cụ tú tài Nguyễn Thế Hiển thành lập “xã thương” (cái lẫm lúa chống đói nghèo) của thôn Phụng Sơn, kế cận với thôn Kỳ Sơn, nơi cụ Tú Diêu di cư, và những năm sau đó cụ viết bài ký ca ngợi về cái “xã thương” này; ca ngợi công lao và đức độ của cụ Tú Hiển.

Theo phán đoán của học giả Quách Tấn thì cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu sống dưới thời Minh Mạng – Tự Đức (1820-1883), là người cùng thời với cụ Tú Nguyễn Thế Hiển. Thời trò Tấn ở đậu tại “Đặng gia trang” đi học trường thầy Diêu dạy ở thôn Kỳ Sơn, nghĩa là gia đình cụ Tú từ vùng đất nửa ruộng nửa biển đã chuyển về ở đây rồi. Hãy nghe Đào Tấn nói:

Quá phỏng Kỳ Sơn Đặng gia trang ức thiếu thời độc thư xứ ngẫu chiếm (Viết trong lần qua Kỳ Sơn thăm nhà họ Đặng nhớ thuở thiếu thời đi học ở đây).

Quyện điểu tà phi phản cố lâm

Mỗ khâu mỗ thụ phí tương tầm

Ngẫu qua bình nhật học ngữ xứ

Vọng khước cao tường thiên lý tâm

Nghĩa là:

Chim chiều mỏi cánh trở về rừng

Cội nọ gò kia liệng uổng công

Chợt ghé nơi xưa từng học nói

Quên rồi cái mộng nhảy bay rông

(Vũ Ngọc Liễn dịch)

 

Có lẽ bài thơ này cụ Đào viết lúc đã về hưu thì phải (?)

Về đời tư, cụ Tú Nguyễn Diêu vấp phải một khối hận tình yêu đè nặng tâm hồn cụ, khiến cụ sống đắng cay, ray rứt suốt cuộc đời. Chuyện kể rằng:

“Tương truyền nhà ông Tú vốn nghèo, thuở còn đi học ở trường tỉnh, trọ nhà một phú ông, phải mang gạo theo tự nấu lấy ăn. Cô gái con chủ nhà phải lòng anh học trò họ Nguyễn nên lúc nào thấy hũ gạo vơi thì lén đổ gạo nhà vào cho đầy, thấy quần áo bẩn thay ra thì đem đi giặt. Anh học trò cũng biết cô gái thương mình nhưng không tiện đường đột ngỏ lời vì lễ giáo không cho phép và vì còn phải để tâm chí vào việc quyết khoa. Đến khi đỗ tú tài xong, phú ông gọi anh tới cho biết ý định muốn gả con gái cho anh. Anh về nhà bẩm mẹ hay, mẹ anh nhờ thầy coi tuổi lại không hợp nên nhất định cấm cản. Mẹ anh cưới cho anh một cô gái khác không đẹp bằng người anh yêu nhưng được cái hợp tuổi. Vì chữ hiếu, anh phải vâng lệnh mẹ. Cô gái con phú ông nghe được tin này thì đau buồn, bỏ cơm cháo đến ốm tương tư mà chết.

Anh biết chuyện ân hận không cùng, thường tự trách mình đã gây ra cái chết cho người yêu. Chính cái mặc cảm tội lỗi này đã dày vò tâm hồn anh, từ ấy cho đến khi lìa bỏ cõi đời. Cũng chính vì lẽ đó mà về sau ông đi thi hoài vẫn không đỗ được cái cử nhân. Người ta bảo rằng mỗi bận ông vào trường thi ông đều thấy cô gái ấy hiện hình ngồi ở đầu chõng ôm mặt khóc nức nở, khiến ông tâm thần bấn loạn, mắt hoa tay run, không tài nào làm trọn bài thi được. Ông đâm chán ngán cả khoa danh mở trường dạy học, soạn tuồng hát Bội, mở đàn cầu tiên để thỉnh thoảng chuyện vãn với linh hồn người yêu hoặc xướng họa với tiên, với thánh mà quên sầu”.

