KỲ 4.
Về vở tuồng Liệu đố, nghĩa là chữa bệnh ghen. Trong cuộc sống xưa cũng như nay chứng bệnh này rất phổ biến, ngày nay càng phát triển gay gắt hơn, rất khó chữa. Chúng ta đợi xem cụ Tú chữa bằng phương thang gì?
So với các tác phẩm khác của cụ Tú như Ngũ hổ bình Liêu, Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô (Chém cáo) thì vở tuồng Liệu đố có số phận hẩm hiu hơn, trước và sau cách mạng tháng tám rất ít diễn. Riêng tôi chưa hề thấy diễn lần nào.
Khoảng 1984-1985 trong dịp lên nhà lão nghệ sĩ Phan Hiền (tức Cửu Vị) chơi, tình cờ tôi phát hiện trong kho tuồng của ông có một bản Hán Nôm tuồng Liệu đố, liền nhờ ông phiên âm, và có ý định xong việc sẽ “chôm” luôn bản Hán Nôm đó. Không ngờ, đến một năm sau ông mới trao bản phiên âm cho tôi, rồi sau đó không nhớ thời gian bao lâu thì nghệ sĩ Phan Hiền qua đời, bản Hán Nôm Liệu đố trôi dạt vào đâu cũng không biết. Bản phiên âm tôi có trong tay do lão nghệ sĩ Phan Hiền đọc cho đứa cháu gái học lớp 4, lớp 5 chép trên tập vở giấy học trò. Mãi đến gần đây, nhân biên soạn công trình này tôi mới đem ra xem lại, thấy rất rối rắm, chép câu hường, câu kẽ với câu thơ nói lối, điệu hát không phân biệt, không biết đâu mà lần. Nhất là do đọc âm Bình Định: phát huy thành phát hi, nguy hiểm thành nghi hiểm… cho nên nội chuyện hiệu đính âm tiết cũng đủ bở hơi tai, chưa nói đến việc điển tích chú giải dài hơn ruột kịch.
Riêng vở Liệu đố có một đặc điểm là lạ, đính trước kịch bản có một bài “Bình phẩm tuồng Liệu đố”. Phần đầu dài 36 câu song thất lục bát bình phẩm chung tác phẩm, kế đó là 11 bài thơ thất ngôn bát cú viết về 8 nhân vật trong vở tuồng. Riêng về nhân vật Kim Liên chiếm 2 bài, nhân vật Thổ địa chiếm 3 bài gồm: Thổ địa tự xưng, Thổ địa đi công tác, Thổ địa nhậu rượu.
Tôi ngờ rằng bài “Bình phẩm tuồng Liệu đố” viết sau cách mạng tháng Tám, vì dù không biết tên tác giả nhưng dùng từ ngữ chỉ xuất hiện ở giai đoạn ấy mà thôi. Ví dụ: bài thơ nói về Thổ địa đi công tác có những câu:
Bây giờ Thổ địa nghĩ càng lo
Công tác Ngọc hoàng đã nấy cho
Châu, Thạch, Ngọc Mai còn lắm chuyện
Bắt hồn Kim Cảnh chửa xong trò …v.v….
Điều này phản ánh hiện tượng tuồng Liệu đố ngày trước cũng được diễn nhiều và được nhiều người ưa chuộng. Về thể tài, Liệu đố thuộc dòng dân dã như Trương Ngáo, Trương Đồ Nhục, Nghêu Sò Ốc Hến, Lưu Bình-Dương Lễ… không cân đai mũ mãng.
