Học nghề và những cuộc rẽ ngang đặc biệt
Học nghề trong tâm lý của nhiều người có lẽ vẫn là sự lựa chọn thứ hai sau đại học. Song, dù là thứ hai hay thứ ba, đây vẫn là lựa chọn của những người hiểu rõ mình, ý thức về thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Hành trình họ đang đi nói với chúng ta rằng: Không có công thức chung cho tất cả mọi người, vẫn có nhiều con đường, lối rẽ khác, chỉ cần bạn rõ mục tiêu, thế mạnh và kiên nhẫn với con đường đã chọn.
Sinh viên Nguyễn Văn Quy trong giờ thực hành tại xưởng khoa Điện.
“TÔI CHỌN NGHỀ”
Dừng việc học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh khi kết thúc năm nhất, Nguyễn Xuân Thọ, 19 tuổi, ở thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, chọn học nghề để một lần nữa viết lại con đường học tập. Lần này, cậu là sinh viên lớp cao đẳng Cơ điện tử (khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Điều gì đã dẫn đến quyết định ấy?
“Ưu điểm lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp là giảm bớt các nội dung lý thuyết, tăng cường thực hành, thực tập. Ðây là điều sẽ giúp hành trình học nghề không nhàm chán, có tính vận dụng cao. Song, để có được kết quả học tập tốt nhất, mỗi bạn sinh viên phải tự trang bị cho mình năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự tìm cơ hội thực hành thêm”.
Thọ, với đôi mắt sáng, hồi tưởng: “Như bao bạn cùng lứa, năm cuối cấp 3, em xác định sẽ thi vào đại học. Với 21,7 điểm, em đậu nguyện vọng 1 vào ngành Điện tử viễn thông. Thế nhưng, mọi việc không hề thuận lợi. Khối lượng kiến thức lớn mà em lại không cân bằng được giữa việc phụ giúp tại cơ sở dịch vụ của người nhà với việc học. Môi trường sống tại TP Hồ Chí Minh có nhiều góc khuất khiến sinh viên năm nhất phải đối diện với nhiều cạm bẫy. Việc học online kể từ học kỳ II do tác động của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức... Em cảm thấy mình lạc lối”.
Thọ về quê và xin phép được chọn học nghề. Em tham khảo các thông tin đào tạo một cách kỹ lưỡng, so sánh với năng lực của mình, rồi nộp hồ sơ vào nghề Cơ điện tử. Cậu hiện là một trong những sinh viên có kết quả học tập tốt của lớp.
Giống như Thọ, Nguyễn Mỹ Linh rời Trường ĐH Quy Nhơn để đăng ký học lớp cao đẳng Quản trị nhà hàng K14 (khoa Du lịch - Dịch vụ, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Cô gái bảo: “Em mất động lực học tập, chán nản khi chỉ mới học 3 tuần tại trường đại học. Suy nghĩ, tham khảo từ nhiều phía, em quyết định chọn học nghề. Đến giờ, em vẫn chưa dám nói cho cha mẹ biết về quyết định này. Em tính là khi có được kết quả học tập tốt rồi sẽ thưa chuyện với ba mẹ”.
Đã đi làm 2 năm ở vị trí là nhân viên lễ tân tại khách sạn Avani, cũng là cô chủ của một cửa tiệm nhỏ, Phạm Trần Bảo Hân (19 tuổi, ở TP Quy Nhơn) đi học nghề bằng một tâm thế, mục tiêu rõ ràng. Hân muốn có được một tấm bằng để có thể tìm việc làm và có những bước tiến lâu dài với nghề. Cô hiện là sinh viên năm nhất lớp cao đẳng Quản trị nhà hàng K14 (khoa Du lịch - Dịch vụ, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn).
“Học kỳ I, em vừa học vừa làm nên có chút xao nhãng. Từ đầu năm 2021, em đã nghỉ việc để tập trung toàn bộ sức lực cho việc học. Công việc hiện tại khá tốt nhưng em chấp nhận rời bỏ để tập trung cho mục tiêu lớn hơn, lâu dài hơn”, Hân trao đổi.
