Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ
10:43', 2/6/ 2011 (GMT+7)

KỲ 5

Tiếp theo, chúng tôi bàn đến vở Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô, ông Đoàn Nồng gọi là Võ Tam Tư trảm hồ, ông Quách Tấn gọi là Cổ miếu vãn ca, các nghệ nhân thường gọi ngắn gọn cho dễ nghe là Tiết Giao đoạt ngọc, hay Hồ Nguyệt cô mất ngọc, hoặc Chém cáo. Trong số các tên gọi trên đây thì tên Cổ miếu vãn ca, từ ngữ liên quan đến thổ ngữ Bình Định, nên nếu không giải thích cặn kẽ thì không dễ hiểu, ngay cả người Bình Định.

 “Vãn ca” nghĩa là điệu hát Nam. “Cổ miếu vãn ca” nghĩa là điệu hát Nam nơi miếu cổ. Ở Bình Định vì là kinh đô của hát Bội nên đám thanh niên ham chơi ngày xưa thường mượn tên làn điệu hát Bội làm từ lóng, truyền đạt cho nhau, người ngoài cuộc nghe không hiểu nói gì. Ví dụ đôi trai gái đang tán tỉnh thì họ nói chúng đang hát khách. Còn họ nói chúng đang hát Nam thì có nghĩa là đang cùng nhau âu yếm. Nói trắng ra Cổ miếu vãn ca có nghĩa là cuộc làm tình nơi miếu cổ. Chung quanh việc xác định tác giả của tác phẩm này có hai luồng ý kiến:

- Quách Tấn cho rằng tác phẩm này là của Đào Tấn, do “nhóm mộ điệu” như Mai Cao Lương, Đoàn Phong… ở Tây Sơn nói vậy.

- Đoàn Nồng qua sách Sự tích và nghệ thuật hát Bộ xuất bản năm 1942 viết: “Theo dã sử, theo tán từ của cụ Hà Đình để lại về tiểu sử của cụ Đào Tấn, ta biết rằng trước cụ Đào Tấn có ông tú tài Nguyễn Văn Diêu, người làng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tác giả của tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”, tuồng “Võ Tam Tư trảm hồ”..vv…”

Cụ Phạm Phú Tiết thì viết trong sách “Chầu đôi” rằng: “Trước Đào Tấn : 1- Nguyễn Diêu, tú tài, làng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (thầy học của Đào Tấn) viết các vở: Văn vệ quốc, Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô, Liệu đố, Ngũ hổ bình Liêu”.

Rà soát tiểu sử Đào Tấn do Đào Nhữ Tuyên viết thì không thấy nói có sáng tác tuồng “Cổ miếu vãn ca” trong khi các vở tuồng khác được miêu tả chi tiết thời gian sáng tác, nơi sáng tác.

Cụ Đoàn Nồng biên soạn sách “Sự tích và nghệ thuật hát Bộ” về phần cụ Tú Diêu trên cơ sở tài liệu Tán từ của ông Hà Đình, mà như chúng ta đều biết ông Hà Đình Nguyễn Thuật (người Quảng Nam) là bạn chí thân của cụ Đào Tấn. Đời thơ cụ Đào Tấn viết về ông Hà Đình đến hai bài: “Cửu nhật muộn tọa đắc Hà Đình tướng công dạ phỏng”, “Tuế mộ ngẫu chiếm thư ký Hà Đình hưu ông”. Lúc Đào Tấn qua đời ông Hà Đình vào Bình Định tiễn đưa bạn về nơi an nghỉ cuối cùng núi Huỳnh Mai. Chính ông Hà Đình viết câu đối điếu trên mộ Đào Tấn và câu đối thờ Đào Tấn ở Đào công bửu từ trong khuôn viên đình Vinh Thạnh. Vì vậy, có thể nói rằng lời của Hà Đình nói ra tương đương lời Đào Tấn nói.

Lại nữa, lúc biên khảo sách “Sự tích và nghệ thuật hát Bộ”, ông Đoàn Nồng “có nhờ cụ thượng Ưng Bình, cụ nguyên ngự tiền văn phòng ty trưởng Trần Trinh Cáp chỉ vẽ, dắt dìu”, mà các cụ này đều là người am hiểu tuồng tích xưa, hiểu rất kỹ về thầy trò Đào Tấn. Vậy chúng ta tin vào một tài liệu có văn bản, có con người như Hà Đình đáng tin cậy hay tin vào “nhóm mộ điệu” sau này.

