KỲ 3.
Với tư cách nhà giáo Quỳnh Phủ tiên sinh để lại cho đời mà cụ thể là cho quê hương tôi một đội ngũ trí thức thanh liêm, chánh trực, chăm lo chống đói giảm nghèo cho dân, cho xứ sở; với tư cách nhà văn Quỳnh Phủ tiên sinh để lại cho đời một khối lượng tác phẩm văn học và nghệ thuật rất độc đáo. Vì vậy chúng tôi tôn vinh cụ Tú là ông đồ nghệ sĩ. Bây giờ chúng ta lần lượt thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật hát Bội của cụ, rồi sẽ nhấm nháp mùi vị các loại văn phẩm khác.
Hiện nay chúng tôi chỉ sưu tầm được ba vở tuồng do Quỳnh Phủ tiên sinh viết, còn khá nguyên vẹn:
1/ Pho tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” (còn gọi “…bình Tây”) gồm 3 hồi, cả bản phiên âm và bản Hán Nôm.
2/ Vở tuồng “Liệu đố” (“Chữa bệnh ghen”).
3/ Vở tuồng “Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô” (còn gọi là “Chém cáo”, hoặc “Tiết Giao đoạt ngọc”, “Cổ miếu vãn ca”).
Ngoài 3 vở trên cụ Phạm Phú Tiết còn bổ sung vở “Văn vệ quốc” vào danh mục tác phẩm của cụ Tú Diêu (chưa tìm được).
Ông Đoàn Nồng, tác giả sách Sự tích và nghệ thuật “hát Bộ” xuất bản năm 1942 – trang 29 viết rằng: “Trước cụ Đào Tấn có ông Tú tài Nguyễn Văn Diêu, người làng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tác giả của tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”, tuồng “Võ Tam Tư trảm hồ”...
Cũng ông Đoàn Nồng nói thêm, ông viết “Theo dã sử, theo tán từ của cụ Hà Đình để lại về tiểu sử của cụ Đào Tấn”. Và chúng ta đã biết ông Hà Đình Nguyễn Thuật người Quảng Nam là bạn chí thân của Đào Tấn.
Quách Tấn – Quách Giao thì nói rằng cụ Tú Diêu viết các vở: “Ngũ hổ bình Tây (Liêu), “Liệu đố”, “Nhất tiễn song điêu”, “Tinh Trung tứ khúc” (bao gồm: “Trương-Hứa thệ tử thủ cô thành” – “Trần gia cốc” – “Văn Tín Công (tức Văn Thiên Tường) – “Dương Châu tuẫn quốc”. Còn vở “Cổ miếu vãn ca” (tức “Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô”) là của Đào Tấn.
Chúng tôi nghĩ “Nhất tiễn song điêu” (một mũi tên trúng hai con chim) là tên gọi khác của “Đào Tam Xuân loạn trào”, hai con chim bị trúng “tên độc” của Tống Thái Tổ đó là Trịnh Ẩn (chồng Đào Tam Xuân, công thần nhà Tống) và Hàn Tố Mai (vợ vua). Tống Thái Tổ vờ say, mưu giết hại công thần và vợ để trừ hậu họa. Vở này hiện nay các đoàn hát Bội cả nước đều diễn, cùng câu chuyện mà kịch bản khác nhau, rất khó xác định bản nào là của cụ Tú Diêu. Còn 4 vở trong pho tuồng “Tinh Trung tứ khúc” thì ngay cái tên kịch tôi cũng chưa nghe nói huống chi là thấy diễn. Riêng vở “Cổ miếu vãn ca” hay gọi là “Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô” là tác phẩm của ai chúng ta sẽ bàn tiếp.