Liệu đố viết và diễn về câu chuyện anh thư sinh Châu Anh ở thôn Bạch Lãnh vừa đỗ cử nhân, cùng với vợ là Ngọc Mai bàn tính chuyện đến kinh dự thi Hội. Ngọc Mai không cho chồng đi vì sợ chồng mình:
Những muốn ông tiến sĩ
Những muốn ông Thám Hoa
Về làm quan làm gia
Đặng mà
Kiếm hầu xinh hầu tốt
Hễ đắc lộ lên là sướng lắm, mà không ức sao được… tới các chốn thị thành kiếm năm bảy đứa hầu áo đỏ, quần tía, tay đồng, tay vàng…
Nhắm cho phồng mang cóc
Sướng cho nở bắp kèn
Để họ ngồi họ khen
Rằng (ông) nhiều hầu nhiều hạ
Do đó nàng bàn với chồng:
Em nghe rằng…
Khoa này Hội thí
Đòi cả cử nhơn
Sao anh không
Lên tỉnh mà xin một lá đơn
Ở nhà nhủ ba thằng con nít
Em khuyên phu quân
Chớ tham cuộc công danh sừng ếch
Mà vào vòng phú quí đầu ruồi
Anh đi xin đơn đi
Tốn ít nhiều của có em lo
Mẹo tháo trút coi theo các thẫy…
Thế đủ biết vợ chồng Châu Anh – Ngọc Mai chưa có con, nhưng gia tư có của ăn của để. Cuối cùng không ngăn được Châu Anh đi thi Hội, nàng buộc:
Phải nghe em dặn:
Ra đường mà thấy mấy cái đứa
Gò má trứng gà
Chân mày vòng nguyệt
Móng tay ngòi viết
Con mắt bồ câu
Ấy là vị đen đầu
Nó làm cho rốc thịt
Chẳng hư nhiều, hư ít
Cũng nát cửa nát nhà
Đến chừng đổi cật ra mê thì mình chịu, chớ…
Phù thủy đâu thường gà
Thôi đừng
Đem voi về phá mả đó anh à!
Đàn bà như cô Ngọc Mai đáo để thật! “Vị đen đầu” là vị gì tôi nghĩ mãi không ra. Có thể là quỉ đen đầu chăng?
Châu Anh cùng Hề đồng trên đường đến kinh kỳ thì gặp bọn tướng cướp Hắc Sát, Bạch Hoạch dẫn bọn lâu la đón đường cướp của. Chúng đánh đuổi thầy trò Châu Anh chạy hụt hơi, may nhờ có cha con cụ Thạch Nghị và Kim Liên đánh bọn cướp cứu cho. Trong lúc Thạch Nghị và Kim Liên đánh cướp ác liệt thì thầy trò Châu Anh chạy vào nhà Thạch Nghị trốn (chuyện xảy ra gần nhà Thạch Nghị) riêng Châu Anh chun thẳng vào buồng ngủ của cô Kim Liên mà núp trốn.
Vì vậy mà khi tan cuộc đánh cứu mới xảy ra chuyện líu lăng tiếp theo. Số là cách đó không lâu cô Kim Liên nằm chiêm bao thấy một con cọp chạy vào buồng ngủ của mình, nàng sợ quá đánh thức cha dậy nhờ đoán xem là điềm lành hay dữ. Cha nàng ông Thạch Nghị, bằng các chiêm nghiệm xưa nay đoán định là điềm lành, nàng sẽ gặp đức ông chồng là trang hào kiệt. Nay gặp Châu Anh, hỏi kỹ nguyên do biết được Châu Anh đã đậu cử nhân khoa Nhâm Dần, tức năm con cọp, cho thế làm lương duyên trời định nàng xin kết nghĩa Châu Trần mặc dù Châu Anh nói thật mình đã có vợ nhà.
Cuối cùng Châu Anh đến kinh kỳ dự Hội thí và có tới hai vợ thuận hòa, Kim Liên sinh hạ được một trai, đương nhiên họ phải nếm trải một quá trình không hề đơn giản. Tác giả phải cậy đến uy lực của Thổ địa đưa linh hồn bà Kim Cảnh (mẹ Ngọc Mai) từ cõi âm về cõi dương mới giải tỏa được nỗi ngờ vực thâm căn cố đế của Ngọc Mai.
Phương thang của Quỳnh Phủ tiên sinh chữa cái bệnh kinh niên này là kêu gọi lương tri, lương năng của con người thông cảm, chia sẻ cho nhau những vui buồn; nhường nhịn thương yêu nhau những được mất mới giải quyết nổi một vấn đề xã hội thường xảy ra mà không ai muốn cả. Điều quan trọng trong phương thang là vị thuốc sống thật, là sự thật. Biết được sự thật thì con người có thể sướng khổ sống bên nhau.
(còn tiếp) |