Chị Phan Thị Thanh Thúy đã có một hành trình học nghề ấn tượng và hiện đang làm nhân viên vườn ươm của Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ.
HÀNH TRÌNH NHIỀU BẤT NGỜ
Học nghề khi đã gần 40 tuổi, chị Phan Thị Thanh Thúy (ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) chưa bao giờ ngờ là hành trình của mình lại thu được nhiều điều bất ngờ ý nghĩa như vậy. Năm 2020, chị là một trong 6 sinh viên của 2 trường nghề trên địa bàn Bình Định được vinh danh tại Lễ tuyên dương sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc của Bộ LĐ-TB&XH. Trước đó, tại Kỳ thi Tay nghề Bộ NN&PTNT, chị cùng một thành viên khác trong đội tuyển nghề Lâm sinh tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đạt số điểm cao nhất trong số những người đạt giải nhất. Sau tốt nghiệp, từ tháng 6 đến nay, chị Thúy đã được Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ ký hợp đồng dài hạn làm nhân viên vườn ươm của trường. Chị Thúy đang được trường hoàn tất hồ sơ đề nghị xét kết nạp đảng.
Những niềm vui liên tiếp ấy mang đến cho chị Thúy sự tự tin. Chị trở thành tấm gương về việc học tập không ngừng nghỉ đối với 2 con và nhiều người khác. Chị Thúy chia sẻ: “Nghề Lâm sinh đòi hỏi tính cần mẫn, chịu khó. So với các bạn trẻ, tôi không nhanh nhạy bằng, nhưng về độ kiên nhẫn, chịu khó, một người đã trải qua nhiều năm làm lụng, bươn chải như tôi sẽ nhỉnh hơn các bạn. Có lẽ vì vậy mà thành tích học tập của tôi tốt hơn. Tôi mừng vì chồng con ủng hộ, động viên và tự hào về hành trình đi học của mình”.
Đỗ Quán Nguyên được vinh danh sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.
Cũng là gương mặt sinh viên được biểu dương tại Lễ tuyên dương sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc năm 2020 của Bộ LĐ-TB&XH, Đỗ Quán Nguyên đã khẳng định sự lựa chọn rời bỏ ngành Công nghệ thông tin của một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh về học nghề là lựa chọn nghiêm túc, đầy trách nhiệm. Cựu sinh viên nghề Công nghệ thông tin (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), cho rằng: “Ưu điểm lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp là giảm bớt các nội dung lý thuyết, tăng cường thực hành, thực tập. Đây là điều sẽ giúp hành trình học nghề không nhàm chán, có tính vận dụng cao. Song, để có được kết quả học tập tốt nhất, mỗi bạn sinh viên phải tự trang bị cho mình năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự tìm cơ hội thực hành thêm”.
Đang là sinh viên năm cuối nghề Điện công nghiệp, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Nguyễn Văn Quy (23 tuổi, quê ở phường Hoài Xuân, TX Hoài Nhơn) để lại ấn tượng với các giảng viên khoa Điện bởi sự tiến bộ thấy rõ trong nửa sau của hành trình học nghề. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Quy trở về, quyết định đi học nghề bởi hiểu rõ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nhưng rồi, bị vướng vào một vụ lừa đảo trong quá trình đi tìm việc làm thêm, Quy suy sụp, muốn nghỉ học. Được các thầy cô quan tâm, động viên, Quy mới từ bỏ ý định đó, dồn hết tâm trí cho việc học. Em siêng năng xuống xưởng thực hành cả khi không có giờ học.
“Hai đợt thực tập với tổng thời gian khoảng 5 tháng ở Công ty CP Kỹ thuật CEMEP (tỉnh Đồng Nai) cho em cơ hội để hiểu nghề, học hỏi thêm nhiều điều. Hiện, em vừa học kỳ cuối, vừa theo các thầy đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Em biết ơn hành trình này vì đã tiếp tục rèn luyện ý chí, sự tập trung, tính nhẫn nại để em trưởng thành hơn”, Quy tâm sự.
Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI