Lộc Xuyên Đặng Quý Địch – một học giả “bình dân”
14:29', 9/6/ 2011 (GMT+7)

Hơn 35 năm qua, vừa tự học, vừa nghiên cứu, ông đã xuất bản được 17 công trình nghiên cứu, sáng tác. Ông là Lộc Xuyên Đặng Quý Địch - một học giả “bình dân”.

Lộc Xuyên Đặng Quý Địch quê ở thôn Lộc Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Năm 1963, tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn và làm thầy giáo hơn 10 năm. Sau năm 1975, ông nghỉ dạy học, về quê vợ ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn vừa làm ruộng, vừa làm xã viên HTX sản xuất gạch ngói, vừa âm thầm tự học Hán Nôm làm nguồn vui. Đặng Quý Địch tự biến mình thành một kẻ sĩ tại gia, âm thầm giao cho mình nhiệm vụ biên khảo, biên dịch, chú giải, dịch thơ…đặc biệt là nghiên cứu những thư tịch hán Nôm có  yếu tố Bình Định.

 

Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch.
 

Từ ngày ấy đến nay – hơn 35 năm đã trôi qua, thời gian ruổi mau nhưng niềm đam mê, nhiệt huyết với di sản văn hóa quê hương chưa bao giờ nguôi, thậm chí mỗi ngày mỗi thêm hừng hực. Có lẽ người đã tạo nguồn cảm hứng, trao đổi, luận bàn trong quá trình tự học Hán Nôm của Lộc Xuyên là nho sinh cuối cùng của Bình Định - cụ Nguyễn Hoài Văn (huyện Tây Sơn). Chính Nguyễn Hoài Văn đã cho Lộc Xuyên mượn quyển Ấu học Cố sự Quỳnh Lâm để tự học và còn nhắn nhủ: “Tôi học sách này từ năm 14 tuổi, nay 80 tuổi rồi mà vẫn thấy còn phải học ở đó nhiều điều, còn thấy lắm điều chưa hiểu thấu.Gọi là “ấu học” nhưng thật ra là “lão học” đấy! Chớ cho là sách trẻ con mà coi thường!”.

“Ấu học Cố sự Quỳnh Lâm” nói như Lộc Xuyên như là một bộ “Bách khoa thư”, tập sách khá đồ sộ bao quát nhiều mặt về văn hóa xưa và nay. Hơn 10 năm kiên trì, miệt mài vừa học vừa dịch sách, dịch để tự học, đến năm 1996, Lộc Xuyên – Đặng Quý Địch dịch xong quyển Ấu học Cố sự Quỳnh Lâm, gồm 4 tập với đề tựa Cố sự Quỳnh Lâm.

Năm 1998, nhà xuất bản Thanh Hóa nhận in cuốn Cố sự Quỳnh Lâm và cuốn Đào Duy Từ Khảo biện. Sau nhiều năm làm “Kẻ sĩ tại gia” với cơm nhà áo vợ, miệt mài âm thầm biên khảo, biên dịch, tìm niềm vui trong chữ nghĩa, không thù lao, không nhuận bút và được mệnh danh là ông “bàn-bếp”, vì vợ con lo bươn chải mưu sinh bên ngoài, việc bếp núc thuộc về trách nhiệm của ông, xong việc ông lại ngồi vào bàn làm bạn cùng giấy bút sách vở, đây là một bước ngoặc quan trọng quyết định sự nghiệp nghiên cứu của ông.

Việc xuất bản 2 tập sách Cố sự Quỳnh LâmĐào Duy Từ Khảo biện hiệu quả kinh tế và hiệu quả tinh thần tỷ lệ nghịch. Nhuận bút ít ỏi lại được trả bằng sách. Và sách chủ yếu dùng để biếu tặng bằng hữu. Nhưng những cuốn sách mới chào đời đã làm cho một Lộc Xuyên tuổi lục tuần trẻ ra và đầy tráng kiện. Ông đột nhiên khỏe hẳn ra, đủ sức đạp xe đi điền dã, tìm kiếm tư liệu khắp các nẻo làng quê Bình Định. Và sau đó, hàng loạt tác phẩm của ông ra đời, lần này do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành.