Tuồng “Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô” miêu tả câu chuyện nửa thực nửa hư trong tiểu thuyết thời tàn Đường, tức là thời Võ Hậu (tức Võ Tắc Thiên) nắm quyền, lập ra nhà Chu. Võ Tam Tư là cháu gọi bằng cô của Võ Tắc Thiên làm nguyên soái, thống lĩnh binh quyền. Các công thần nhà Đường lập căn cứ ở Cửu Diệm sơn, có Tiết Cương đã già mà còn dũng lực, có Từ Mỹ Tổ làm quân sư, “vận trù duy ốc chi trung, quyết thắng thiên lý chi ngoại”, nhất là hậu duệ của dòng họ Tiết, như Tiết Giao… vẫn tiếp tục nối nghiệp ông cha chiến đấu chống lại Võ Tắc Thiên hòng khôi phục nhà Đường.

Hồ Nguyệt cô là nhân vật trung tâm, nhân vật chủ đề của tác phẩm. Gọi là Hồ Nguyệt cô vì nàng vốn là một con cáo, nhờ lên tiên, tu luyện lâu năm có được ngọc người mà được làm người.

Lúc rời cõi tiên xuống trần để cứu đời, Tiên Mẫu có dặn: hễ gặp chàng trai nào mặt trắng hoặc mặt đỏ thì kết duyên vì đó là những con người tốt. Lần đầu giao tiếp với cõi trần nàng gặp Võ Tam Tư với gương mặt nửa trắng nửa đỏ ngỡ là người tốt, nàng vớ ngay làm chồng. Cuối cùng chính Võ Tam Tư là kẻ giết nàng.

Kịch bắt đầu từ Võ Tam Tư ra trận bị thất bại, chờ viện binh của vợ là Nguyệt cô cứu viện trong khí thế rất chi hăng hái:

Mã phùng Bá Nhạc

Hồng ngộ thuận phong

Nguyện triển chí anh hùng

Cho biết tài nhi nữ

Nàng ra quân đánh trận đầu thắng phe Cửu Diệm sơn, bắt sống tướng Trịnh Bửu, gây cho phe Cửu Diệm sơn mà đứng đầu là Nguyên soái Tiết Cương bị lao đao, vì mất một danh tướng rường cột. Tiết Cương đòi ra trận, Từ Mỹ Tổ không cho:

Lửa tàn đã lạnh hơi lò

Nhà ngã lấy ai làm cột?

Thế chẳng đặng đừng, phải cử một tướng trẻ chưa có kinh nghiệm chiến trường ra quân tiếp chiến với Nguyệt cô. Theo quân sư Từ Mỹ Tổ phân tích:

Tài lưu mà địch với nữ lưu

Phúc tướng cũng hơn trí tướng

Gặp phải một tướng trẻ non tơ, mặt trắng màu phấn hồng liền nhớ đến lời thầy dạy, nàng mê say đắm đuối, bởi vì:

Cái người mần răng mà…

Cất con vát như bông bay lá rụng

Giục vó lừa dường mưa tạt mây tuôn

Tôi nghĩ như tôi chừ

Vào vườn đào (thì) hồn điệp phải điên cuồng

Mà tôi khen cho đó

Gặp tin bướm (sao) phách hoa còn lơ lửng

Đó là những ý nghĩ trong đầu nàng, chứ bên ngoài thì nàng gây sốc với Tiết Giao:

Ớ ông Đường trào công tử! Tôi hỏi đây này…

Danh thùy tánh thậm?

Niên kỷ nhược hà?

Chốn sa trường sao dám dương qua

Hay là

Trong Đường thất đã hết tay cất vát (rồi à?)

 

Tiết Giao trả lời rằng:

Ủa lạ, cha chả… coi nỗi

Trong trận tám (còn) buông lời diễu cợt

Giữa quân ba (sao) không biết thẹn thuồng

Ớ con kia! Mi đã hỏi tên ta thì ta nói cho mà nghe

Ngã Tiết Giao thân đổng binh nhung

Phụng thiên thảo tiểu trừ nghịch tặc (nhà bay đây bay)

 

Thế là cuộc chiến kỳ lạ bắt đầu. Nguyệt cô giả vờ bại, Tiết Giao tất phải đuổi theo tiêu diệt. Nguyệt cô nghoảnh lại cười thầm:

Nực cười mặt xuân xanh

Mà lầm tay má phấn

Nhưng Tiết Giao đang lo làm nhiệm vụ cứu nước của anh ta chứ có thì giờ đâu mà ghẹo gái mà nàng lại trách anh ta:

Trách ai tình khéo vô tình

Gẫm thiếp ý nên hữu ý

Sứ điệp đã lẳng lơ thế ấy

Tin ong còn lạt lẽo nỗi này

Hễ làm người với người ta

Có trải thú mưa mây

Mới biết mùi trăng gió

Cái người làm sao tôi nói không nghe…

Còn hung hăng sức đó

Chẳng đoái chút tình riêng

Nếu mà

Để cho thục nữ lòng phiền

Thời cũng trượng phu sức mệt

 

Tiết Giao tỏ thái độ cực đoan rằng:

Miệng buông lời phong nguyệt

Mặt chẳng biết hổ han

Dẫu líu lo dụ mỗ trăm đàng

Cũng sanh tử với nàng một trận

Đánh cho phai má phấn

Đánh cho lợt môi son

Để chi thói thuần bôn

Để chi loài uế đức

 

Thế là Nguyệt cô nàng nổi giận:

Nghĩ đà nên tức

Nói chẳng biết nghe

Thời đã

Chỉ nước non đây quyết hẹn thề

Răng mà          

Dạ vàng đá đó càng bền chặt

Đó là tại chàng chớ chẳng phải tại thiếp đó nghe! Chi nữa…

Triển ngô diệu thuật

Khán ngã kỳ tài

Nàng phù phép làm cho Tiết Giao tâm hồn bất định:

Dưới ngựa tỉnh mê mê tỉnh

Trong trường không sắc sắc không

Hồn phất phơ dường tới Vu phong

Phách thơ thẩn như qua bích thủy

Cảnh khác miền thành thị

Lại gặp trận võ vân

Chốn sa trường lờ lạt bóng trăng

Nơi cổ miếu lại qua hơi gió

 

Kết quả của phép màu làm cho Tiết Giao không còn sức tự chủ thì Nguyệt cô hành lạc:

Sao còn nằm đó

Mà chẳng đuổi đây?

Coi cái mặt kìa! Chi nữa…

Mặc tình ta mưa gió gió mưa

Dẫu ý thiếp nguyệt hoa hoa nguyệt

(Nguyệt cô ôm Tiết Giao vào lòng hôn hít)

Hết khoe tài oanh liệt

Đã vào cuộc lao lung (thời đã rồi)

Thử thời bất sát, cánh đãi hà thời?

Muốn ra tay (cho) vắn số anh hùng (đó chúc)

Nhưng mà        

Còn nghĩ lại chút tình ân ái (nên ta không nỡ giết)

Chi nữa

Chốn viên môn trở lại

Chỉ cựu lộ huy tiên

Phen này         

Cưu gọi loan, mặc thiếp đảo điên

Cứng với rắn dễ ai tỏ biết (?)

Nhưng mà không đặng, chừ tôi về không mần ri chắc không xong, thời

ta cũng…

Muốn lộn lạo trong trường hư thiệt (lắm chúc)

Nhưng mà e     

Khó phôi pha những tiếng thị phi

Vả tôi đi đánh giặc mà chưa trảm đắc nhất tướng, thối đắc nhất binh,

nữa về, phu quân tôi hỏi thời tương hà vi tín, tôi biết nói sao đây!

Thôi thôi…

Đoạn    

chút tình đành phụ với ai kia

Lấy thủ cấp đặng làm tin cùng đó

(Giơ gươm muốn chém, lại thôi)

Cái người làm răng mà khó giết…cha chả

Đoạn tình đi cũng khó

Đưa gươm xuống chẳng đành

Nhưng mà người ta đã chết rồi, có sống lại được đâu mà lo

Đã ngẩn ngơ một dự tuổi xanh

Khôn gắng gượng ba phân mạng bạc

Thôi, ở lại đó để ta đi về

Như vậy đó, sau khi thỏa mãn công việc hành lạc, thỏa mãn dục vọng của nàng thì nàng tính giết Tiết Giao. Cũng phải ghi nhận chút tình luyến tiếc của nàng, chứ không thì tác giả không lấy gì viết tiếp đoạn sau là nhờ Lý Tịnh tiên ông đến cứu, Tiết Giao sống lại. Tiết Giao lại khiêu chiến làm cho vợ chồng Võ Tam Tư xục rục, rạn nứt. Nguyệt cô lại ra trận tiếp chiến với Tiết Giao. Lần này thì Tiết Giao chủ động đáp ứng đòi hỏi của nàng và nàng bị mất ngọc.

 

Tác giả miêu tả cuộc làm tình:

Nguyệt cô:                   

Đó đã đem lòng ghẹo nguyệt

Đây đâu có dạ ngăn ong

Mặc ý tình lang…

Phân lưu bất cấm thủy tây đông

Tịnh túc hoàn giao oanh thượng hạ

(Hai người ôm nhau… đại loạn….Nguyệt cô thổ ngọc, Tiết Giao giơ tay hứng lấy)

 

Nguyệt cô cất tiếng hát run sợ:

Thất sắc, thất sắc

Kinh hồn, kinh hồn

Trăm lạy tình lang trả lại cho em nào!

