Những "người đàn bà vàng" võ thuật:
Truyền nhân Song Phượng kiếm
13:24', 20/7/ 2012 (GMT+7)

Sự tận hiến cả đời cho võ thuật cổ truyền Việt Nam của võ sư Hồ Hoa Huệ như tấm gương sáng cho nhiều nhi nữ ở miền đất Võ Bình Định noi theo. Trong số ấy, có nữ võ sĩ Trần Thị Trà Huy, truyền nhân bài kiếm Song Phượng của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

 

Trần Thị Trà Huy đang biểu diễn võ thuật.

 

Học võ vì... ốm quá

Nữ võ sĩ Trần Thị Trà Huy (SN 1989) quê ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Cơ duyên khiến Trà Huy bước vào nghiệp võ như sau: "Năm cháu 12 tuổi, mẹ thấy cháu ốm yếu quá nên quyết định gửi em vào ngôi chùa Long Phước nhằm học chút ít võ nghệ, chủ yếu để cho khỏe người. Vào đây, cháu được sư phụ Võ Văn Tình dạy cho mấy bài võ cổ truyền. Lúc đầu cháu háo hức thật, nhưng chỉ qua mấy buổi học đầu đã thấy nhụt chí. Bởi môn sinh ở đây chỉ toàn là nam, chỉ mình cháu là nữ, lại còn quá “tí hon” nên xấu hổ, muốn rút lui. Khi ấy, nhờ sư phụ động viên, dẫn gương phấn đấu của võ sư Hồ Hoa Huệ nên cháu bặm gan bám trụ đi theo nghề võ đến tận bây giờ".

Điều làm cho sư phụ và các sư huynh của lớp võ tại chùa Long Phước ngạc nhiên là ẩn bên trong cái dáng dấp “liễu yếu đào tơ” của Huy là đầy ắp tố chất của con nhà võ. Được sự huấn luyện nhiệt tình của sư phụ Võ Văn Tình, chỉ trong vòng mấy tháng, Huy tiến bộ thấy rõ. Huy nhanh chóng tạo được niềm tin trong mắt của những bậc cao niên trong làng võ huyện Tuy Phước và trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất được chọn vào Đội tuyển võ cổ truyền của huyện đi tham dự giải võ cổ truyền toàn tỉnh Bình Định năm 2002.

Tại giải này, Trà Huy đã đem về cho đoàn chiếc HCĐ ở nội dung biểu diễn. Đạt thành tích ngay lần đầu thi đấu đã củng cố trong Huy niềm tin, và tạo động lực cho Huy có suy nghĩ chín chắn hơn về con đường võ nghiệp. Một năm sau (năm 2003), bước ngoặc mới đến với Trà Huy. Cô được chọn vào lớp năng khiếu võ cổ truyền của tỉnh Bình Định dưới sự huấn luyện của võ sư Trần Duy Linh. Được huấn luyện tập trung, trình độ chuyên môn về võ thuật của Huy mỗi lúc một nâng lên.

Trần Thị Trà Huy nhớ lại: “Từ chế độ tập tành tùy hứng, bước vào tập luyện chuyên nghiệp, lúc đầu cháu thấy hơi hoảng. Lịch luyện tập khiếp lắm, bắt đầu từ 5h sáng là cháu đã ra sân tập. Trung bình tập từ 6 - 8 giờ/ngày. Thời gian còn lại cháu đi học văn hóa và ở nhà ôn bài. Những lúc chuẩn bị thi đấu, lịch tập tăng thêm vài giờ/ngày, tập đến bù đầu bù cổ. Giáo án của những bài tập cứ tăng dần, nhiều lúc cháu muốn khóc vì vết sưng tấy này chưa kịp khỏi đã lại nhận thêm vết thương khác. Cơ thể cháu lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi. Nếu giai đoạn ấy không sự chia sẻ, động viên của HLV và các anh chị đồng môn chắc cháu bỏ cuộc luôn. Sau khi vào tập luyện tập trung được vài ngày, mẹ cháu từ trên quê xuống thăm. Thấy cháu tập luyện đến hao hốc cả người, thương tích đầy mình, mẹ bật khóc rồi một mực xin thầy Linh cho về nhà. Để thuyết phục mẹ, cháu đưa ra minh chứng là sức khỏe của cháu đã khá hơn rất nhiều nhờ tập võ, mẹ mới đồng ý cho ở lại tập luyện tiếp".

 

Trần Thị Trà Huy đi biểu diễn ở nước ngoài (người thứ tư tính từ phải sang).

 

Chuông gióng xứ người

Thành công tiếp nối thành công. Ngay sau khi giành được tấm HCB cho đoàn Bình Định ở nội dung biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, Huy lại được giao nhiệm vụ đại diện cho Việt Nam đi giới thiệu tinh hoa võ dân tộc đến bạn bè quốc tế tại Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền thế giới lần thứ V tại Hàn Quốc (2007). Tại Liên hoan này, có 25 đoàn của các quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam có 4 thành viên. Trà Huy tâm sự: “Khi biết tin sắp được đi nước ngoài biểu diễn, cháu mừng khôn xiết. Ngày còn ở quê, cháu hằng mơ ước được đi đây đi đó, nhưng chưa bao giờ dám mơ được ra nước ngoài. Vậy mà nhờ nghiệp võ, cháu được thỏa nguyện”.

