NGHỆ NHÂN TUỒNG KIỀU OANH:
Diễn viên tài năng, bà bầu nhiệt huyết
Gần 38 năm gắn bó nghệ thuật tuồng, nghệ nhân Kiều Oanh luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong cả hai vai - đào chính và Trưởng đoàn tuồng An Nhơn 2. Chị đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021.
Nghệ nhân Kiều Oanh có nhiều vai diễn ghi dấu trong lòng khán giả. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân Kiều Oanh (tên thật là Lê Thị Oanh, SN 1968, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) học tuồng từ năm 15 tuổi, được hai nghệ nhân Bảy Tính, Thu An (đều ở An Nhơn) đích thân truyền dạy. “Sau khi được thầy cô dạy bảo chu đáo, trong quá trình đi diễn ở nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh, tôi luôn để ý học hỏi những điểm hay của các bạn diễn rồi tự mình phấn đấu rèn luyện không ngừng để tiến bộ, đồng thời tìm tòi nét sáng tạo riêng để người xem nhớ đến mình”, nghệ nhân Kiều Oanh chia sẻ.
Chị có sở trường vai đào chiến, ghi dấu trong lòng khán giả qua nhiều vai như: Chung Vô Diệm trong vở Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân trong Trảm Trịnh Ân, Tiêu Anh Phụng trong Tiêu Anh Phụng loạn trào, Mai Xuân trong Triệu Đình Long cứu chúa, Phàn Lê Huê trong Tiết Đinh Sang chinh Tây… Mốc son trong sự nghiệp của nghệ nhân Kiều Oanh là 2 tấm HCV ở Hội thi sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2003 và 2018. Khoảng cách thời gian đến 15 năm giữa 2 tấm HCV quốc gia thể hiện sự nỗ lực giữ phong độ của diễn viên Kiều Oanh từ khi là cô đào trẻ cho đến lúc bước qua tuổi ngũ tuần.
Nghệ thuật tuồng bắt nhịp cầu tình yêu để chị kết duyên cùng anh Văn Hương (cũng là kép tài năng, con của một bầu tuồng gốc Bình Định lập nghiệp ở Khánh Hòa), cùng chia sẻ mọi buồn vui trong nghề. Năm 2000, hai vợ chồng chị lập đoàn tuồng An Nhơn 2, từng bước gầy dựng, quy tụ dàn diễn viên, nhạc công chất lượng. Chị Oanh gánh vác vai trò trưởng đoàn.
Bầu Oanh bộc bạch: “Úi chu nó khổ! Anh chị em diễn xong là ngủ nghỉ, nhưng mình thì còn phải vắt óc tìm tờ mới (hợp đồng biểu diễn), điểm diễn mới. Say mê nghề cộng với trời thương cho mình sức khỏe thì mới vượt qua được khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch giã như vầy”.
Nhờ sự nhiệt huyết, năng động của bầu Oanh, đoàn tuồng An Nhơn 2 luôn “ký tờ” nhiều vào loại hàng đầu trong số các đoàn tuồng không chuyên. Đoàn An Nhơn 2 không chỉ lưu diễn trong tỉnh mà còn đưa nghệ thuật tuồng Bình Định đến với khán giả các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Điểm hay của bầu Oanh là sau khi đoàn đã diễn nhiều năm ở một điểm, dù khán giả nơi đó ái mộ thì chị cũng chủ động “rút” đi điểm mới để nhường lại cho đoàn khác đến diễn; nhiều hợp đồng thì hào phóng chia lại bớt cho các đoàn “kiếm tờ” ít hơn, hay đoàn mới thành lập còn khó khăn.
Theo bầu Oanh, việc biểu diễn của đoàn An Nhơn 2 có điều chỉnh phần nào theo thị hiếu của khán giả ngày nay, nhưng đến khi tham gia thi tài thì phải “ngay hàng thẳng lối” theo đúng bài bản tuồng truyền thống đã được các thầy ngày xưa truyền lại, đầu tư tập luyện kỹ lưỡng. Nhờ vậy, đoàn đoạt thành tích cao tại các cuộc thi cấp tỉnh, toàn quốc. Gần đây nhất, tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018, đoàn đoạt HCB trích đoạn Tam Anh chiến Lữ Bố.
Bầu Oanh đúc kết: “Phải luôn nêu cao cái tâm với nghề, giữ trọn cái tình với khán giả, với đồng nghiệp gần xa. Như vậy, khán giả mới ái mộ, giúp đỡ nuôi đoàn mình sống; đồng nghiệp mới gắn bó lâu dài để đảm bảo chất lượng ổn định cho đoàn”.
Chồng đã mất cách đây vài năm, để lại cho nữ nghệ nhân này một khoảng trống khó lấp đầy... Chị có niềm an ủi khi con trai, con gái út đang tiếp nối mẹ đi biểu diễn trong đoàn An Nhơn 2, vợ chồng con gái đầu lập đoàn tuồng không chuyên hoạt động ở Khánh Hòa (khi cần thì chị Oanh gọi về biểu diễn), tạo nên một “gia đình tuồng” còn sung sức hiếm có hiện nay ở trong tỉnh.
HOÀI THU