Những "người đàn bà vàng" võ thuật:
Vượt lên số phận hóa vàng
15:37', 19/7/ 2012 (GMT+7)

Bình Định được coi là cái nôi của nền võ học cổ truyền Việt Nam. Bởi ngoài rất nhiều đấng mày râu thành danh trong làng võ, còn có không ít nữ nhi đã lập nên kỳ tích phi thường, góp phần phát triển nền võ học cổ truyền không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.

 

Võ sư Hồ Hoa Huệ tại buổi tập với môn sinh

 

Vượt lên số phận hóa vàng

Xuất thân là cô bé bị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc còn thơ dại, lớn lên phải đi tha phương cầu thực ở đất khách quê người. Thế nhưng cô bé mồ côi đã vượt lên số phận, đeo đuổi võ thuật để bây giờ trở thành “người đàn bà vàng” của nền võ học cổ truyền Việt Nam. Đó là võ sư Hồ Hoa Huệ.

Phận nghèo không ngăn được đam mê

Sinh ra trên đất Nam bộ (Tiền Giang) với tên cúng cơm là Nguyễn Thị Kim Xoa (1944). Cha của Xoa là du kích quân trong chiến tranh chống Pháp. Thật không may, người chiến sỹ du kích ấy đã hy sinh ngay từ những tiếng súng kháng chiến đầu tiên của quân và dân Nam bộ, năm 1946. Năm ấy, cô bé Xoa chỉ mới vừa tròn 2 tuổi. Cha mất, gia đình ly tán, cô bé Xoa theo ông nội về sinh sống tại quê nội tại làng An Khê (Tây Sơn, Bình Định).

“Sau những nỗ lực cống hiến nhiệt thành cho võ cổ truyền và sự thành công trong võ nghiệp, vào năm 2000, vị nữ trưởng môn Tinh võ đạo Việt Nam - Hồ Hoa Huệ được Tạp chí võ thuật Pháp bầu chọn là “Người đàn bà vàng”.

Sống trên đất võ, mảnh đất được người xưa ca rằng: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”, lên 5 tuổi, cô bé Xoa được ông nội truyền dạy cho những đường quyền cơ bản đầu tiên trong kho tàng quyền thuật mênh mông của đất võ Tây Sơn huyền thoại. “Khi ấy, tôi chưa thể hình dung như thế nào là võ thuật, chỉ học để quên đi những bất hạnh đời mình, và cũng là để ông nội vui lòng”, võ sư Huệ nhớ lại.

Những tưởng ông cháu bé Xoa sẽ có được cuộc sống êm đềm nơi quê nhà, Xoa sẽ được lớn lên trên mảnh đất đầy hào khí Quang Trung. Thế nhưng bất hạnh lại ập đến, ông nội bỏ bé Xoa ra đi vĩnh viễn khi cô mới chỉ hơn 10 tuổi. Để kiếm kế mưu sinh, cô bé Xoa khăn gói lên tận Tây Nguyên, dừng chân lại vùng đất Kon Tum làm nghề trông trẻ, kiếm cơm qua ngày. Trong cuộc sống tứ cố vô thân, cô bé Xoa gặp được người đồng hương Tây Sơn cũng đang tha phương cầu thực tại Kon Tum bằng nghề dạy võ. Biết được nguồn gốc của cô bé mồ côi, võ sư Phạm Đồng nhận bé Xoa làm con nuôi và truyền thụ võ nghệ. Ngày qua ngày, 2 mảnh đời tha phương cầu thực sống nương tựa vào nhau, lấy võ thuật làm vui và niềm an ủi nơi đất khách quê người.

Cuộc sống yên lành của cô bé Xoa ở Kon Tum kéo dài chẳng bao lâu, sau đó vài năm cô lại khăn gói theo mẹ về Mỹ Tho (Tiền Giang) sinh sống. Thế nhưng cứ như bị cuộc đời liên tục rượt đuổi, chẳng bao lâu sau Xoa lại lưu lạc lên Sài Gòn mà không 1 nơi cư trú ổn định. Cuộc sống của bé Xoa liên tục dịch chuyển hết khắp các quận nội thành. Trong cuộc mưu sinh giữa chốn đô thành đầy dẫy cám dỗ nhưng cô bé Xoa không đánh mất mình, vẫn kiên định với niềm đam mê võ thuật. Cuối cùng, Xoa cũng “trụ” được tại chợ Cầu Muối và tại đây, cô bé mê võ gặp được trưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà, một người nức tiếng trong làng võ Sài Gòn lúc bấy giờ, võ sư Hồ Văn Lành.

