Phát triển tỉnh Bình Ðịnh nhanh, toàn diện và bền vững
Tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bình Ðịnh khóa XIX với tiêu đề “Tăng cường xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển tỉnh Bình Ðịnh nhanh, toàn diện và bền vững”.
Nhiều kết quả rất quan trọng
Theo Báo cáo, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã ghi nhận những kết quả rất quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân hằng năm 6,4%, GRDP bình quân đầu người đạt 2.524 USD.
Sản xuất công nghiệp phát triển khá; các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh giữ vững tốc độ tăng trưởng, một số ngành công nghiệp mới được hình thành và có chiều hướng phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 8,84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,92%.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng trình bày Báo cáo chính trị.
Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; giá trị tăng thêm trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 5 năm ước đạt 4,04%
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra.
Kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; các hoạt động GD&ĐT, KH&CN, VH&TT, TT&TT, chăm sóc sức khỏe nhân dân... có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo. Công tác xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả tích cực.
Tập trung cho 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá
Đồng chí Hồ Quốc Dũng cho hay, phương hướng, mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy truyền thống, ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh và môi trường xã hội ổn định; đẩy nhanh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
Để thực hiện thành công phương hướng, mục tiêu đó, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tiếp tục đổi mới GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển KH&CN, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quan hệ đối ngoại; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng thông tin, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, việc phát triển kinh tế của tỉnh tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng.
Thứ nhất, về phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án công nghệ thông tin của các DN TMA, FPT… đang đầu tư trên địa bàn tỉnh; thu hút các DN khởi nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - thủy sản, hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”.
Thứ hai, về du lịch: Tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững. Xây dựng Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” và “3 không” (an ninh tốt, môi trường và quan hệ cộng đồng tốt; không “chặt chém”, không giành giật khách, không người ăn xin). Tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là: “Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Quy Nhơn - điểm đến du lịch”; có chính sách ưu đãi để thu hút những DN lữ hành quốc tế.
Thứ ba, về dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không: Tập trung khai thác hiệu quả cụm Cảng Quy Nhơn hiện có gắn với phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất; đồng thời, nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. Khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử - viễn thông gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng hàng không Phù Cát.
Thứ tư, về phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng: Thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; có biện pháp nâng cao chất lượng rừng trồng; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ. Xây dựng và hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá Tam Quan và Đề Gi. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thứ năm, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa: Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp và việc mở rộng giao thông (như Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, đường ven biển, đường nối sân bay Phù Cát - Khu kinh tế Nhơn Hội…). Quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiến với trung tâm Quy Nhơn.
Cùng với đó là 3 khâu đột phá tạo động lực: Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định. Hai là, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Ba là, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025
● Tổng sản phẩm địa phương bình quân hằng năm tăng 7,0 - 7,5%.
● Ðến năm 2025, cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 31,8% - dịch vụ 39,6% - nông, lâm nghiệp, thủy sản 23,4%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 3.900 USD; thu ngân sách đạt trên 16.000 tỷ đồng, phấn đấu cân đối ngân sách trên địa bàn.
● Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6.000 triệu USD.
● Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 41%/GRDP.
● Giải quyết việc làm mới bình quân hằng năm khoảng 30.000 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 - 2%/năm.
● Kết nạp đảng viên mới bình quân hằng năm đạt trên 4% so với tổng số đảng viên trong toàn Ðảng bộ.
● Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn.
MAI LÂM