Một biểu tượng về cái tâm, cái tài của kẻ sĩ
11:38', 6/6/ 2011 (GMT+7)

Lê Đại Cang là một vị nho tướng, từng cầm binh dẹp loạn Chân Lạp, đánh đuổi quân xâm lược Xiêm La. Hơn 40 năm làm quan, 14 lần thăng quan, hai lần giáng chức, một lần kết án “trảm giam hậu”. Khi là Thượng Thư Bộ Binh kiêm Hữu Đô Ngự Sử, lúc  là “đoái tì binh dõng tiền quân hiệu lực”, khi là phạm nhân bị hạ ngục chờ chém. Dù trong hoàn cảnh nào, Lê Đại Cang vẫn “ngạo nghễ” trên đỉnh cao tài năng, bản lĩnh và nhân cách.

 

Một trong 4 đạo sắc phong do vua Thiệu Trị ban cho Lê Đại Cang.

 

Một kẻ sĩ giỏi cả văn lẫn võ

Thủy tổ Lê Đại Cang là Lê Công Triều, làm quan dưới triều Lê, sau theo chúa Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở huyện Bồng Sơn. Lê Đại Cang là cháu 6 đời của Lê Công Triều. Ông sinh năm 1772 tại làng Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn (nay là thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Cha tên húy là Tử Hậu, vốn dòng dõi thế tập  chết được tặng Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ phẩm tùng tứ (4-2). Mẹ Nguyễn Thị Quản chết được tặng cung nhân. Bác tên húy là Tử Mẫn, làm chức Nội tán Viện thị thơ dưới đời chúa Nguyễn. Chú tên húy là Tử Miễn (Công Miễn), làm chức Thượng thư Bộ Hình triều Tây Sơn.

Thân thế sự nghiệp Lê Đại Cang được nhiều sách sử ghi lại như: Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam Nhất thống chí, Danh nhân Bình Định, Nhân vật Bình Định,… Lê Đại Cang không những nổi tiếng về văn chương mà còn giỏi cả võ nghệ.

Theo bài tự dẫn trong Lê thị gia phả do ông biên soạn năm 1826 “…Nhà ta đời đời theo nghiệp nho…ở nhà được cha dạy Kinh thi Kinh lễ…Năm 16 tuổi theo học quan Thị giảng họ Nguyễn (tức Nguyễn Tử Nghiễm, Thị giảng triều Tây Sơn, là cha của Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn là Nguyễn Tử Diệu). Sau đó học tiên sinh thọ Đặng (tức Đặng Đức Siêu, Thượng thư Bộ lễ triều Nguyễn). Năm 21 tuổi (1792), lại gặp chiến tranh, khó bắt chước được chí hướng của tổ tiên. Bấy giờ chỉ biết nhờ thầy mà ôn tập, bắt chước thầy mà dùng lưỡi thay cày…”.

Trong suốt 10 năm vừa ôn luyện văn chương (1792-1802), vừa dạy học, ông vừa học võ, và đặc biệt ông còn âm thầm nghiên cứu binh pháp. Vốn có sức mạnh bẩm sinh nên các loại côn đao ông đều sử dụng nhuần nhuyễn. Vũ khí thường dùng của ông là thanh đại đao.

Thăng trầm đường quan chức, binh nghiệp

Năm Gia Long thứ nhất (1802), được trấn thần Bình Định là Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử, ông dự tuyển và được triều đình bổ nhiệm làm tri huyện Tuy Viễn. Sau đó, ông giữ chức vụ: Kiểm sự Bộ Binh (1810). Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) ông làm Hiệp Trấn Sơn Tây, Cai bộ Quảng Nam, Cai bộ Vĩnh Long, Tham tri Bộ Hình (1929), Quản lý bờ đê Bắc Thành (1831), Thượng thư Bộ Binh kiêm Hữu Đô Ngự sử (1832), Tổng đốc 3 tỉnh Sơn Hưng Tuyên kiêm lãnh Hà Nội, Ninh Bình tổng đốc sự vụ, Tổng đốc hai tỉnh An Giang – Hà Tiên kiêm lãnh trách vụ bảo hộ Chân Lạp (1833).

Tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), vụ binh biến Lê Văn Khôi, tỉnh thành An Giang thất thủ, ông bị cách chức xuống làm “đoái tì binh dõng tiền quân hiệu lực”, ra trận phải đi trước lập công chuộc tội. Ông phải xông pha nơi đầu tên mũi đạn cùng với viện binh triều đình tái chiếm được các tỉnh đã mất. Nhờ công trạng này ông được khôi phục chức Viên ngoại lang lãnh Án Sát sứ An Giang.

