Võ Bình Định-Võ Tây Sơn
14:41', 2/8/ 2012 (GMT+7)

Khi nói về võ thuật, cố võ sư Hồ Ngạnh đã khái quát như sau: “Võ thuật là bản năng tranh tồn của nhân loại và động vật khác. Lúc sơ sinh, nhân loại không dài bằng rồng rắn, mạnh không bằng cọp beo, như vậy mà nhân loại có thể chiếm cứ cả vùng đồng bằng to rộng, ngày cày cấy ngoài đồng, đêm nghỉ ngơi trong nhà. Ban đầu đều nhờ vào sự tiến hóa của võ thuật mới có thể đuổi rồng rắn chạy ra biển, đuổi cọp beo vào rừng sâu. Cuối cùng đến nguyên lý kẻ giỏi thắng, kẻ yếu thua. Phía bắc cự quân Hán, quân Đường, phía Nam thắng Chiêm Thành, Chân Lạp, mới có được nước Việt ta ngày nay” theo ông quyền thuật trường phái nào cũng chỉ gói gọn trong 10 chữ:

 

Ở Bình Định, nhiều thế hệ đã nối tiếp, bồi đắp và kiến lập nên một truyền thống thượng võ oai hùng. - Trong ảnh: Đồng diễn võ tại Lễ khai mạc Giải vô địch võ thuật Cổ truyền Toàn quốc lần thứ 18, tổ chức tại Bình Định.(ảnh Tư liệu)

1. Thủ (tay)                             6. Thức (hiểu biết)

2. Nhãn (mặt)                         7. Đảm (lòng gan dạ)

3. Thân (thân thể)                    8. Khí (hơi thở, khí thế)

4. Yêu (lương)                        9. Kích (sức mạnh nội thể)

5. Bộ (bước)                          10.Thần (tinh thần)

Ở đất nước ta ít có nơi nào mà mỗi khi nhắc đến vùng đất ấy bất cứ ai đều cảm thấy nể phục, có lẽ đó là Bình Định, một vùng đất có truyền thống võ nghệ lâu đời, truyền thống ấy đã đi vào ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”[1]. Nhưng người ta không thể cắt nghĩa được võ Bình Định và võ Tây Sơn có cái gì chung và có cái gì riêng, rất nhiều người cho rằng võ Bình Định là võ Tây Sơn. Thực chất nó là gì? Về lịch sử thì vùng đất Bình Định đã hình thành từ rất sớm trước khi có phong trào Tây Sơn nổ ra, cho nên có thể hiểu trước khi có võ Tây Sơn, Bình Định đã hình thành các trường phái võ rồi, võ sư Hồ Ngạnh thật có lý khi cho rằng trước khi có phong trào Tây Sơn ở Bình Định đã có nhiều người giỏi võ như chú Lía chẳng hạn. Anh em Tây Sơn sinh trưởng ở Bình Định không có thể  sinh ra, lớn lên là biết võ ngay, không học hỏi ở một võ sư nào?

Ngày nay chúng ta chưa biết rõ ai là thầy dạy võ cho anh em Tây Sơn nhưng chắc chắn trước thời Tây Sơn ở Bình Định đã có nhiều người giỏi võ. Những người này là ai? có thể là những tướng sĩ theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp, có thể là những người Trung Quốc sang Việt Nam, trú ngụ ở vùng Quy Nhơn cũ. Do điều kiện lịch sử của vùng đất này cho nên bản tính người Bình Định rất ưa học võ, họ tìm thầy để học, học bạn, học người trong nước, người ngoài nước, dung hòa, chế biến lâu dần mất cả bản lai diện mục. Phong trào Tây Sơn đã có công bồi dưỡng, khích lệ nên võ thuật  Bình Định.

Võ Tây Sơn và võ Bình Định có gì khác nhau ? Theo võ sư Hồ Ngạnh thì võ Tây Sơn có cơ sở về võ lý thường được bảo tồn qua các dòng họ, được chân truyền qua môn phái không truyền rộng ra người ngoài dòng họ, bởi sợ bọn vua quan nhà Nguyễn dòm ngó, trừng trị dưới thời phong kiến nhà Nguyễn. Võ Bình Định tương đối được truyền dạy rộng rãi trong nhân dân hơn, mỗi thầy dạy tùy tiện thêm bớt, sửa đổi những điều mình đã học để dạy cho học trò của mình. Lâu dần võ Bình Định chuyên về cương công (công phu cứng rắn) mà xa dần nhu công (công phu mềm dẻo).

