Từ đại lộ thi ca đến đại lộ khoa học
Quy Nhơn đã có một con đường không lớn mang tên Ðại lộ khoa học (Science Avenne), chạy từ QL 1D vào Khu đô thị khoa học gồm Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn, Tổ hợp không gian khoa học và các viện nghiên cứu trong quy hoạch chung của Khu đô thị Khoa học. Cách đó không xa, có một con dốc dẫn lên đồi Thi Nhân và nhiều người yêu thơ vẫn gọi vui là đại lộ Thi Ca. Người ta hay gọi Bình Ðịnh là “đất Võ - trời Văn” nay có thể nối dài thêm “Không gian Khoa học”.
Thung lũng Quy Hòa với các công trình: Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Công viên sáng tạo TMA, Tổ hợp không gian khoa học. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Trong lễ khởi công, lễ khánh thành cũng như các hoạt động nổi bật khác của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE), không phải ngẫu nhiên mà nhạc võ Tây Sơn được chọn. Tính chất biểu trưng cho sông núi hiên ngang, năng lượng khải hoàn đã dồn nén và bùng nổ giữa “hoàng cung khoa học” hiện đại, kết nối truyền thống văn hóa lịch sử của đất và người Bình Định với chiều kích vô tận của tinh thần khoa học duy lý.
1.
Hãy cùng nhau lần ngược lịch sử. Nếu ở thế kỷ XVII, XVIII, khi phương Tây miệt mài cho ra các kết quả động lực học, luật vạn vật hấp dẫn, định luật bảo toàn năng lượng… thì ở một góc trời phủ Quy Nhơn trong thời gian tương ứng, đầy bức bách loạn lạc, những người Việt chân lấm tay bùn quan sát nghiên cứu các cấu trúc và động thái của bọ ngựa, của mèo, của rắn, của khỉ, của hổ… phối hợp trong các nguyên lý âm dương, nhật nguyệt, cương nhu, để sáng tạo thế võ đường quyền nhằm rèn luyện gân cốt hình thể, trau dồi tinh thần tự vệ, vươn lên mạnh mẽ khẳng định sức mạnh sinh tồn giữa trời đất.
Trong con đường nhỏ ấy có một tinh thần rất lớn để phát triển khoa học. Cũng như mỗi con người chúng ta tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng ý tưởng khổng lồ, khám phá những điều khổng lồ. Để con đường này mãi phát triển, chúng ta cần xây dựng một lộ trình khoa học, một đô thị khoa học phát triển mạnh trong tương lai.
GS TRẦN THANH VÂN
Nếu vật lý được quan niệm như khoa nghiên cứu về vật chất, năng lượng và mối quan hệ giữa chúng, thì võ thuật của miền đất Võ, xét đến cùng cũng làm “vật lý dân gian” nghiên cứu các hiện tượng vật lý, sáng tạo các thế võ ứng dụng trong cuộc đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội của một giai đoạn đất phên giậu truông cao vực hiểm, rắn rết sấu hùm cũng như sự truy bức của lao dịch, thuế khóa, trộm cướp, giặc giã.
Vật lý cũng như nhiều ngành khoa học khác xem thời gian là một trong số những đại lượng cơ bản ít ỏi, là thuộc tính của vận động không ngừng của thế giới vật chất từ vi mô đến vĩ mô, kể cả ý thức, nhận thức. Còn không gian vật lý thường được hiểu trong ba chiều tuyến tính, được coi là khái niệm quan trọng cơ bản để hiểu các tính chất vật lý và quá trình của vũ trụ. Cái cảm thức liên thông, kết nối tưởng chừng nối đến võ thuật Bình Định đã là phi lý, nhưng xét kỹ sẽ thấy nó còn cư ngụ dưới mái nhà văn chương, trong hồn thơ các nhà thơ bắt rễ sâu vào khí chất Bình Định.
Thật vậy, quan sát kỹ nhóm thơ Bàn Thành Tứ hữu, ta thấy cảm thức ấy vừa như hằng số vật lý cơ bản, vừa như dựa trên sự quan chiêm tham số đặc trưng của vũ trụ, từ “Mùa cổ điển” của Quách Tấn đến “Bến My Lăng” của Yến Lan, từ “Điêu tàn”, của Chế Lan Viên đến “Thượng thanh khí”, “Duyên kỳ ngộ”, “Quần tiên hội”… của Hàn Mặc Tử. Một quan niệm thi sĩ phi thường, đầy tính chất không - thời gian của vật lý, trong lời Chế Lan Viên: “Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai”. Thơ, nói như Hàn Mặc Tử: “Rơi tự thượng tầng không khí xuống/ Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim”. Hiểu theo một cách nào đó khi lội đến tận cùng, mở rộng ngũ quan để hòa cùng trời đất, gió mây, nắng mưa, nhật nguyệt… thì cả nhà thơ, nhà văn cũng sẽ thấu cảm vũ trụ, thời gian và vạn vật như các nhà khoa học. Chẳng qua cách họ trải vấn đề ra trình bày với số đông công chúng có chút đỉnh khác nhau.