Uổng trăm năm thâu góp báu càn khôn

Sẩy một phút tan tành trường phong nguyệt

Đã với đó chiêu phong lộng điệp

Xin thương đây phách quế hồn hoa

Dấu xưa dầu nhuần gót hương khuê

Báu cũ mới nhờ ơn hiệp phố

 

Đoạt ngọc của Nguyệt cô để khôi phục cơ đồ nhà Đường đối với Tiết Giao đó là tính nguyên tắc. Anh ta không thể làm khác được. Nguyệt cô hối hận quá muộn màng, nàng lủi thủi rời khỏi cổ miếu về viên môn trong tâm trạng:

Hơi gió xuân man mác chốn u khuê

Bóng trăng xế mơ màng nơi bạch lãnh

Ôi!       

Gió tỏa phất phơ vườn hạnh

Sương rây lác đác cành dương

Đã phủi rồi son phấn một trường

Đành trở lại nước non ngàn dặm

 

Rồi nàng hát Nam ai, một điệu Nam thống thiết thể hiện sự ân hận quá muộn màng!

Ngàn dặm, thẹn cùng non nước!

Gẫm mơ màng thân trước, thân sau?

 

Câu Nam này tác giả miêu tả tận cùng cái đáy tâm hồn của con người, rằng kiếp trước là con cáo nhờ tu luyện lâu năm mà được làm người, bây giờ đã xảy ra như thế này, rồi từ đây về sau sẽ như thế nào làm sao mà biết được!

Nàng hát tiếp:

Dặm hòe, một bước một đau

Nhìn xem cảnh cũ ra màu dở dang

Ôm lòng hổ với phu lang

Non sông lỗi hẹn cùng chàng từ đây!!

 

Vừa rồi tôi trích dẫn tác phẩm của cụ Tú hơi dài, nhưng là cần thiết, vì có thế mới đủ liều lượng thuyết phục các nhà thơ vì quá thương yêu Nguyệt cô, mà chưa thấy hành động của Nguyệt cô nên vội vàng oán trách Tiết Giao.

 

Người oán trách đầu tiên là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát qua bài “Xem Nguyệt cô hóa cáo”:

Thôi đừng khóc nữa, Nguyệt cô!

Tìm đâu thấy ngọc bây giờ mà mong

Giá em đừng sống hết lòng

Giá đừng yêu, chẳng mơ mòng làm chi

Giá đừng khao khát mỗi khi

Trăng lên soi bóng rừng khuya sum vầy

Thì đâu ngọc mất trắng tay

Thì đâu đến nỗi đắng cay một mình

Trở về kiếp cáo buồn tênh

Tiếng kêu vọng khắp rừng xanh đến giờ

Giật mình vì chuyện người xua

Tiếng kêu như tỉnh như mơ giữa đời

Ước ao được sống kiếp người

Người lừa em – đắng một lời giao duyên

Xé lòng nghe tiếng em than

Tiếng kêu nhân thế vẫn vang vọng về

Nghìn lần xem vẫn đam mê

Trái tim buốt trước câu thề gió trăng

Cấm sao tơ nhện cứ giăng

Một đời dại – vẫn đa mang – một đời.

 

Người oán trách thứ hai là nhà thơ Văn Trọng Hùng qua bài “Cảm tác khi xem Nguyệt cô hóa cáo”:

Bỗng sụp đổ cả dinh cơ thành quách

Đêm giao duyên chết lặng giữa dối lừa

Em hiện lên ngơ ngác bơ phờ

Thân quằn quại, mái tóc mềm rũ rượi

Ôi ánh mắt – nỗi bàng hoàng tức tưởi

Tiết Giao!

Tiết Giao!

Giá thân trước biết lòng kia đen bạc

Thì bây giờ đâu quặn thắt thân sau

Giá lúc trước biết tâm người xem ngọc

Thì bây giờ đâu uất ức niềm đau

Tiết Giao!

Tiết Giao!

Dẫu trung quân trọn đạo

Dẫu hiếu thảo vẹn mười

Từ cáo em thành người

Là NGƯỜI em biết yêu

Vì yêu sao hóa cáo?

Tiếng trống chầu ngưng dạo

Đêm hát Tuồng đã tan

Nguyệt cô ơi phút mơ màng

Ta nghe tiếng khóc của nàng đâu đây

Giật mình – ngọc đã trao tay!