Qua sự truyền dạy tận tâm của thầy Lành, cùng với tinh thần khổ luyện nghiêm túc, những bài võ cổ truyền như ngấm dần vào cơ thể của môn sinh Hồ Hoa Huệ. Năm 17 tuổi, Hồ Hoa Huệ được sư phụ cho lên sàn đấu lần đầu. Sang năm sau, Hồ Hoa Huệ nhận lời thách đấu của nữ võ sĩ Bích Liên, nữ võ sĩ tiếng tăm trong làng võ cổ truyền lúc bấy giờ. Chỉ trong phút đầu tiên của hiệp đấu thứ nhất, Hồ Hoa Huệ đã hạ nốc ao võ sĩ Bích Liên bằng một đòn chỏ.

Chính sự truân chuyên ngay từ đầu đời đã cho võ sư Hồ Hoa Huệ niềm hạnh phúc lớn, đó là được thọ giáo nhiều bậc thầy danh tiếng của nhiều môn phái, hệ phái khác nhau. Từ đó, hình thành nên nét riêng cho cái vốn võ thuật trong người bà, vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ, vừa cổ vừa kim, ứng dụng vào thi đấu hiệu quả rất cao. Trước năm 1975, Hồ Hoa Huệ từng giành được nhiều chiến thắng tại các giải đấu. Năm 1985, võ sư Hồ Hoa Huệ thành lập môn phái Tinh võ đạo tại Sài Gòn. Ngôi nhà riêng ở đường Lâm Văn Bến, phường Tân Thuận Tây, quận 7 (TP HCM) giờ đã thành võ đường Tinh Võ Đạo. Từ năm 1996-1999, võ sư Hồ Hoa Huệ liên tục đoạt ngôi vô địch kỹ thuật võ cổ truyền toàn quốc. 

 

Võ sư Hồ Hoa Huệ tại Liên hoan võ Quốc tế lần thứ 1 (người phụ nữ cầm cờ vàng)

 

Đưa võ học Việt Nam sang trời Tây

Sự kiện nữ võ sư Hồ Hoa Huệ liên tiếp nắm giữ huy chương vàng võ cổ truyền Việt Nam đã gây sự chú ý của làng võ không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Mùa thu năm 1998 và mùa hè năm 2000, nhận lời mời đích danh của Hiệp hội quốc tế võ đạo Việt Nam tại châu Âu và Ma Rốc, nữ võ sư Hồ Hoa Huệ khăn gói lên đường.

Đặc biệt, nhân lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức tại Paris tháng 11 năm 1998, tất cả những người tham dự đều rất xúc động khi giáo sư Trần Văn Khê, một học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam truyền thống, đã ôm choàng lấy Hồ Hoa Huệ sau khi bà kết thúc bài biểu diễn có tên Đại đao Lý Thường Kiệt. Sau đó, giáo sư đã đọc bài thơ "Nam quốc sơn hà" dành tặng cho nữ võ sư và đông đảo khán giả.

Trong một tháng rưỡi có mặt ở Paris, nữ võ sư Hồ Hoa Huệ đã từng nhiều lần trình diễn và hướng dẫn các võ sinh tại một số trường dạy võ thuộc Hiệp hội quốc tế võ đạo Việt Nam và Hội võ Kempo. Tại Nice, một thành phố biển lộng lẫy của nước Pháp, sau khi bà xuất hiện thì Trần Hoài Ngọc, trưởng môn phái Cửu Long võ đạo đã bái tổ dâng luôn kiếm lệnh của môn phái mà ông đã gây dựng trước đó 18 năm cho bà điều hành.

Rời khỏi Pháp, bà lại trở thành đại sứ của võ cổ truyền dân tộc Việt Nam mang thông điệp và tâm nguyện chấn hưng võ thuật dân tộc tới cộng đồng người Việt ở Bỉ, Italia, Hà Lan, Đức và hầu hết các tỉnh thành của Ma Rốc. Với ý nguyện lớn, nữ võ sư Hồ Hoa Huệ đã phát triển võ thuật Việt Nam ra thế giới bằng cách tạo điều kiện tốt cho các võ sư truyền bá môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam, tổ chức được các Festival võ thuật thu hút các võ sư nước ngoài đến Việt Nam nhằm giao lưu giữa các môn võ của các dân tộc trên thế giới và Việt Nam. Ngoài ra, nữ võ sư Hồ Hoa Huệ đã từng nhiều lần lưu diễn và giảng dạy tại nước ngoài, mang võ Việt Nam "xuất khẩu” qua 15 nước châu Âu và châu Phi.

. Theo Nông nghiệp Việt Nam

(còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giỗ tổ võ đường Lê Xuân Cảnh  (06/07/2012)
Trò chuyện với người níu hồn Võ Việt  (29/06/2012)
Hiến tặng 10 sắc phong quí giá  (24/07/2011)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch – một học giả “bình dân”  (09/06/2011)
Một biểu tượng về cái tâm, cái tài của kẻ sĩ  (06/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (03/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ   (02/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (31/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (30/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (29/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (28/05/2011)
Tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện” của Lý gia  (19/01/2011)
Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”  (27/12/2010)
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống  (26/11/2010)
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV   (24/11/2010)