Ðánh giá phải khách quan, không vu khống, xuyên tạc
Năm 2021, Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam) sẽ tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư đã triển khai chỉ thị, hướng dẫn về đại hội đảng bộ các cấp. Nhân dịp này, với sự bất lương vốn có, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cũng bắt đầu chiến dịch vu cáo, bịa đặt vu khống, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam đối với tiến trình phát triển đất nước.
Qua quan sát tôi thấy như đã thành thông lệ, nhiều năm nay vào thời gian trước khi diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc của ÐCS Việt Nam, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị đội lốt "nhà hoạt động nhân quyền", "nhà hoạt động vì môi trường", "người yêu nước"... lại điên cuồng công kích, chống phá. Và trong thời gian chuẩn bị Ðại hội XIII cũng vậy, các luận điệu như thế lại tràn ngập internet, nhất là mạng xã hội và trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài, với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều tổ chức, cá nhân vốn thiếu thiện chí với Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Không khó nhận ra ý đồ của họ là làm mất lòng tin của nhân dân với Ðảng. Thủ đoạn thường xuyên được những đối tượng này sử dụng là vu khống, khuếch đại, thổi phồng, bịa đặt, thêm thắt vào một số vấn đề quá khứ, hoặc đang tồn tại, nhằm vu khống, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Ðảng. Theo lý lẽ của họ, "trong chế độ độc đảng toàn trị ở Việt Nam thì không có dân chủ"! Nhưng đó là nói bừa, không có cơ sở. Tôi khẳng định như vậy bởi sau nhiều năm sống ở châu Âu, nhất là tại Ðức, tôi đã có cơ hội, thời gian khảo sát để kết luận rằng người dân Việt Nam hiện nay không hề thua kém người Ðức trong thụ hưởng quyền tự do, dân chủ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo...
Tìm hiểu cuộc sống hằng ngày ở Ðức sẽ thấy, các quyền đó không phải vô giới hạn, hoặc không bị hạn chế. Có một sự kiện, dù đã xảy ra vài năm trước, nhưng tôi vẫn nhớ, đó là trong một phóng sự truyền hình phát trực tiếp tại Ðức, người ta đặt câu hỏi với người dân trên đường phố rằng: Quyền tự do dân chủ có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của ông (bà)? Câu trả lời chủ yếu là: không có ý nghĩa; không quan tâm; chúng tôi cần có việc làm, không muốn sống bằng trợ cấp xã hội; chúng tôi không cần quyền biểu tình hay quyền bầu cử, điều chúng tôi cần nhất hiện nay là một cuộc sống yên ổn, không phải thường xuyên chứng kiến cảnh trộm cắp, cướp giật, buổi tối không ai dám ra đường...
Một chủ đề khác được họ khai thác triệt để là vấn đề Biển Ðông. Qua cái gọi là "hội thảo, thư kêu gọi",... họ xuyên tạc chủ trương, đường lối đối ngoại cương quyết nhưng mềm dẻo của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Bằng nhiều thủ đoạn, họ cố chứng minh cái gọi là "sự nhu nhược" của Việt Nam. Tôi coi đó là luận điệu đổi trắng thay đen, vô trách nhiệm. Tôi viết như vậy vì rất may mắn, năm 2015 tôi được là thành viên trong đoàn người Việt Nam ở nước ngoài ra thăm quần đảo Trường Sa, và có cơ hội đi qua vùng biển đảo bao la của Tổ quốc, đến Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây... Chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, nhất là tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo. Họ chấp nhận mọi khó khăn trong cuộc sống để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến thăm đó và những lần về thăm quê hương đã thôi thúc tôi làm tất cả trong khả năng của mình để giới thiệu với bạn bè người Ðức chính sách nhất quán mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn kiên trì theo đuổi là kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, để có một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, từ đó xây dựng và phát triển.