 

Đến người oán trách thứ ba Hoàng Kim Dung qua bài “Xem tuồng Hồ Nguyệt cô” thì sự oán trách càng gay gắt hơn:

Không còn những bức tường sân khấu

Ảo ảnh chập chờn lung linh màu sắc

Tiếng hát như xé vào không gian

Phá tan im lặng vô hình

Đánh thức cả trái đất già nua thuở trước

Những cái đầu cũ mới thời nay

Dẫu có cả ngàn năm tu luyện

Cho em thành một con người

Dẫu có mất cả trăm năm tu luyện

Cho em hơi ấm tình người

Vì muốn được yêu thương say đắm

Nên trao cả niềm đam mê nồng nhiệt

Không đắn đo thánh thiện mối tình

Để được biết trái tim mình rực lửa

Đón giọt sương hồng từ đất thánh nơi anh

Tiết Giao ơi! Em yêu chàng hơn ngàn viên ngọc

Nào ngờ chàng nỡ gạt em

Trả ngọc cho em, xin chàng trả lại

Chỉ một phút mà tan tành mây khói

Lại phải về nhận kiếp hồng hoang

Xem lại tích tuồng thoáng buồn vui giây lát

Đời đau thế khi niềm tin đổ vỡ

Khi trao tay đúng kẻ dối lừa

Muốn yêu thương mà chẳng được yêu

Điều ác độc dẫu không cầm lấy được

Nhưng có ở con người từ ngày ấy hoang sơ

Và hiện lên giữa thanh thiên bạch nhật

Đã lấy cắp một trái tim ứa máu

Làm nên danh vọng uy quyền

Hỡi Tiết Giao! Kỷ nguyên nào còn mất

Một thời lầm lỡ Nguyệt cô ơi!

 

Thân phận Nguyệt cô đáng thương thật, vì cái giá mà nàng phải trả cho sự sai lầm của mình quá đắt. Nhưng vì thương Nguyệt cô mà các bạn lại oán trách Tiết Giao thậm chí như nhà viết kịch Văn Trọng Hùng viết hẳn một vở tuồng lấy tên là Tiết Giao trả ngọc.

Dù sao hiện tượng này cũng cho thấy tác phẩm “Võ Tam Tư trảm Nguyệt cô” của cụ Tú Diêu quả thật lay động được trái tim muôn thuở. Bởi nó đặt ra và giải quyết vấn đề có màu sắc triết học: con người cũng là một động vật, khác với mọi động vật khác ở chỗ nhờ có cái ngọc Người. Nếu ai không coi trọng gìn giữ cái ngọc Người vốn có ấy thì kiếp cáo lại trở về kiếp cáo. Và dĩ nhiên tác dụng của tác phẩm sẽ tồn tại mãi trong đời sống xã hội loài người, trở thành một cẩm nang cho những ai muốn làm người đúng nghĩa. Nó sẽ hết tác dụng khi quả đất này không có loài người.

 

Nhìn vào toàn bộ sự nghiệp sáng tác của thầy trò cụ Tú Diêu tôi thấy có hai nét nổi bật mà những người cùng thế hệ với hai cụ không có được. Đó là:

Đào Tấn đưa chuyện chửa đẻ lên sân khấu làm cho sân khấu thêm linh thiêng.

Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu đưa chuyện làm tình lên sân khấu làm cho sân khấu hát Bội nới rộng không gian, phát huy khả năng biểu hiện nghệ thuật của mình. Theo tác giả, để phơi bày sự sa đọa đến mức tận cùng của con người thì dù là chuyện phòng the cũng cần gì phải giấu diếm? Với thời đại ngày nay thì đó là chuyện thường; với thời đại cụ Tú Diêu thì đó là hiện tượng nghệ thuật đi trước thời đại.

  • VŨ NGỌC LIỄN

(còn tiếp)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (31/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (30/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (29/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (28/05/2011)
Tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện” của Lý gia  (19/01/2011)
Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”  (27/12/2010)
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống  (26/11/2010)
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV   (24/11/2010)
Kỳ 2: Mạnh mẽ “dòng chảy” võ Bình Định  (24/11/2010)
Kỳ 1: Võ Bình Định hay võ cổ truyền Bình Định ?   (22/11/2010)
Kỳ cuối: Gia đình võ học  (21/10/2010)
Sông côn - dòng sông võ học - Kỳ 3: Tầm sư học đạo  (20/10/2010)
Hội “đổ giàn” trong miền ký ức  (18/10/2010)
Sông Côn - dòng sông võ học  (17/10/2010)
Chuông vang xứ người  (11/08/2010)