Người về Bình Định
Anh Thảo về! Chồng tôi thông báo. Anh Thảo về à? Tôi hỏi lại, dù đã nghe rất rõ. Mừng!
Sáng sớm, chồng tôi đến đón anh. Mấy anh em đi ăn sáng. Anh không chịu vào nhà hàng. Mình ăn món gì quê hương đi em, đơn giản thôi. Bánh hỏi cháo lòng hả anh? Ờ, bánh hỏi cháo lòng. Anh gắp miếng bánh hỏi chấm vào chén nước mắm nguyên chất dằm ớt (trời, ăn mặn và cay, y chang tôi luôn), húp một muổng cháo. Ngon không anh? Ờ, về quê ăn vầy chớ! Hủ tíu hay bò né chỗ nào hổng có.
“Tao vừa đi Quảng Nam dự lễ kỷ niệm Quân khu 5, trên đường vào ghé Quảng Ngãi thăm ông Hiếu (nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu) rồi ghé Quy Nhơn gọi vợ chồng em. Ông Hiếu gần chín mươi, đi đâu xa là khó rồi. Tao thấy vậy nên trên đường về ghé chỗ này tí chỗ kia tí, thăm anh em, kẻo mai mốt khó đi.”
Mấy anh em ngồi uống cà phê góc đường Đô đốc Bảo - Nguyễn Huệ, nhìn ra quảng trường. Anh nhắc Cát Hùng báo Nhân Dân thì Cát Hùng đến. “Vợ con cậu dạo này ra sao?” Anh ân cần hỏi thăm. Những câu chuyện nối tiếp, không chỉ là chuyện nhà của mấy anh em, chuyện nhà có xíu xiu thôi, rẽ sang chuyện rừng, chuyện biển, chuyện những chân trời. Rồi anh nhờ Cát Hùng chở đi ra sạp báo, hẹn trưa gặp lại.
Trưa, bốn anh em lại ngồi với nhau. Anh đòi ăn cháo trắng cá cơm kho mắm quẹt. Câu chuyện lan man về thời xa lơ lắc. Anh là con một thầy giáo làng ở Cát Khánh. Anh trai anh tham gia cách mạng, đến 1954 được tổ chức phân công ở lại hoạt động. Cha anh quyết định gửi anh, lúc đó mười hai tuổi, ra Bắc. “Ông già cưng tao lắm, tao đã mười một mười hai tuổi mà cứ cõng trên lưng đi khắp làng. Tiễn tao ra Bắc, ổng chỉ dặn một câu: “Con ra ngoài đó có Cụ Hồ”. Ổng rất tin Cụ Hồ. Còn một lý do sâu xa nữa, đó là có lẽ ông nghĩ hai thằng con trai phải có một thằng sống, nên mới gửi tao đi”.
Nhà văn Cao Duy Thảo bên mộ nhà văn – liệt sĩ Nguyễn Mỹ tại nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà Mỹ (Quảng Nam).
Năm 1966, anh Thảo vào công tác chiến trường miền Nam, ở Tuyên huấn Khu 5. Tin này không rõ vì sao truyền về tận quê anh. Hồi bấy giờ anh Hai, anh trai anh Thảo bị địch bắt, hàng ngày bị tra tấn, khai thác. Có người nói: “Đánh ổng vừa vừa chớ em trai ổng về rồi đó, đã có người gặp rồi, về gần đây thôi”. Câu nói ấy làm cho những người tra khảo tù nhân sợ sệt chùn tay.
Đầu năm 1972, anh Thảo được điều về Tuyên huấn tỉnh Bình Định, đóng tại Hoài Ân, cách quê chỉ mấy chục cây số mà lặng thầm mong ngóng. Tình hình chiến trận căng thẳng. Hàng ngày, đối phương ở chốt núi Một bắn qua. Bộ đội Sư 3 tràn ra đồng, ép dọc chân ruộng chiến đấu. Một hôm tiếng pháo, tiếng súng vừa lắng, bên ta phát hiện có người cởi trần cõng đứa bé từ núi Một chạy sang. Một chiến sĩ rê súng theo, anh bèn ngăn lại không cho bắn. “Tại sao?” – “Người ta không mặc áo lính nên có thể là dân, hơn nữa trên lưng lại có đứa nhỏ, nhất quyết không được bắn!”.
Hôm sau anh tìm đến chỗ những người bị ta bắt giữ, thì gặp người có đứa con nhỏ ở đấy. Người ấy kể là đưa con đi thăm họ hàng, nghe súng nổ cõng con chạy lánh đạn, lạc qua đây. Hỏi quê ở đâu, người ấy đáp quê Cát Khánh. Anh Thảo nói: “Tôi cũng quê Cát Khánh!” Người kia hỏi lại: “Anh con ai ở Cát Khánh?” – “Tôi là con ông Trợ Trì”. Người ấy reo lên: “Tôi ở gần nhà bác Trợ Trì. Tui là thằng Cày con ông Cuốc nè, anh phải anh Thảo không?”. Cày cho biết thêm anh Hai (anh trai của anh Thảo) đã vượt ngục và hy sinh. Trên đường về Quy Nhơn để móc nối cơ sở, anh Hai bị địch bắn tại đầm Thị Nại. Gia đình anh đã chuyển vào Quy Nhơn, cha anh cũng đã mất. Ở lại nhà cũ chỉ còn người chị dâu. Anh Thảo xin bảo lãnh cho đồng hương, anh Cày và đứa con được thả.