Do những biến cố lịch sử trong thế kỷ trước, vì nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, hàng triệu người Việt Nam đã di cư ra nước ngoài. Ở đó, nhiều thế hệ con cháu của họ đã ra đời. Như số liệu tôi được biết thì cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn bốn triệu người, phân bố không đồng đều tại 103 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Nhiều người trong số họ đã nhập quốc tịch của nước sở tại, tuy thế, mối liên kết với quê hương không bao giờ bị gián đoạn. Trước đây và hôm nay, họ vẫn luôn hướng về quê hương, bởi họ không hề lãng quên truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, bởi ai cũng cần một quê hương, đó là nơi để trở về. Họ trở về để tìm lại cội nguồn, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em,... và trở về để mưu sinh ở nơi "chôn nhau, cắt rốn".
Một thực tế đáng mừng là các năm gần đây, ngày càng có nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài công khai lên tiếng ủng hộ đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Bằng rất nhiều hình thức, họ đã cất lên tiếng nói chân thành về niềm tin vào tương lai đất nước dưới sự lãnh đạo của ÐCS Việt Nam. Họ không chỉ phát biểu ý kiến trên Facebook, Youtube, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở hải ngoại... mà còn đăng bài viết trên các tờ báo của Việt Nam. Ðó là bằng chứng cụ thể về thực tế không thể phủ nhận rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thật sự là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, đại đa số đều quan tâm đến công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Với người dân trong nước, việc làm như vậy không khó khăn, chỉ cần tâm huyết, nhưng với người Việt sống ở nước ngoài, đặc biệt ở phương Tây, trước hết cần xuất phát từ chính tấm lòng, cũng như phải có bản lĩnh, lòng dũng cảm, sự kiên định. Các thế lực chống cộng cực đoan rất cay cú trước sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức tích cực của số đông người trong cộng đồng gốc Việt; vì vậy thường xuyên sử dụng những hành động đen tối để khủng bố không chỉ về tinh thần, mà còn phá hoại cuộc sống, hành hung, thậm chí giết hại.
Ở phương Tây, phần lớn phương tiện truyền thông đều thuộc về các ông chủ kếch xù, cho nên vì lợi ích kinh tế, vì sứ mệnh và sức ép chính trị mà họ thường né tránh ca ngợi các tổ chức, cá nhân đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, trong đó có các ÐCS; và ÐCS Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, luôn là đối tượng của những chiến dịch truyền thông bôi nhọ trắng trợn do các thế lực thù địch ở trong, ngoài nước tiến hành. Tuy nhiên, các thành tựu Việt Nam đạt được là sự thật mà một số phương tiện truyền thông phương Tây không thể tảng lờ. Thí dụ, một năm sau ngày Ðại hội XII của ÐCS Việt Nam thành công tốt đẹp, ngày 17.7.2017, Thời gian Trực tuyến (Zeit Online), một tờ báo lớn của Ðức ra đời năm 1946, đã đăng bài "Việt Nam - Sự say mê màu đỏ", trong đó có đoạn viết: "Hôm nay Việt Nam đang bùng nổ. Nền kinh tế đã phát triển rất nhanh chóng kể từ khi quốc gia cộng sản này mở cửa với thị trường thế giới. Những người cộng sản đã hình dung ra tương lai của các thành phố của họ, như ở thành phố Hồ Chí Minh, một quận mới đang được xây dựng với những ngôi nhà nhìn giống như các tấm biển quảng cáo của sự "không tưởng" của một thời gian đã qua. Rất oai nghiêm, các tòa tháp dọc theo sông Sài Gòn và đến năm 2018, tòa nhà The Landmark 81 cao nhất Việt Nam sẽ hoàn thành, cao hơn 450 mét,... 35 năm trước, Việt Nam là một trong các nước nghèo nhất thế giới. Giữa những năm 80, chính phủ nhận ra mọi thứ không thể tiếp tục như thế, và với đường lối "đổi mới", ÐCS Việt Nam gọi hệ thống kinh tế của đất nước họ là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Ðường lối đó giao cho nhà nước một vai trò lớn, song cũng tận dụng các lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản. Từ đó, sự thịnh vượng của toàn dân đã được tăng lên, được phân phối rất tốt và đồng đều... Khi bắt đầu Ðổi mới, thu nhập trung bình của mỗi người Việt Nam khoảng 90 euro một năm, nay con số đó là 1.900 euro. Ngân hàng Thế giới đã gọi đất nước này là "câu chuyện thành công của sự phát triển"...".