2.
Gần chục năm nay, một thánh đường của khoa học và giáo dục, nơi chắp cánh cho những giấc mơ tri thức - ICISE - đã lừng lững vươn lên ở Quy Nhơn, gắn liền với hình bóng của đôi vợ chồng khoa học: GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, quy tụ các nhà khoa học lừng danh năm châu bốn biển về đây với sự điền thêm một địa danh của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới.
Từ năm 2013, Quy Nhơn lần đầu tiên đón 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý: GS Klaus von Klitzing (Đức, Nobel 1985), GS Jack Steinberger (Mỹ gốc Do Thái, Nobel Vật lý 1988), GS David J.Gross (Israel, Nobel Vật lý 2004), GS Georges Smoot (Mỹ, Nobel Vật lý 2006) và Sheldon Lee Glashow (Mỹ, Nobel Vật lý 1979). Đến nay, đã có thêm nhiều nhà khoa học khác từng đoạt giải Nobel đến với ICISE, như: Jerome Friedman (Nobel Vật lý 1990), Gerard’t Hooft (Nobel Vật lý 1999), Francois Englert (Nobel Vật lý 2013), Kajita Takaaki (Nobel Vật lý 2015), Michel Mayor (Nobel Vật lý 2019), Kurt Wuthrich (Nobel Hóa học), Finn E. Kydland (Nobel Kinh tế), Jean Jouzel (Nobel Hòa bình).
Đến nay, ICISE đã tổ chức hàng trăm hội nghị khoa học quốc tế và trường khoa học chuyên đề, tạo sức thu hút hàng vạn nhà khoa học quốc tế. Nhìn lại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, ta dễ dàng thấy những đề tài, ý tưởng, hoạt động khoa học phong phú; những chia sẻ mới nhất của những bộ não vĩ đại về Vật lý, Thiên văn và Vũ trụ học. Ta cũng dễ dàng thấy đó là những vấn đề có tính cơ bản, cực mới ngay cả những người trong giới các nhà khoa học mà nếu không có nghiên cứu thì không phải ai cũng hiểu. Nhưng điều ta quan tâm ở đây là nhiều ý tưởng, công trình nghiên cứu đã được nối dài, phát triển mạnh mẽ từ những cuộc kết nối trực tiếp ở Quy Nhơn.
Nhân nói về Đại lộ Khoa học, GS Trần Thanh Vân khái quát: “Trong con đường nhỏ ấy có một tinh thần rất lớn để phát triển khoa học. Cũng như mỗi con người chúng ta tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng ý tưởng khổng lồ, khám phá những điều khổng lồ. Để con đường này mãi phát triển, chúng ta cần xây dựng một lộ trình khoa học, một đô thị khoa học phát triển mạnh trong tương lai”.
3.
Sự nghiệp nhà Tây Sơn xưa không chỉ võ công mà ở nền văn trị, khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, hiền anh phơi phới lập sự với xã tắc. Trong “Chiếu lập học”, Hoàng đế Quang Trung tuyên dụ: “Dựng nước, lấy sự học làm đầu. Cầu trị, lấy nhân tài làm gấp”. Dọc hành trình lịch sử, Bình Định đã hình thành một truyền thống “trong văn có võ, trong võ có văn”, đây là nguyên tắc cấu thành từ những đại lượng của giang san xứ sở.
Những cơ duyên của giới nghiên bút Bình Định dưới gầm trời mấy trăm năm hình thành “đại lộ văn chương”, dường như rất mẫn cảm với năng lượng truyền thống này, để lại dấu vết khá đậm đặc trong cảm hứng không - thời gian muôn trùng, những “lượng-tử-chữ-nghĩa”, “vũ-trụ-chữ-nghĩa” liên thông trong lượng tử vật lý, vũ trụ vật lý. Lại nhớ Hàn Mặc Tử khi đối diện với biển Đông, trút cả dung mạo và thần trí vào những dòng thơ “Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát/ Để nhờ không khí đẩy trăng lên/ Để nghe miếng nhạc Nghê Thường trỗi/ Để hợp tinh anh của nguyệt cầu/ Và để thoát ly ngoài thế giới/ Để cười để trửng để yêu nhau” (Chơi trên trăng).
Nguồn thơ mạch văn tương ứng, ở một góc độ nào đó, có thể xem như ký hiệu của những đại lượng vật lý. Nói theo thuật ngữ vật lý, đại lượng cơ bản, đại lượng dẫn xuất của miền Đất Võ - Trời Văn & Không gian Khoa học.
NGUYỄN THANH MỪNG