Trong số ba tác phẩm của Quỳnh Phủ tiên sinh chúng tôi giới thiệu ở sách này thì “Ngũ hổ bình Liêu” là pho tuồng đồ sộ nhất và biểu diễn liên tục, nhiều nhất. Ảnh hưởng sâu đậm của “Ngũ hổ bình Liêu” đối với vùng đất nam trung bộ từ Huế đến Phú Yên – Khánh Hòa có thể nói là “gia truyền hộ tụng”. Trong dân dã mỗi khi có dịp chia tay tiễn bạn là họ cất tiếng hát câu hát Nam của Công chúa Trại Ba tiễn chồng:
Rượu vơi vơi nâng chuốc (rót) chén vàng
Chân rén rén dìu đưa người ngọc
Rén rén dìu đưa người ngọc
Kể khôn cùng chân tóc, kẽ răng
“Ngũ hổ bình Liêu” viết về chuyện xảy ra thời Bắc Tống (T.Q). Tác phẩm chia thành ba hồi:
Hồi I- Kể chuyện Địch Thanh – tướng nhà Tống (dòng dõi Địch Nhân Kiệt) đi dẹp giặc vùng Tây Liêu, vì lạc đường nên bị cầm chân ở nước Thợn (tức Đơn bang, tức nước Khiết Đơn).
Hồi II- Kể chuyện Địch Thanh rời khỏi nước Thợn đi đánh giặc Liêu ở phía Tây (nên gọi là Tây Liêu).
Hồi III- Kể chuyện Công chúa Trại Ba (Công chúa con vua nước Khiết Đơn, vợ trời ban của Địch Thanh) đi giải vây cứu chồng ở ải Bạch Hạc (thuộc Tây Liêu).
Không rõ cụ Tú Nhơn Ân viết tác phẩm này dựa vào Tống sử hay Tống tiểu thuyết mà lại có nhân vật Lý trưởng của làng xã Việt Nam hay sinh sự xuất hiện ở đây. Chúng ta hãy nghe nhân vật Lý trưởng tự giới thiệu về mình:
Quyền trọng trấn nhứt thôn
Mỗ hiệu xưng Lý trưởng
Như ta làm Lý trưởng sự thể mới hung cho chớ!
Lãnh cấp bằng quan lớn
Hầu kiềm ký thầy cai
Việc làng nắm trong tay
Cả xóm đều chạy mặt
Ghét những người thù vặt
Giận mấy kẻ ăn to
Chớ như tôi thanh bạch, còn phải nói làm chi nữa
Lúa xã thương nhiều ít cũng mò
Ruộng phân cấp, dinh dư (tôi) làm ráo
Hễ là dân toan mưu kiện cáo
Tôi nổi chứng già hàm
Tiền hoang thai, thâu chẵn một trăm
Lễ tụng lệ, đòi chơi ba chục
Chừ cũng đã phong lưu lắm rồi!
Của tiền phú túc
Ăn uống bĩ bàng
Dấy oai phong, khủng khiếp một làng
Ra thần võ, um sùm bốn phía
Rồi nhân vật Lưu Khánh xuất hiện hỏi tìm chỗ ngủ qua đêm, Lý trưởng trả lời:
Ủa! Anh ni ở mô mà ngó quen quen hè! Nhưng mà quên rồi!
Bất tri sở trú
Quả tại hà phương?
Danh tánh bày tường
Nghỉ ngơi mặc sức
Lưu Khánh xưng tên họ qua loa cho xong chuyện hắn cũng không vặn vẹo, miễn là:
Nhất kiến như cựu
Vân hồ bất di
Vốn đây chẳng hẹp chi
Mặc đó vào mà nghỉ
Thuốc mua cho hai chỉ
Rượu đãi lấy ba chung
Chốn tiền đường mặc đó thung dung
Nơi mật thất cho đây yên nghỉ
Nghĩa là chỉ cần mua cho hắn hai chỉ thuốc phiện và ba chung rượu thì cái chính quyền địa phương ấy sẽ chơi đẹp với khách lạ, mặc cho khách lạ muốn làm mưa làm gió gì thì làm. Rất rõ ràng đây là hình ảnh những tên Lý trưởng của xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến sắp xuống dốc, chuyên ăn cắp lúa dành để cứu đói cho dân của “xã thương” (cái lẫm lúa của xã); xén bớt từng thước ruộng công điền phân cấp cho dân; dân có la lối thì hắn lại già hàm. Hắn tự hào về cuộc sống của mình: Của tiền phú túc/Ăn uống bĩ bàng.
Dựa vào những nguồn thu nhập như tiền phạt các cô gái vì nông nổi mà có thai ngoài giá thú mà hắn gọi là “chửa hoang”; tiền thu lệ phí các vụ kiện cáo… Hắn “Giận những kẻ ăn to” vì ở vào danh phận của hắn thì không có điều kiện ăn to, nhưng ăn vặt và bòn rút, mánh lới thì hắn rất thành thạo và “việc làng nắm trong tay” cho nên hắn tha hồ hành động.
Một điều hơi lạ nữa là nghe các cụ lớp trước nói rằng cụ Tú Diêu viết hồi II và hồi III tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” trước hồi I. Sau khi hoàn thành hồi II và hồi III một thời gian khá lâu rồi mới viết hồi I lắp vào. Trên lịch sử văn học nghệ thuật của loài người có không ít trường hợp sáng tác ngược như vậy, song đều có lý do nội tại của nó cả. Trường hợp của cụ Tú Diêu chưa rõ vì lý do gì?
Bản Hán Nôm mà chúng tôi làm điểm tựa để phiên âm, chú giải thành bản in sách này là của nghệ sĩ Phan Hiền (tức Cửu Vị) ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn cung cấp, chưa rõ bút tích của ai chép bản này mà chữ chép rất đẹp, trên giấy dó, loại giấy tiểu, mỗi trang chép thành bảy hàng. Trang đầu đề là” Ngũ hổ truyện Diễn ca” cách mấy chữ chép “đệ nhị hồi”. Đến trang 65 (do chúng tôi đánh số trang) thì chép “đệ tam hồi”. Như vậy không có hồi nhất. Hồi thứ nhất của pho tuồng này chúng tôi dựa vào bản của Trần Văn Hương và Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí Sài Gòn xuất bản năm 1970. Bản in của ông Hương ông Trụ thì dựa theo bản chép tay của cụ cựu giáo sư Việt văn Nguyễn Văn Mai do ông bạn Vương Hồng Sển cho mượn. Hóa ra hồi I của pho tuồng xưa khá nặng ký này đã lưu truyền tới nam bộ mà không có ở Bình Định. Có lần tôi hỏi ông Cửu Vị vì sao? Ông trả lời: Vì là pho tuồng dài, không khi nào diễn trọn pho trong đợt diễn mà chỉ diễn từng hồi, và thường là diễn theo yêu cầu của chủ rạp, họ thích hồi II chứ không đủ tiền bao đến hồi I và hồi III, vì thế lâu ngày sinh lu mờ hai hồi ấy. Dù sao tôi cũng rất rất biết ơn ông Vương Hồng Sển, nhờ có ông mà hồi I pho tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” được sum họp một nhà.
“Ngũ hổ bình Liêu” nghe cái tên kịch đủ cảm thấy nồng nặc mùi thuốc súng rồi. Cái mùi vị chết chóc ấy chỉ gây nên sự đau thương trong thiên hạ chứ làm sao gây hứng thú văn chương. Tài hoa xuất chúng của cụ Tú Diêu là ở chỗ này đây. Tướng Địch Thanh của triều đình nhà Bắc Tống và công chúa Trại Ba của nước Khiết Đơn là hai nhân vật trung tâm của câu chuyện xuyên suốt ba hồi của pho tuồng.
Đáng lẽ Địch Thanh là tên tướng đáng ghét, nếu là chinh Nam thì hắn đã từng chạm trán với Lý Thường Kiệt nước ta đấy. Nhưng trong pho tuồng này lại trở thành nhân vật rất rất đáng thương. Bởi cái cung đình Bắc Tống thời ấy xấu xa quá, do hành động xiểm nịnh củaThái sư Bàng Hồng thao túng, chi phối cả triều đình. Địch Thanh được phái đi dẹp giặc phiên quốc Tây Liêu, vì tên tướng tiên phong Tiêu Đình Quý hướng dẫn lộn đường mà lạc đến nước Khiết Đơn.
