KỲ CUỐI
Ngoài ba vở tuồng nói trên, cụ Tú Diêu có để lại một số văn thơ khá đặc biệt như thơ cầu tiên, tuồng Chèo Bả Trạo mà dân làng Nhơn Ân đến bây giờ còn truyền tụng. Điều này tìm không ra ở các cây bút khác cùng thời.
Riêng tuồng Chèo Bả Trạo rất có thể do cụ Tú Diêu viết giúp dân làng Nhơn Ân (xã Phước Thuận) lúc ban đầu. Nhưng lâu ngày, dần dần càng về sau càng tam sao thất bản, do dân làng chài sửa văn cụ Tú như cá kho chung với rạm, có đoạn văn hay chen lẫn với nhiều câu ngớ ngẩn, lủng củng, không biết đâu mà lần. Do đó tôi sợ quá không dám đưa vào sách.
Còn thơ cầu tiên thì do học giả Đặng Quý Địch mới sưu tầm, in trong sách “Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định” xuất bản năm 2009, chứ ở sách “Nhân vật Bình Định” của anh in trước kia, cũng có viết về cụ Tú Diêu, nhưng chưa có phần thơ cầu tiên. Gọi là thơ cầu tiên, thực chất là những bài “cầu cơ” bằng văn vần lục bát nhằm nói chuyện với người ở cõi âm, như văn tế cô hồn của Nguyễn Du vậy.
Đặng Quý Địch viết: “Ông (Tú Diêu) đã đặt nhiều bài thỉnh, bài cầu, Hán có Nôm có để dùng cho cơ đàn tại nhà. Tôi sưu tầm được mấy bài, bài nào cũng có giá trị văn chương nên không thể bỏ qua”, còn nguồn của những tài liệu này từ đâu mà khẳng định là của cụ Tú Diêu thì không thấy nói.
Đến phần tôi, tôi cũng “không thể bỏ qua” vì đã có người nói là của cụ Tú Diêu, mà tôi thì không có chứng cứ để đồng tình hay bác bỏ.
Trong số thơ đích thực còn lại của cụ Tú có hai bài “Chán đời”, hai bài “An phận” và một bài “Con muỗi”. Đáng chú ý nhất là bài “Hàn sĩ vịnh” dài đến 90 câu, viết theo thể phú.
Chúng ta hãy nghe một đoạn của bài phú này:
“Liếc mắt thấy thế tình đa điên đảo
Lóng tai nghe thời sự hóa dở dang
Đương lúc thương, yêu dấu như vàng, những cô bác, những anh
em đều trân trọng con nhà Hàn, Mặc
Đến khi ghét, phui pha hình sắc, nào xóm làng, nào bầu bạn,
xúm chê bai cái đạo tư văn
Lòng cực lòng khó nỗi cắn răng
Phận hổ phận khôn bề mở miệng
Trách là trách vận thời ôi khéo khiến
Buồn là buồn căn số hỡi sao vầy
Đã thẹn thuồng không bằng loại cỏ cây
Thêm tủi hổ khác gì thân bèo bọt…”
Rồi cụ Tú đi đến kết luận:
“Lưới trời giăng lộng lộng trước sau, tuy thưa thớt mảy lông không lọt
Mắt thần ngó ngời ngời như chớp, thiệt rạng soi nhà tối không lầm
Có chữ rằng “lợi trọng hại thâm”, khuyên ai chớ bần sơ phú hậu
Cơ báo ứng lẽ trời còn giấu, mới hản rằng họa phúc vô môn
Cuộc dinh hư dưới thế khôn phân, quả thiệt lúc thời lai vị đáo
Lời ngạn ngữ đặt chơi lếu láo, soi lòng nho gặp lúc thừa nhàn
Dẫu dở hay mặc ý sửa sang, chữ thô lậu dám đâu tự đắc.”
Quả thật, những lời khuyên chí tình của cụ Tú Diêu không chỉ đối với các hàn sĩ làng nho lúc ấy mà mãi đến các tầng lớp người trong cuộc sống bây giờ và mai sau vẫn có thể soi chung. Vì rằng đây là cẩm nang xử thế không bao giờ lỗi thời.
7.
Chúng ta có thể hình dung suốt cuộc đời của cụ Tú Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu:
- Lấy việc dạy học trò làm niềm vui và lẽ sống.
- Lấy bà con hàng xóm làm nguồn an ủi.
- Lấy tao nhân mặc khách quanh vùng làm bầu bạn.
- Lấy văn chương làm phép lạ, và phần nào để giải tỏa mặc cảm tội lỗi trong tâm hồn.
Nhìn chung ông sống trong lòng dân, giữa đời thường và “Liếc mắt thấy thế tình đa điên đảo”.
Nếu đề tài về quốc gia dân tộc chiếm vị trí chủ đạo trong sự nghiệp văn chương của cụ Đào Tấn thì đề tài về chung quanh đạo làm người chiếm vị trí chủ đạo trong sự nghiệp văn chương của Quỳnh Phủ tiên sinh, nghĩa là ông chăm lo chữa chạy các bệnh thái xã hội của người đời, và điều này thấm đẫm phẩm chất văn chương của một nhà giáo dục. Ấy là ông đồ nghệ sĩ.
Tháng cuối xuân Tân Mão (2011)
|