 

Một số công trình nghiên cứu của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch đã được xuất bản.
 

Năm 2000, ông xuất bản tập Vân Sơn bán mộng – dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Hoài Văn - nhà Hán học Bình Định cuối cùng. Năm 2003, ông in liền 3 tác phẩm: Tiếng lòng – Thơ sáng tác và phiên dịch; Tang sự trích biên – Dịch di cảo của hậu tổ tuồng, nhà văn hóa Đào Tấn; Đào Phan Duân, lý lịch và tác phẩm. Năm 2004, xuất bản Trần Đức Hòa tư liệu – phiên dịch, giới thiệu các đạo sắc phong Trần Đức Hòa và người thân có niên đại xưa nhất Bình Định, trên dưới 400 năm; Mai Viên cố sự - Chuyện cũ Đào Tấn.

GS. Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam

“Ông Đặng Quý Địch đã phục hồi và giới thiệu cho chúng ta một khối lượng tư liệu lớn và qúi giá về truyền thống văn hóa đặc sắc của mảnh đất Bình Định vốn được xem là vùng đất Võ trời Văn. Ông đã âm thầm, kiên nhẫn thực hiện bằng công sức của riêng mình và tiền của gia đình, cùng với sự hỗ trợ phần nào của các vị mạnh thường quân và các nhà xuất bản. Cái công và cái tâm của ông đối với quê hương thật lớn, rất nên được ghi nhận xứng đáng…”

Bẵng đi một dạo, đến năm 2007, ông lại cho ra tập Song Trung Miếu và thơ ca xướng họa. Năm 2008, tái bản Nhân vật Bình Định lần thứ 3 và in tiếp 3 tập: Hương Sơn cố sự - Chuyện cũ vùng núi Thơm; Bình Định Hán Văn Trích Diễm – Tuyển tập văn xuôi chữ Hán của các tác giả trong tỉnh và ngoài tỉnh viết về đất nước và con người Bình Định; Văn tế ở Bình Định – Tuyển tập Văn tế chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ của tác giả Bình Định và Khoa nghi Phật giáo (có tính chất và công dụng như văn tế). Loạt sách này khiến các nhà nghiên cứu cũng như những người hâm mộ văn hóa Bình Định hết sức phấn khởi do giá trị cao và phong phú của các công trình.

Năm 2009, in Chuyện cũ Kẻ sĩ Bình Định - Biên khảo cuộc đời sự nghiệp, tác phẩm các sĩ phu Bình Định; tạp bút Chuyện đời nay. Đầu năm 2011, in tập Chuyện cũ nhà sư Bình Định. Một loạt sách được xuất bản như thế, nhưng hiện nay, Lộc Xuyên – Đặng Quý Địch còn hơn 10 đầu sách đã biên soạn xong nhưng chưa xuất bản vì ...thiếu tiền.

Một học giả “Bình dân”, với vốn Hán Nôm tự học, làm kẻ sĩ tại gia, âm thầm biên khảo, dịch thuật, trong 13 năm (1998-2011) đã xuất bản 16 đầu sách, và còn hơn 10 đầu sách đã soạn xong chưa in, là một thành quả lao động đáng kinh ngạc.

Bình Định – vùng đất trầm tích nhiều nền văn hóa xuyên suốt qua các thời đại, nơi mệnh danh đất võ, trời văn rất cần những nhà nghiên cứu, biên khảo, biên dịch và Lộc Xuyên – Đặng Quý Địch như một đô vật lão thành đầy cường kiện trên sàn đấu chữ nghĩa.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một biểu tượng về cái tâm, cái tài của kẻ sĩ  (06/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (03/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ   (02/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (31/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (30/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (29/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (28/05/2011)
Tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện” của Lý gia  (19/01/2011)
Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”  (27/12/2010)
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống  (26/11/2010)
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV   (24/11/2010)
Kỳ 2: Mạnh mẽ “dòng chảy” võ Bình Định  (24/11/2010)
Kỳ 1: Võ Bình Định hay võ cổ truyền Bình Định ?   (22/11/2010)
Kỳ cuối: Gia đình võ học  (21/10/2010)
Sông côn - dòng sông võ học - Kỳ 3: Tầm sư học đạo  (20/10/2010)