Đó là lời tường thuật về câu chuyện bi đát này của Đặng Quí Địch trong cuốn “Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định” trang 223, sách mới xuất bản 2009.

Cũng thuật lại chuyện này nhưng Quách Tấn – Quách Giao kể cụ thể hơn và rùng rợn hơn, rằng vị phú hộ ấy ở làng Xuân Quơn (vốn là Quang, đọc trại âm thành Quơn) kề Quy Nhơn, còn cô gái tên là Thìn con một vị phú hộ yêu say đắm trò Diêu, và “cô Thìn nghe tin người yêu phụ tình liền nhảy xuống giếng tự tận. Lúc khâm liệm người nhà mới biết nàng đã có thai” (Đào Tấn và hát Bội Bình Định, xuất bản năm 2007, trang 10) chứ không phải vì tương tư bỏ ăn bỏ uống mà chết như Bùi Văn Lăng và Đặng Quí Địch nói.

Trong tình cảnh hối không kịp ấy, sống trong nỗi ám ảnh tội lỗi ấy thì chọn lối thoát của con người coi trọng hiếu nghĩa kia chỉ có mỗi cách là trốn vào con đường dạy học để thông qua đạo nghĩa thánh hiền truyền đạt với học trò tránh xa tội lỗi như thầy may ra vớt vát phần nào chăng? Và nhận định của Đặng Quí Địch bên trên xem chừng có lý.

Theo Quách Tấn thì học trò của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu rất đông, vì ảnh hưởng của cụ trên văn đàn, trong giáo giới thời bấy giờ rất lớn. “Cụ là một trong bốn nhà hay chữ nổi tiếng ở Bình Định”. “Bốn nhà hay chữ đó là: Đằng ở Tri Thiện, Diêu ở Nhơn Ân, Trinh ở Vinh Thạnh, Hiển ở Phụng Sơn”.

Dù không lập được bản thống kê về số lượng sĩ tử để biết rất đông là bao nhiêu, nhưng cứ nhìn vào cánh đồng gần năm mẫu nhất đẳng điền phía trên đường bên mộ cụ ở làng Kỳ Sơn, do học trò cụ góp tiền mua làm ruộng hương hỏa hằng năm cúng giỗ thầy, chúng ta có thể đoán biết học trò thầy Tú đông đến cỡ nào. Tuy vậy, trong số đông ấy thì Đào Tấn là người học trò xuất sắc nhất, không những xuất sắc về đường học vấn mà còn xuất sắc về môn nghệ thuật viết tuồng hát Bội. Đào Tấn đã kính trọng thầy như thế nào thì chúng ta đều thấy cả rồi; còn thầy Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu chắc chắn cũng hài lòng về trò Tấn. Là một người thầy, là một nhà giáo dục chuyên lo công việc trồng người, thử hỏi còn gì vinh quang hơn?

  • VŨ NGỌC LIỄN

(còn tiếp)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (28/05/2011)
Tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện” của Lý gia  (19/01/2011)
Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”  (27/12/2010)
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống  (26/11/2010)
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV   (24/11/2010)
Kỳ 2: Mạnh mẽ “dòng chảy” võ Bình Định  (24/11/2010)
Kỳ 1: Võ Bình Định hay võ cổ truyền Bình Định ?   (22/11/2010)
Kỳ cuối: Gia đình võ học  (21/10/2010)
Sông côn - dòng sông võ học - Kỳ 3: Tầm sư học đạo  (20/10/2010)
Hội “đổ giàn” trong miền ký ức  (18/10/2010)
Sông Côn - dòng sông võ học  (17/10/2010)
Chuông vang xứ người  (11/08/2010)
Đại lão võ sư đào Thanh  (09/08/2010)
Võ Bình Định ngời sáng vẻ đẹp nhân văn  (30/07/2010)
Một số võ đường là điểm tham quan Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền  (27/07/2010)