Cuối năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), nhân có lời cầu của Lê Văn Khôi, vua Xiêm sai quân thủy bộ chia làm 5 đạo nhất loạt tiến đánh Hà Tiên, Nam Vang, Cam Lộ, Cam Cát và Trấn Ninh. Tuy chia 5 đạo nhưng chủ đích Xiêm là đánh Chân Lạp và Nam Kỳ. Minh Mệnh cấp tốc điều động các tướng chỉ huy bảo vệ cả 5 mặt trận, Lê Đại Cang được giao nhiệm vụ đem bộ binh noi theo đường Quan Hóa tiếp cứu Nam Vang, một mặt trận then chốt.

Ông vừa đến Chân Lạp thì quân Xiêm đã chiếm Nam Vang, Quốc Vương xứ này Nặc ông Chân bỏ kinh thành mà chạy. Ông thu thập quân Miên và mộ quân nghĩa dũng bản xứ hợp cùng quân bản bộ tấn công quân Xiêm. Liên quân đánh thắng nhiều trận, sau ông đem quân chặn đường tiếp tế của giặc, nhằm cô lập thành Nam Vang. Thừa thắng từ mặt trận Hà Tiên, tướng Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân tiến binh qua Chân Lạp phối hợp cùng quân của Lê Đại Cang tấn công giặc, tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri thất trận phải bỏ Nam Vang dẫn tàn quân chạy về nước.

Ông cùng hai tướng Trương, Nguyễn hợp binh truy kích giặc, chiếm giữ những nơi trọng yếu, lập đồn phòng ngự. Nhờ chiến công này ông được thăng Tuần Phủ An Giang – Hà Tiên nhưng phải ở lại Nam Vang.

Năm sau, Minh Mệnh thứ 15 (1834), quan quân đưa vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân về nước. Cuối năm này, Nặc Ông Chân mất, không con trai nối ngôi, vua Minh Mệnh phong người con gái là Angmey làm Quận chúa, gọi là Ngọc Vân Quận Chúa. Vua đổi nước này gọi là Trấn Tây Thành, cho Trương Minh Giảng làm chức Tướng quân và Lê Đại Cang làm Trấn tây Tham tán Đại thần cùng lo việc trấn thủ. Năm ấy ông đã 63 tuổi, lấy cớ già yếu dâng xớ xin từ quan  nhưng vua Minh Mệnh không cho, châu phê rằng “lão đương ích tráng” (già mà còn mạnh) lưu ông tại chức.

Sau đó, ông được đưa về làm Tuần phủ An Giang, còn việc bảo hộ Cao Miên được giao cho Trương Minh Giảng. Năm 1840, dân bản xứ nổi lên chống lại quan binh khắp nơi, quân Việt Nam phải rút về An Giang. Trương Minh Giảng tâu về triều đổ lỗi cho Lê Đại Cang. Tội “qui vu trưởng”, một lần nữa ông bị cách chức, phải đến phục vụ tại quân thứ Hải Đông ở đạo Trà Gi với tư cách lính trơn. Trên đường đi đến nhiệm sở mới, ông phải làm quân cáng võng.

Khi tới Trà Gi, ông thấy quân thứ tổ chức còn luộm thuộm, nên đã đích thân chỉnh đốn hàng ngũ, xếp đặt biền binh cho có qui củ. Việc tới tai Trương Minh Giảng, bấy giờ thay ông làm Tham tán Đại thần, Trương Minh Giảng bèn dâng sớ hạch ông về tội lạm quyền. Vua Minh Mệnh kết án ông như sau: “ Đại Cang là kẻ bị cách chức phải sung tiền quân hiệu lực mà hành động như một viên đại tướng, không sợ phép nước, chẳng kiêng công luận, đáng làm án trảm giam hậu (giam lại, chờ sau sẽ chém)”. Ông bị giải về kinh rồi hạ ngục.

Năm 1840, vua Minh Mệnh băng hà; năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi. Bấy giờ nhân lễ giao bang với nhà Thanh, ông là lão thần duy nhất của triều đình thông hiểu thể lệ nên được tân quân xá tội, cho phục hàm Điển bộ lo việc bang giao; tháng 4 năm 1841, được thăng Phụng nghị Đại phu Viên ngoại lang; tháng 7 năm 1841, thăng Trung thuận Đại phu Lang trung; tháng 12 năm 1841, thăng Tổng đốc Bố chánh sứ tỉnh Hà Nội, Hà Đông. Bấy giờ ông đã 70 tuổi, tự coi đã trả xong món nợ làm trai nên không tựu chức mà một mực xin về hưu. Vua cố ép, ông cố từ, mãi đến năm Thiệu Trị thứ 3, ông 72 tuổi  mới được vua chuẩn y hưu trí.