Nhờ có tướng mạo đẹp trai dễ chinh phục phái đẹp mà Địch Thanh đã tự cứu được mạng mình rồi kết duyên với công chúa Đơn bang – nữ tướng Trại Ba, chứ nếu xấu xí thì đừng hòng sống sót.
Địch Thanh nghiễm nhiên trở thành Đơn bang phò mã, lại được công chúa quá mức nuông chiều, cũng chính vì chuyện này mà mối họa khác lại ập đến, tên Thái sư Bàng Hồng tâu với nhà vua rằng Địch Thanh “tẩu sai quốc độ, hàng phục Đơn bang” (đi không đúng nước, đầu hàng nước Đơn). Là tướng lĩnh mà đầu hàng nước khác thì cả nhà bị giết là cái chắc. Chúng bắt mẹ Địch Thanh hạ ngục. Được tin ấy anh chàng ngốc Địch Thanh không dám nói thật chuyện này với công chúa sợ nàng không cho đi đánh giặc Tây Liêu để cứu mẹ mà tính bề trốn chạy, thế mới sinh chuyện rầy rà. Chúng ta hãy nghe họ đôi co nhau khi Trại Ba đuổi kịp, ngăn cản được cuộc trốn chạy này:
Địch Thanh:
Thưa,…tôi xin chào công chúa!...
trông thế công chúa người làm lơ đó chi?
Trại Ba:
Làm lơ chẳng làm lơ
Địch Thanh:
Trông thế công chúa người giận đó chi?
Trại Ba:
Giận chẳng giận
Địch Thanh:
Xin công chúa xét lại cho kẻ hạ quan nhờ cùng
Nếu bó tay hào kiệt
Sao gọi đấng anh hùng
Bận nỗi vợ nỗi chồng
Sao rằng trung rằng hiếu
Trại Ba:
Là ai không cho ông nguyên soái hiếu? Ai không cho ông nguyên soái trung?
Muốn hiếu trung (nên) vẹn chữ thủy chung
Đàng khứ tựu phải cho minh bạch
Là đã trốn đi lắm lét (1)
Lại nói việc bơ sờ (thờ)
Trách ai làm lơ
Nghĩ không nên giận (à)?
Địch Thanh:
Công chúa giận cũng phải…
mà xin công chúa nghĩ lại;
như nay thằng Bàng Hồng nó sàm tấu cùng lượng cửu trùng
rằng kẻ hạ quan phản nghịch, nó lại câu thủ từ mẫu giam vu ngục nội,
thôi thôi
Oan ấy ỷ khôn đôi chối
Lụy này đòi bữa chứa chan
(Trại Ba động lòng xây mặt, gạt thầm nước mắt)
Đó dâu hiền còn động lòng vàng
Huống chi… Đây con thảo há đam thói bạc
Trại Ba:
Mẹ Tề như mẹ Tấn
Lòng đó cũng lòng đây
Dẫu có chi cũng chẳng can chi
Bởi thương lắm cho nên giận lắm
Địch Thanh:
Có thương thời đừng giận
Nếu mà
Giận cũng như không thương
Xin công chúa cho tôi đi
Để trả nợ quân vương
Cho thỏa tình mẫu tử
Trại Ba:
Bởi vì ai sanh sự
Chớ trách thiếp sự sanh
Quyết núm chú vô tình
Cho biết tay độc thủ… đây này
(Núm áo Địch Thanh, cùng ngồi)
Tuy cơn giận của công chúa Trại Ba có giảm nhiệt độ, nhưng chưa nguôi. Là đàn ông, tôi nghĩ chúng ta nên học tập cách nịnh vợ của Địch Thanh. Và cô công chúa của nước Khiết Đơn sao mà giống hệt tính nết của cô gái Việt ngày xưa quá vậy. Chồng “bỏ vợ không hề ừ hử” mà vẫn “giữ một niềm trọn nghĩa tùng phu”.
Vì Trại Ba đang mang thai nên không thể theo giúp chồng giải quyết chiến trường để mau đến ngày được gặp mặt mẹ chồng. Tuy vậy, nàng vẫn theo dõi từng bước đi trên đường chinh chiến của chồng. Cuối cùng cũng chỉ phải cậy vào sức lực của nàng trực tiếp tham chiến mới giải được vòng vây ở cửa ải Bạch Hạc, đánh gục Tây Liêu, kết thúc cuộc chiến.
