Nơi nào khó, có các anh
Những người lính luôn là lực lượng đầu tiên xông pha vào gian khó, nguy hiểm và xa xôi, cách trở nhất, vì nhân dân phục vụ.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn giúp người dân phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) lợp lại mái nhà sau bão số 9. Ảnh: THANH BÌNH
VÌ DÂN, KHÔNG ĐẮN ĐO
Tháng 10.2020, các làng chài ở TX Hoài Nhơn dồn dập đón tin dữ. Hai tàu cá BĐ 97469-TS và BĐ 96388-TS có 26 ngư dân cùng ra khơi ngày 5.10, nhưng qua bão số 9, 23 ngư dân vẫn biệt tăm.
“Trong cơn bão số 9 vừa qua, hơn 12 giờ đêm Thủ tướng Chính phủ còn gọi điện cho tôi, thông báo lực lượng Quân đội đang huy động mọi nguồn lực tích cực tìm kiếm tàu cá và ngư dân bị mất tích trên biển. Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, đến địa phương nào, tôi cũng thấy bộ đội có mặt. Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh. Các anh xứng đáng là lực lượng “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG
Sóng gió rất nguy hiểm. Nhưng lực lượng quân đội và các lực lượng chức năng khác vẫn phối hợp lên đường ứng cứu các ngư dân bị nạn. “Chúng tôi đi ngược với hướng bão di chuyển vào bờ trong điều kiện sóng gió rất dữ dội. Mọi kỹ năng được huấn luyện cũng như kinh nghiệm cứu nạn được các thành viên tàu cứu nạn vận dụng tối đa. Căn cứ vào dòng chảy, hướng gió và tính toán vận tốc của tàu bị nạn trôi, tàu Kiểm ngư 467 đã tiếp cận và cứu nạn thành công tàu cá BĐ 98658 TS cùng 14 thuyền viên. Khó khăn, nguy hiểm là điều ai cũng có thể thấy, nhưng với quyết tâm phải cứu cho bằng được ngư dân đang gặp nạn, chúng tôi đều hết sức”, ông Nguyễn Văn Cường - Đội trưởng chỉ huy tốp tìm kiếm cứu nạn biên đội tàu kiểm ngư KN 467 và KN 473 (Chi cục Kiểm ngư Vùng 4), chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã có rất nhiều lần tham gia cứu nạn cứu hộ tàu cá Bình Định. Theo đại tá Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân: Tàu cá và ngư dân Bình Định có cái gì đó rất riêng, gắn bó với đơn vị. Tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ ngư dân nói chung và ngư dân Bình Định nói riêng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim những người lính Hải quân. "Mỗi đảo, điểm đảo, mỗi con tàu của Vùng 4 luôn là chỗ dựa, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân Bình Định vươn khơi, bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”, đại tá Hùng bày tỏ.
Bộ đội làm đường bê tông giúp người dân làng Canh Giao, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh). Ảnh: HỒNG PHÚC
TRÁCH NHIỆM, KHÔNG QUẢN NGUY NAN
Trước, trong và sau các đợt mưa bão cuối năm 2020, tinh thần người lính luôn được phát huy tối đa. “Nhanh lên, bà con đang cần chúng ta!”, đó là mệnh lệnh của đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, khi nước từ thượng nguồn sông Hà Thanh đổ về trong đêm tối gây ngập lụt hàng trăm hộ dân ở các phường Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú của TP Quy Nhơn. “Với tinh thần khẩn trương tích cực, đến rạng sáng ngày 11.11.2020, bộ đội đã di dời được 51 hộ dân với 147 nhân khẩu về nơi trú tránh an toàn ngay trong đêm”, đại tá Hải chia sẻ. Lũ rút, đôi chân các chiến sĩ quân đội lại khẩn trương đến các địa điểm cần giúp đỡ, cùng tham gia công tác ứng cứu, khắc phục.
40 cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh lên tuyến đầu chống dịch
Lãnh đạo BĐBP tỉnh động viên cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ.
Theo Chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BÐBP về tăng cường cho tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh viết đơn tình nguyện tham gia. Có 40 cán bộ, chiến sĩ được BÐBP tỉnh lựa chọn tăng cường vào BÐBP tỉnh Kiên Giang và đã lên đường làm nhiệm vụ vào ngày 14.1.2021.
Thiếu úy Trần Minh Quyết, Ðội trưởng vũ trang (Ðồn Biên phòng Cát Khánh, huyện Phù Cát), chia sẻ: “Ngày Tết đã cận kề, ai cũng muốn sum vầy bên gia đình. Nhưng khi nhận lệnh lên tuyến đầu để làm nhiệm vụ, dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm nhằm góp phần quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân”.
Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, khi lực lượng quân đội phải thực hiện nhiệm vụ kép là vừa nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu vừa phải phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian cao điểm của dịch, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tham gia các chốt kiểm soát dịch tại các địa phương để cùng các lực lượng khác sàng lọc được những người nghi nhiễm. Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập 4 khu cách ly tập trung và tổ chức tiếp nhận, cách ly y tế cho 1.175 công dân từ địa phương có dịch đến địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh còn hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch trị giá gần 400 triệu đồng cho Bộ CHQS tỉnh Chămpasak (Lào).
Với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã tập trung kiểm soát chặt tuyến biển để ngăn chặn dịch lây lan vào địa bàn tỉnh.
“Căng mình ngay trong vùng nguy cơ cao nhất về dịch, trên hết, vẫn là tinh thần sẵn sàng vì nhiệm vụ, vì sự an nguy của đồng bào”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhận xét về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của lực lượng quân đội trong tỉnh.
Với tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nhân dân, các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh còn luôn đồng hành cùng nhân dân trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho các gia đình khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Ông Huỳnh Thanh Lâm (làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh), bày tỏ: “Vị trí cách trở, đất đai cằn cỗi, đồng bào chúng tôi chủ yếu bám theo đất đồi rừng để làm ăn, hiệu quả kinh tế cũng không cao nên đời sống rất khó khăn. Con bò giống mà bộ đội tặng giúp phát triển kinh tế cho gia đình tôi. Tôi sẽ về làm chuồng, cho bò ăn uống đầy đủ để sang năm khi bộ đội lên thì bò mang thai hoặc sinh bê con rồi”.
HỒNG PHÚC