Một nỗi niềm với bản quán

Từ ấy, áo trắng về vườn, ông thật sự thoát vòng cương tỏa. Trong buổi xế chiều của cuộc đời, ông vẫn còn trăn trở với quê hương, vận động sáng lập Văn chỉ Trung Tín (Văn chỉ Tuy Phước, hiện nay vẫn còn). Sau đó, lập Giác Am làm nơi tu tâm dưỡng tánh (ngày nay là Chùa Bảo Thọ), lấy hiệu là Giác Am cư sĩ. Ông từ trần năm Kỷ Dậu (1849) tại Giác Am, thọ 78 tuổi. Về văn nghiệp, ông có soạn các sách: Nam Hành thi tập, Tục Nam hành thi tập, Tỉnh ngu thi tập, Hành dư.

Cuộc đời Lê Đại Cang là những chìm nổi trong bể hoạn mênh mang, là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích chiến công trong quân sự, kinh tế, ngoại giao. Kinh qua các chức vụ: Thượng thư, Tổng đốc, Tham tán, Đại thần; hai phen đốc xuất và quản lý bang giao với nhà Thanh; ba lần bảo hộ Phiên quốc Cao Miên. Nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt cách chức, hai lần giáng làm “tiền quân hiệu lực”, một lần kết án hạ ngục “trảm giam hậu”.

Hiện nay, dòng họ còn giữ 4 đạo sắc phong do vua Thiệu Trị ban cho ông cuối cuộc đời làm quan. Cả bốn đạo sắc lần lượt ban hành trong một năm (1841), trong đó có hai đạo ban trong một ngày: Thăng ông từ Tư vụ chánh thất phẩm (7-1) lên Viên ngoại lang chánh ngũ phẩm (5-1). Ba tháng sau ban sắc cho thực thụ Lang trung chánh tứ phẩm (4-1). Năm tháng sau ban sắc cho lãnh chức Bố chánh sứ chánh tam phẩm (3-1). Từ tháng tư đến tháng chạp (1841), trong vòng 8 tháng, thăng đến bốn phẩm lãnh – hàm chánh tam. Điều đó chứng tỏ rằng không chỉ vì Vua Thiệu Trị ưu ái mà vì ông có tài đức thực sự và Triều đình lúc bấy giờ rất cần ông. Cái tài của ông từng được vua Minh Mệnh xác nhận: “Người làm việc nhanh, giỏi – Trẫm đã chọn biết” (Liệt truyện, truyện Lê Đại Cang).

Xuất thân gia đình khoa bảng, ưu thế rất lớn của Lê Đại Cang là văn võ song toàn. Ông có khả năng bao quát đại cục, tường tận tình thế, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành chức phận của mình. Là một vị quan, ông giữ đúng “thanh, cần, thận, trực”, là một con người ông có đủ trung dũng, trí tín. Hơn 40 năm làm quan, lúc thăng, lúc giáng, nhưng Lê Đại Cang luôn là một trung thần, là con dân của đất Việt, mang hết trí lực phục vụ tổ quốc; khi bị cách chức làm “tiền quân” hoặc bị kết án “trảm giam hậu” ông vẫn kiên trì bày tỏ tài năng và lòng trung nghĩa và rồi lại vươn lên.

Cuộc đời Lê Đại Cang là một biểu tượng về cái tài, cái tâm của kẻ sĩ, một cuộc đời mà biết bao người xưa nay phải khao khát, ngưỡng mộ. Những giá trị từ di sản và bài học lịch sử về thời kỳ Lê Đại Cang cũng như cuộc đơi ông chứa đựng rất nhiều ý nghĩa cho hành trình đổi mới của xã hội, đất nước và con người Việt Nam hôm nay.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (03/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ   (02/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (31/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (30/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (29/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (28/05/2011)
Tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện” của Lý gia  (19/01/2011)
Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”  (27/12/2010)
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống  (26/11/2010)
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV   (24/11/2010)
Kỳ 2: Mạnh mẽ “dòng chảy” võ Bình Định  (24/11/2010)
Kỳ 1: Võ Bình Định hay võ cổ truyền Bình Định ?   (22/11/2010)
Kỳ cuối: Gia đình võ học  (21/10/2010)
Sông côn - dòng sông võ học - Kỳ 3: Tầm sư học đạo  (20/10/2010)
Hội “đổ giàn” trong miền ký ức  (18/10/2010)