Anh Cày về Cát Khánh, kể chuyện mình lạc lên núi, gặp anh Thảo con ông Trợ Trì. Mọi người bán tín bán nghi, hỏi đứa nhỏ có chuyện như cha cháu nói không, nó bảo có, lúc đó họ mới tin là anh Thảo về thật.
Ít lâu sau đơn vị di chuyển về phía Đông, tổ chức cho phép anh về thăm mẹ. Bốn cán bộ cơ sở có trách nhiệm đưa anh đi. Trước đó mẹ anh đã quy y tại một ngôi chùa quê, nên tổ chức sắp xếp để mẹ anh từ Quy Nhơn về thăm chùa cho địch khỏi nghi rồi bí mật dẫn sang một nhà dân cạnh chùa. Anh, đêm ấy mặc độc một cái quần đùi, lội qua sông rồi lên chỗ hẹn, bốn người cùng đi cảnh giới bên ngoài. Trong nhà tắt hết đèn, tối như mực. Anh đứng một lúc cho quen bóng đêm, rồi lên tiếng: “Má ơi! Con đây nè má”. Gọi vậy rồi nước mắt trào ra. Mẹ anh quờ tay, ôm con khóc. Đâu được mười phút, một người bên ngoài vào gọi: “Ta đi thôi!”. Mẹ anh lần trong túi lấy một dây chuyền vàng, dúi vào tay anh, bảo con đem theo để tiêu dần. Anh nói: “Má giữ đi, con trần trụi thế này, cất vào đâu được, mà cũng không bán tiêu được”. Mẹ anh ôm chầm con trai không nỡ rời. “Nước mắt bà già tao ướt ngực tao, chỗ này”. Anh chỉ vào ngực, mắt anh loang nước.
Anh, một người dạn dày sinh tử, tác giả của nhiều tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng, lúc nói về mẹ, vẫn còn hôi hổi cảm giác nguyên sơ nguồn cội.
Mỗi lần anh về Bình Định, là một lần chúng tôi quây quần. Chuyện đời, chuyện nghề, bao nhiêu thân thuộc. Tự nhiên vậy thôi, bạn bè, người thân của anh, nhiều người chúng tôi biết, nhiều người không. Nhưng mà, lòng nối qua lòng, bằng mến thương, bằng tin cậy sẻ chia giữa anh với chúng tôi từng ấy năm, họ bước thẳng vào không gian tinh thần của chúng tôi, như gió thổi về đồng, mưa rơi xuống đất.
Ngồi với nhau đôi bận, góp lại chưa đầy nửa ngày, vậy mà mặn tình anh em, mặn tình quê hương xứ sở. Ờ hé, sao chưa bao giờ anh Thảo yêu cầu, hay chúng tôi đề xướng nên tới thắng cảnh này, di tích kia, hay chỗ nào ấn tượng một chút? Ờ hé, lúc thì vỉa hè, lúc thì sân nhà, lúc thì một quán vắng, mà sao chưa bao giờ vơi những câu chuyện tâm giao, những hòa âm tri kỷ?!
Trước lúc lên xe, anh hỏi: “Cô mày viết được cái gì mới không? Từ khi nghỉ hưu đến giờ, anh làm được khối việc, viết thêm được mấy cuốn sách. Viết đi, em!”. Tôi hiểu ý anh là: Cố lên, cô em lười!
Anh là nhà văn Cao Duy Thảo, ông anh đáng kính và yêu mến của chúng tôi! Mong anh khỏe, đôi chân lặn lội trăm miền vẫn bền sức ruổi rong, thường rẽ về thăm quê và viết thêm mươi tiểu thuyết nữa.
Trần Thị Huyền Trang
Nhà văn Cao Duy Thảo, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1942, quê quán: Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định.
Tác phẩm đã xuất bản: Im lặng của đá - tập truyện ngắn (1976); Thành phố lúc bình minh – tập truyện ngắn (1979); Ngọn đèn – tập truyện ngắn (1985); Cảm ơn mùa xuân - tập thơ (1998); Thời gian – tập truyện ngắn (1998); Xứ bình yên – tập truyện ngắn và bút ký (2001); Bút ký văn học - tập bút ký (2004); Chim bay về núi – tiểu thuyết (2009); Sóng vỗ mạn thuyền - tập bút ký (2012); Tuyển tập truyện ngắn và bút ký văn học (2012).
Các giải thưởng văn học: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Thời gian; giải thưởng của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn với truyện ngắn Cá trắm đẻ; giải thưởng văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng (2009 - 2014) với tiểu thuyết “Chim bay về núi”…