Xây dựng nông thôn mới năm 2019: “Lượng” tới đâu, “chất” tới đó
Các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019 đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể với quyết tâm đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Theo đánh giá của ngành chức năng, chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại các địa phương đạt khá tốt so với yêu cầu.
Nhiều ngư dân của xã Cát Khánh, Cát Thành, huyện Phù Cát đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản ở những vùng biển xa.
Năm 2019, có 11 xã: Cát Khánh, Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Thành, huyện Phù Cát; Mỹ Thọ, Mỹ Cát, Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ; Tây Bình, Tây Vinh, Tây Phú, huyện Tây Sơn và xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân đăng ký xây dựng và về đích nông thôn mới.
Các địa phương trên đã huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Các xã Cát Nhơn, Mỹ Cát, Mỹ Châu, Tây Bình, Tây Vinh, Tây Phú... đã quy hoạch, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng, phát triển chăn nuôi, trồng rừng, nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Với các xã ven đầm, giáp biển, như: Cát Khánh, Cát Thành, Cát Minh, Mỹ Thọ, kinh tế biển được ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng giảm dần số tàu thuyền đánh bắt ven bờ, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, đóng tàu đủ sức vươn đến những vùng biển xa.
Mặt khác, quy hoạch và khuyến khích người dân đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ khai thác tốt tiềm năng và lợi thế nên kinh tế các địa phương ngày càng phát triển, đời sống của người dân đã được nâng cao. Riêng xã Cát Thành, huyện Phù Cát, thu nhập của người dân đạt 41,52 triệu đồng/người/năm, tăng 12,5 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,81%. Ông Nông Thành Điền, một trong những ngư dân thành công với nghề khai thác thủy sản xa bờ ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, chia sẻ: “Năm 2016, tôi đã vay hơn 16 tỷ đồng từ Chương trình phát triển thủy sản theo tinh thần Nghị định 67/2014 của Chính phủ để đóng mới tàu cá vỏ thép công suất 829 CV. Với tàu mới, bình quân mỗi chuyến biển, tàu của tôi khai thác từ 15 - 20 tấn cá, mực, có chuyến trúng biển được đến 40 - 50 tấn cá ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Bình quân mỗi chuyến, tôi có lãi từ 50 triệu đồng trở lên. Nhờ làm ăn thuận lợi nên kinh tế gia đình phát triển, con cái có điều kiện ăn học đàng hoàng hơn”.
Nông dân xã Tây Phú, huyện Tây Sơn đã chuyển đổi nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng.
Ông Nguyễn Đức Chiêu, Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho hay: “Đời sống của người dân ngày càng tốt hơn thì việc huy động, đóng góp công sức và tiền của để xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn. Trong số 114,43 tỷ đồng mà xã huy động được để xây dựng nông thôn mới, ngân sách xã và người dân đóng góp gần 76% kinh phí. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, chất lượng các tiêu chí được ngành chức năng của huyện đánh giá cao”.
Theo ngành chức năng của tỉnh, năm 2019, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019 là 20,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn chủ động lồng ghép các chương trình, dự án có cùng mục tiêu và huy động sự đóng góp của người dân để tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn.
Là người thường xuyên đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019 đều có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Người dân ngày càng hiểu rõ hơn về lợi ích của Chương trình, nên đã chung sức, đồng lòng, hiến đất, cây cối, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng quê hương. Nhờ vậy đến nay, 11/11 xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, chất lượng các tiêu chí đạt khá tốt so với yêu cầu…
PHẠM TIẾN SỸ