SƯ ĐOÀN 3 - SAO VÀNG TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH:
Như thịt liền thịt, da liền da, máu hòa trong máu
Ðược khai sinh trên quê hương Bình Ðịnh, mảnh đất mang truyền thống thượng võ và quật khởi, những chiến công của Sư đoàn 3 - Sao Vàng luôn gắn liền với những chiến công của quân và dân Bình Ðịnh. Và nghĩa tình sắt son ấy được đúc kết trọn vẹn trong câu nói của đồng chí Tô Ðình Cơ (năm 1985) khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh: “Nghĩa tình của quân, dân Bình Ðịnh với Sư đoàn 3 - Sao Vàng là thịt liền thịt, da liền da, máu hòa trong máu, nghĩa tình ấy không bao giờ có thể nhạt phai…”.
Di tích lịch sử Rừng Bà Bơi - Nơi thành lập Sư đoàn 3 - Sao Vàng.
Cách đây 55 năm, vào ngày 2.9.1965, tại khu rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa (nay là xã Bok Tới, huyện Hoài Ân), Sư đoàn 3 đã chính thức thành lập. Đây là Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 5. Khẩu hiệu hành động của Sư đoàn là “Trung thành, anh dũng, ra trận là chiến thắng, gặp địch là tiêu diệt, quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngay sau ngày thành lập, Đảng ủy Sư đoàn đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho Sư đoàn được mang tên “Sư đoàn Sao Vàng”; lấy hình ảnh “Sao Vàng” để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hãy dũng cảm chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, vì độc lập tự do của dân tộc.
NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH
10 năm kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn đã tham gia, chiến đấu với nhiều đối tượng tác chiến khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Như trận đụng đầu lịch sử đầu tiên với đối thủ mạnh nhất là Sư đoàn không vận số 1 của quân đội Mỹ tại thung lũng Thuận Ninh (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) vào ngày 18.9.1965. Sư đoàn đã tiêu diệt 200 tên, bắn rơi và phá hủy 51 máy bay, giáng một đòn cảnh cáo nghiêm khắc với quân Mỹ xâm lược khi chúng vừa đặt chân đến chiến trường Khu 5.
Hiện nay, 11 huyện, thị xã, thành phố đều đã thành lập Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng và thường tổ chức gặp mặt hơn 900 hội viên còn sống. “Các Ban liên lạc hoạt động nền nếp, có hiệu quả; nhiều CCB đã lớn tuổi nhưng luôn phát huy truyền thống của Sư đoàn, là những CCB gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở mỗi địa phương”, Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng tại Bình Ðịnh Nguyễn Thanh Lịch bày tỏ.
Từ năm 1965 cho tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Sư đoàn liên tiếp lập chiến công với nhiều trận thắng oanh liệt. Tiêu biểu là trận đánh tan tác Lữ đoàn kỵ binh thiết giáp 173 của Mỹ ở Mỹ Trinh, Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ); cùng với quân và dân Bình Định tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn Bắc Bình Định năm 1972; hoàn thành nhiệm vụ cắt đường 19 góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời tiến công đập tan tuyến phòng thủ chiến lược Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận; tiến công giải phóng tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) và TP Vũng Tàu (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
CCB Nguyễn Thanh Lịch, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3 lúc mới thành lập, hiện là Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng tại Bình Định, nhớ lại: “Trận đánh tập kích trận địa pháo hỗn hợp Xuân Sơn vào ngày 26.12.1966 (đồi Xuân Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) của Trung đoàn 22 là trận đánh “kỷ lục” tiêu diệt gọn một đơn vị của Mỹ làm tôi nhớ mãi. Chỉ sau 15 phút quân ta tổng tiến công, trận địa Xuân Sơn của địch bị tiêu diệt. Quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 600 tên địch, bắn rơi 5 trực thăng, phá hủy 11 khẩu pháo, thu 34 súng các loại. Trên đường rút quân, ta diệt thêm 120 tên địch, bắn rơi 1 trực thăng. Đây là trận đánh có giá trị chiến thuật cao, mở ra khả năng cho Trung đoàn chủ lực thực hiện rộng rãi hình thức chiến thuật tập kích diệt gọn từng tiểu đoàn Mỹ”.
Các CCB Đặng Hùng, Nguyễn Thanh Lịch, Trần Quốc Tế (theo thứ tự từ phải qua) xem lại các hình ảnh kỷ niệm khi còn là chiến sĩ của Sư đoàn 3 - Sao Vàng.
