Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản chính thức ghi danh nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ (thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Tương truyền, thuở ấy ông Nguyễn Quý Trị (người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai, Hải Dương), đỗ Tiến sỹ năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang - Hàn lâm Viện trực học sỹ.
(Nguồn: sovhtt.hanoi.gov.vn)
Trong một lần ông đi sứ bên Trung Quốc học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thiếp vàng các đồ thờ cúng và hoành phi, câu đối… Khi về nước ông truyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kỵ. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ Tổ sư hàng năm.
Ngoài ngày giỗ Tổ nghề vào ngày 17/8 âm lịch, dân làng Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng, các gia đình theo nghề quỳ vàng bạc làm lễ xôi gà đem đến cúng Tổ nghề tại điện thờ trong nhà Tràng. Sau đó, người dân về nhà làm nghi thức “khai tràng” (tức là lễ khai búa đập quỳ). Do đó ngày 12 tháng Giêng trở thành ngày khai tràng đập quỳ của dân làng.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề làm vàng quỳ khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước và tranh sơn mài …
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hóa, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, do đó nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. Hiện có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn.
Cùng với Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, trong đợt này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn ghi danh thêm bảy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác gồm Lễ hội Cầu bông của người Kinh (huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước); Lễ mừng cơm mới của người Mông (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái); nghề làm tranh thờ của người Dao Đỏ (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai); Hội thổi cơm thi Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội); múa của người Khơ Mú (thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên); nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ phang) (xã Tả Sìn Thàng, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa; xã Huổi Lèng, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên); hát sli của người Nùng (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn).
Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đợt này thuộc năm loại hình gồm nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian.
Theo Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)