Chuyến đi biểu diễn tại Hàn Quốc lần ấy, Huy xuất sắc đoạt HCV, và tiếp sau đó đoạt HCB tại Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc. Sau đó, Huy lại có mặt trong đoàn VĐV Bình Định sang Italia và Rumania biểu diễn võ cổ truyền. Trần Thị Trà Huy cho biết: “Tại Italia và Rumania, bọn cháu được tiếp đón rất trọng thị. Cháu thật sự bất ngờ khi bạn bè quốc tế rất ngưỡng mộ võ cổ truyền Việt Nam. Mỗi lúc bọn cháu bước lên sàn diễn, khán giả bên dưới hô vang: “Việt Nam! Việt Nam!” khiến các cháu thấy tự hào và hạnh phúc lắm!”.

Truyền nhân Song Phượng kiếm

Sự luyện tập chăm chỉ và lòng ham học hỏi của môn sinh Trần Thị Trà Huy đã khiến HLV Trần Duy Linh quyết định truyền dạy bài kiếm Song Phượng, một bài kiếm do nữ tướng Bùi Thị Xuân sáng tạo trong thời gian bà huấn luyện đội tượng binh ở vùng Tây Sơn thượng đạo.

Tương truyền, trên bãi huấn luyện đội tượng binh, ngày nào nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng nhìn thấy 1 đôi chim phượng rực rỡ bay lượn trên vùng trời tại bãi tập, và chúng chỉ bay đi buổi tập kết thúc. Một đêm, bà nằm mộng thấy từ trên núi cao, đôi chim phượng hoàng ấy bay về, miệng mỗi con ngậm một thanh kiếm sáng quắc. Đôi chim phượng lượn vòng nhiều lần rồi nhả kiếm trước mặt bà, như là ban tặng. Bà nhận báu kiếm, lạy tạ trời đất tổ nghiệp rồi tỉnh giấc. Sau đó, từ hấp dẫn mãnh liệt của đôi phượng hoàng trong giấc mơ đã khiến bà gắn bó với đôi chim phượng có mặt hàng ngày tại những buổi tập trong cánh rừng Tây Sơn thượng đạo, bà rút gươm múa theo nhịp lượn của chúng.

Rồi một đêm không ngủ được, thần trí anh minh lạ thường, bà đem nghiên bút trút mạch hứng khởi cho ra đời bài võ Song Phượng kiếm. Đó là vào 20 tháng Chạp, tiết Đại Hàn, năm Canh Dần (1770). Sau đó, bà truyền dạy bài kiếm này cho nhiều chị em, có 4 trong số đó cùng bà trở thành những kiếm khách thần sầu mà lịch sử ghi nhận là Tây Sơn ngũ phụng thư, gồm: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn (vợ hoàng đế Quang Trung), Trần Thị Lan (vợ đô đốc Nguyễn Văn Tuyết), Nguyễn Thị Dung (vợ tướng Trương Đăng Đồ) và Huỳnh Thị Cúc.

Theo võ sư Trần Duy Linh, bài võ Song Phượng kiếm ông đã được võ sư Nguyễn Đông Hải truyền thụ cách đây gần 20 năm. Trước khi diễn ra Festival võ Tây Sơn - Bình Định năm 2008, võ sư Linh quyết định truyền dạy lại cho cô học trò cưng Trà Huy. Năm 2008, Huy đã mang bài kiếm Song Phượng biểu diễn tại Festival Huế trong tiết mục Hoàng đế Quang Trung đăng quang và được quan khách trong và ngoài nước cổ vũ nồng nhiệt.

"Trà Huy thật sự có tài. Điều này một phần được hun đúc bởi niềm đam mê mà Huy có từ nhỏ. Trà Huy tiếp thu rất nhanh điều mà HLV truyền đạt, thực hiện các động tác vừa chuẩn xác vừa có hồn. Chắc chắn, một tương lai sáng lạn đang chờ Trà Huy trong chặng đường võ nghiệp còn thênh thang phía trước. Trà Huy sẽ "người đàn bà vàng" nữa của nền võ thuật cổ truyền, HLV võ cổ truyền Bình Định Trần Duy Linh nhận xét về Trà Huy.

. Theo Nông nghiệp Việt Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vượt lên số phận hóa vàng  (19/07/2012)
Giỗ tổ võ đường Lê Xuân Cảnh  (06/07/2012)
Trò chuyện với người níu hồn Võ Việt  (29/06/2012)
Hiến tặng 10 sắc phong quí giá  (24/07/2011)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch – một học giả “bình dân”  (09/06/2011)
Một biểu tượng về cái tâm, cái tài của kẻ sĩ  (06/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (03/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ   (02/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (31/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (30/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (29/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (28/05/2011)
Tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện” của Lý gia  (19/01/2011)
Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”  (27/12/2010)
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống  (26/11/2010)