Còn CCB Đặng Hùng (75 tuổi, nguyên Đại đội trưởng đại đội pháo DKZ 75, thuộc Trung đoàn 2), chia sẻ: “Trong điều kiện vũ khí, đạn dược của ta thiếu thốn nên khi vào trận chúng tôi luôn xác định là một quả pháo phải tiêu diệt được 1 xe tăng hay 1 lô cốt của địch. Như trong trận đánh địch ở Núi Dài (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) Xuân Mậu Thân 1968 trong tình hình bị địch bao vây nhưng đại đội vẫn tiêu diệt được 6 xe tăng, làm địch hoảng hốt, tháo chạy”.
Hơn một năm sau ngày thống nhất đất nước, tháng 6.1976, Sư đoàn được lệnh cấp tốc hành quân vượt cả nghìn cây số ra bảo vệ biên giới phía Bắc, sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn mới. Từ ngày 17.2.1979 đến tháng 1.1986, Sư đoàn đã cùng đơn vị bạn và quân dân các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang đánh bại hơn 12 vạn quân địch, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định thăm Khu di tích lịch sử Núi Chéo (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), nơi tưởng niệm các liệt sĩ Sư đoàn 3 - Sao Vàng đã hy sinh trên chiến trường Hoài Ân.
NGHĨA TÌNH SẮT SON
Trong tâm khảm mỗi người lính Sư đoàn 3, ít ai nghĩ rằng có ngày phải tạm biệt vùng đất Khu 5, tạm biệt vùng quê ân nghĩa Bình Định. Ngày hành quân ra Bắc, đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Định đã tới chia tay và tặng sư đoàn bức trướng mang dòng chữ “Nghĩa tình son sắt”. CCB Lưu Đình Quyết (nguyên chiến sĩ Trung đoàn 22, hiện đang sống ở Hải Phòng), chia sẻ: “Ngày ra Bắc, chúng tôi vừa đi vừa khóc. Đời binh ngũ, tôi tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường nhưng không có chiến trường nào ác liệt, gian khổ như ở Bình Định. Dù vậy, tình cảm gắn bó keo sơn, thủy chung, nghĩa tình trong chiến đấu của người dân tỉnh nhà đã trở thành tài sản vô giá trong chúng tôi. Cũng vì thế mà Bình Định vẫn là địa chỉ quen thuộc trong những chuyến “về nguồn” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn”.
Trong 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn đã tham gia đánh trên 5.600 trận, tiêu diệt và làm tan rã hơn 15 vạn tên địch, bắn cháy và phá hủy hàng trăm máy bay, hàng nghìn xe quân sự và phương tiện chiến tranh của địch. Với những chiến công đó, Sư đoàn và 3 Trung đoàn (Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn), 4 tiểu đoàn, 10 đại đội và 17 cán bộ, chiến sĩ vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng, Sư đoàn cũng có hơn 22.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó trên 18.000 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Bình Ðịnh và trên 10.000 đồng chí đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường.
Từng là chiến sĩ thông tin của Trung đoàn 2, CCB Trần Quốc Tế (74 tuổi, đang ở TP Quy Nhơn) bùi ngùi xúc động khi chúng tôi nhắc về kỷ niệm với người dân trong kháng chiến. “Làm lính thông tin thời đó không biết chết sống lúc nào, bởi trên đường làm nhiệm vụ, nếu không gặp nguy hiểm bởi thú rừng thì cũng bị đạn pháo, biệt kích của địch bắn liên tục gây sát thương. Nếu không được người dân giúp đỡ thuốc men, chia cho từng lon gạo để nấu cháo thì chắc giờ này, tôi đã không còn ngồi đây trò chuyện như hôm nay”.
Thượng tá Trần Xuân Mạnh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 3 (Quân khu 1), cho biết: “Bình Ðịnh là chiếc nôi ra đời, là nơi chi viện sức người, sức của, nuôi dưỡng cho Sư đoàn từng bước trưởng thành và lớn mạnh. Giữa Sư đoàn 3 và quân dân Bình Ðịnh có mối quan hệ thiêng liêng, máu thịt. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Phát huy truyền thống của Sư đoàn 3 - Sao Vàng anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng truyền thống 16 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, bám đất, bám dân, tự lực, tự cường, đoàn kết - chiến thắng”.
HỒNG PHÚC