Có thể nói gọn rằng ở Ngũ hổ bình Liêu Quỳnh Phủ tiên sinh diễn tả một cuộc tình chung thủy nằm ngổn ngang suốt chiều dài cuộc chiến. Một cuộc tình vượt biên giới các dân tộc, cuộc tình bị nhà đại Tống lên án nhưng đối với các dân tộc “phiên ngung” thì đó là điều đáng tôn trọng, miễn là họ sống cao đẹp, chung thủy. Hơn nữa, tác giả diễn tả cuộc tình bằng văn học cao, giai điệu đẹp. Chúng ta thử nghe nhân vật Lưu Khánh (tướng tùy tùng của Địch Thanh) đang bay ở lưng chừng trời tâm sự với đời:
Dốc một lòng trung thuận
Lập hai chữ công danh
……………………………………………………………………………
(1) Bộ dạng sợ hãi, tránh trút.
Tùng Nguyên soái Tây chinh
Mỗ hiệu Phi Sơn Hổ
Như tôi
Mình đã nhuộm thê phong, khổ võ
Chân lại quen hải giác, sơn trình
Vẹt mây cho thấy mặt trời xanh
Gối sương dễ từ nơi ải tía
Nay
Đã chịu lời Nguyên soái
Về thám thính Biện Kinh
Cho hản nỗi dữ lành
Kẻo ôm lòng nghi ngại
Lưu Khánh nói lối tiếp đoạn nữa rồi hát một sắp hát Nam:
Xông lướt chân trời nhẹ nhẹ
Đoái cung Thiềm điện Quế xa xa
Gấm thêu mấy thức yên hà
Giang sơn một bức trời đà vẽ nên
Rước người hoa chẳng biết tên
Hơi hương xa thổi vào rèm gió trăng
Nghĩa là đang bay ở lưng chừng trời vẫn hưởng được mùi hương của hoa ở mặt đất.
Còn nguyên soái Địch Thanh thì tự giới thiệu thân phận mình dể cảm động người nghe:
Lỡ bước vì ngươi Đình Quý
Gá duyên tạm với Trại Ba
Trăng hồng lâu giục não lòng ta
Gió cố quốc đưa sầu cho mỗ
Mẹ nương cửa nhọc tình triêu mộ
Con trông mây tủi phận thần hôn
Từ ngày ta sai Lưu Khánh hồi Trường An thám thính, tự thử chí tư, ý mần răng vắng tin…
Bồi hồi thiên lý quân môn
Trù trướng tam canh hồ sắt
Đã khá rõ, cuộc tình này đối với Địch Thanh cũng chưa quen, anh ta yêu tạm, cái chủ nghĩa đại Hán còn nặng nề trong anh ta. Nhưng cứ mỗi giai đoạn ở chiến trường xảy ra những cảnh éo le, nguy hiểm bao nhiêu thì cuộc tình bộc lộ sự gắn kết bấy nhiêu. Có những lúc cuộc tình tưởng chừng tan vỡ nhưng rồi tình yêu được bồi đắp đầy hơn. Sức cuốn hút đối với người xem xưa nay nằm ở chỗ này đây. Và tôi có cảm nhận hình như cụ Tú còn chừa một khoảng trống dành cho người đời sau kết luận: ai văn minh hơn, nói theo ngôn ngữ ngày nay.
Sinh tiền, trên nhiều bài viết, học giả Quách Tấn nói rằng: “Để giải bớt ưu sầu cụ (Tú Diêu) soạn tuồng Ngũ hổ bình Tây, mượn Địch Thanh thay mình, Trại Ba công chúa thay người yêu, nói lên những nỗi cay đắng chất chứa trong lòng, nói lên những niềm giằng co xung đột giữa Trung, Hiếu và Tình”. Chưa rõ độ chính xác đến mức nào? Xin ghi lại đây để tham khảo.
(còn tiếp) |