Võ Bình Định thích  hợp với những người có thể chất khỏe mạnh nên mới có câu “võ di dũng vi báu” (võ lấy sức mạnh làm một nửa). Những người yếu ốm khó học được khi bắt đầu tập những môn nặng nề, đòi hỏi nhiều sức lực, công phu. Ngược lại, võ Tây Sơn chú trọng cả cương lẫn nhu “Trong cương có nhu, trong nhu có cương” (cương trung hữu nhu, như trung hữu cương). Càng luyện tập, võ sĩ thuộc phái Tây Sơn càng mềm dẻo, nhưng lại càng lợi hại. Võ Bình Định chuyên võ ngoại công (công phu luyện tập bằng tay chân, võ khí) ít chú trọng về nội công (hít thở vận khí) như võ Tây Sơn, tuy có sự sai khác nhưng lại có liên quan với nhau. Ba anh em Tây Sơn cũng học võ như mọi người nhưng nhờ óc phán đoán, thiên cư võ thuật, nghiên cứu tinh thâm, đã gạn lọc những tinh hoa võ thuật, hệ thống hóa lại và đặt ra thành một hệ thống võ phái riêng.Dĩ nhiên công trình này còn có lẽ còn có sự đóng góp của nhiều người nữa như các tướng lãnh Tây Sơn,những người dòng dõi Tây Sơn.Thêm vào đó là những sáng tạo của họ.Đó là việc làm”Khứ vu tồn thanh”(bỏ cái rườm rà chọn cái tinh túy) của những người có công sáng lập phái võ Tây Sơn. Theo giới nghiên cứu, võ Tây Sơn chủ yếu được phổ biến trong đội quân của mình. Những người của trường phái Tây Sơn nắm được một số chân truyền của môn phái, truyền dạy lại cho con cháu, học trò, lại pha trộn thêm với võ Bình Định để bổ sung cho môn phái của mình.Vì thế, không thể nói nói một cách võ đoán rằng võ Bình Định không liên quan gì đến võ Tây Sơn và ngược lại.

Hiện nay, chúng ta đang cố gắng phục hồi các làng võ cổ truyền của Bình Định, nhưng trong một thực tế hiện hữu là “Dục vấn tiền triều vô cố lão” (Muốn hỏi chuyện xưa mà không các bậc cố lão” nếu không có một chiến lược cụ thể sự thất truyền là không tránh khỏi.

CA QUYẾT TRONG MÔN PHÁI VÕ TÂY SƠN

Môn quyền thuật tinh thâm ảo diệu

Lúc lâm trường phải liệu làm sao?

Tay vung chân đá thế nào

Tấn công như thể ào ào cuồng phong .

Tập ngũ hành phải tập cho ròng

Ngọn kim,ngọn hỏa nằm lòng mới thôi

Nhảy cao, đá lẹ, té ngồi,

Bảy công, ba thủ tập rồi hay chưa?

Mây bộ trụ thật khó chẳng vừa

Trung bình,đinh tấn phải thừa công phu.

Tập ròng như vậy ba thu,

Mới sang học thảo rồi tu tập hoài

Tứ môn,tứ diện chẳng sai

Ngân đài, ngọc trản nhớ hai chữ này.

Đoàn đánh ra giống tựa mây bay

Chân đạp tới trông tày lưu tinh.

Đánh rộng, đánh hẹp tùy mình

Thế lùa,thế điếm cho minh mới là.

Làm con trai trong lúc xông pha

Phải chiến thắng tỏ ra anh hào.

Dù gặp quân hung hãn đừng lo

Nghe cao,đảm đại đều do ở mình.

Khuyên ai luyện võ cho tinh

Giữ thân, giữ nước công trình ngàn thu.

                                    (theo võ sư Hồ Ngạnh )

  •  TS.Đinh Bá Hòa

([1]) Một số người giải thích là bỏ roi đi quyền, chứ cầm roi đi quyền thì làm sao trong một lúc có thể làm được hai động tác được; nhưng khi gặp một võ sư giải thích đó là cách giải thích chưa đúng, đó không phải không phải là một động tác mà muốn nói con gái Bình Định thời đó giỏi cả hai môn roi (côn) và quyền (tay) đều giỏi, vừa múa côn được và vừa biểu diễn quyền cước được, tôi cho cách giải thích này có lý hơn.   

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truyền nhân Song Phượng kiếm  (20/07/2012)
Vượt lên số phận hóa vàng  (19/07/2012)
Giỗ tổ võ đường Lê Xuân Cảnh  (06/07/2012)
Trò chuyện với người níu hồn Võ Việt  (29/06/2012)
Hiến tặng 10 sắc phong quí giá  (24/07/2011)
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch – một học giả “bình dân”  (09/06/2011)
Một biểu tượng về cái tâm, cái tài của kẻ sĩ  (06/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (03/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ   (02/06/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (31/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (30/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (29/05/2011)
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ  (28/05/2011)
Tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện” của Lý gia  (19/01/2011)
Người giữ lửa cho “Siêu xung thiên”  (27/12/2010)