Để kết thúc bài viết, tôi xin dẫn lại ý kiến khách quan khi đánh giá vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam với sự phát triển đất nước. Ðó là ngày 16.11.2018, tờ Thời đại của chúng ta (Unsere Zeit - UZ), tuần báo của ÐCS Ðức (DKP), đã đăng bài "Tình đoàn kết của chúng ta không kết thúc", trong đó viết: "Một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự đoàn kết với Việt Nam là các bản tin của UZ. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi báo chí tư sản chỉ im lặng, hoặc nhiều phóng viên ngồi ở Băng-cốc (Thái-lan) viết các bài báo vu khống, nói xấu Việt Nam, thì UZ đưa tin về thực tế ở đất nước này và những nỗ lực tái thiết. Thí dụ tiêu biểu là tại Ðại hội V của ÐCS Việt Nam, một số phóng viên nước ngoài đã viết nhiều bài báo bịa ra chuyện đấu tranh quyền lực trong Ðảng giữa người muốn cải cách với người được gọi là "bảo thủ". Không ngẫu nhiên, họ vẫn làm điều đó đến tận hôm nay".
Tháng 3-1982, một phái đoàn của DKP đã dự Ðại hội Ðảng V. "Song những điều chúng tôi trải nghiệm là cái gì đó hoàn toàn khác với những gì đã được viết trên các tờ báo tư sản. Chúng tôi chứng kiến, những người cộng sản Việt Nam vật lộn trong sự bình tĩnh, chủ nghĩa hiện thực và quyết tâm không lay chuyển để giải quyết các khó khăn như thế nào", đó là một đoạn trong bài viết của UZ đăng ngày 20.4.1982. Ðại hội V diễn ra vào thời điểm Việt Nam gặp khó khăn lớn. Thu hoạch lúa kém khiến nguồn cung lương thực thành mối lo hàng đầu. Việt Nam phải chia hạt gạo thành bốn phần. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cung cấp viện trợ anh em cho Lào, và Cam-pu-chia. Phóng viên UZ đưa tin về những cuộc trò chuyện của họ với các đồng chí Việt Nam. "Việt Nam đứng giữa trận chiến thứ hai - trong lĩnh vực kinh tế", và đưa tin về thành công trong xây dựng lại ngành công nghiệp bị chiến tranh tàn phá... Ngày nay Việt Nam đang tiếp tục chiến đấu chống lại sự chèn ép của chủ nghĩa thực dân mới trong lĩnh vực kinh tế. Trong thế giới của chủ nghĩa tư bản thống trị toàn cầu, Việt Nam nhìn thấy cơ hội trở thành một quốc gia phát triển về kinh tế để giữ gìn sự thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình và độc lập. Không phải với các hiệp định đơn phương, mà là những hiệp định thương mại đa phương trong khu vực ASEAN và các hiệp định quan trọng ký kết với Trung Quốc, Nga, EU và Mỹ. Ðoàn kết với Việt Nam ngày nay trước hết, như trong các năm 60, 70, 80 của thế kỷ 20, không nên đứng ngoài để phán xét mà phải nhập cuộc để trực tiếp tìm hiểu một cách không thành kiến, và cần lắng nghe quan điểm cụ thể của các đồng chí Việt Nam". theo
theo HỒ NGỌC THẮNG (NDĐT)