Dấu xưa phố cổ Tân Quan
Mới đây chúng tôi tìm về một địa danh nổi tiếng Bình Ðịnh xưa - phố cổ Tân Quan, một phố cổ thương mại nổi tiếng trong lịch sử của Bình Ðịnh. Ðiểm khá bất ngờ là nhiều người, kể cả một số vị cao niên kỷ cũng không nghe đến “Tân Quan”. Ðiều này càng thôi thúc tôi sớm viết bài báo này để chia sẻ.
Ở TX Hoài Nhơn hiện có các địa danh: Tam Quan, Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam. Tân Quan và Tam Quan có mối quan hệ gì không? Theo tư liệu chúng tôi có được, phố Tân Quan từng là nơi buôn bán sầm uất nhất ở vùng phía Bắc Bình Định và là một phố cổ lâu đời tọa lạc gần cửa Kim Bồng.
1. Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806), sau đó là Đại Nam nhất thống chí bản Duy Tân (1909) và một số tư liệu người Pháp mô tả phố ở giai đoạn đầu của nền bảo hộ tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ (cuối thế kỷ XIX), phố là nơi giao thương sầm uất giữa người Hoa và người Việt. Sự buôn bán thịnh cường của phố có liên quan chặt chẽ đến cửa biển Tân Quan, còn gọi là cửa biển Kim Bồng, mà ngày nay chính là cửa biển Tam Quan thuộc phường Tam Quan Bắc.
Nhà ở tại phố Tân Quan hồi đầu thế kỷ XX.
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chép: “Lại từ điếm Thạnh An theo hướng Đông đi xuống 1.430 tầm đến đồn cửa biển Kim Bồng, tục gọi là cửa biển Tân Quan. 360 tầm, hai bên đường có dân cư rất đông đúc, đến cầu Định Thiện, cầu dài 10 tầm, tục gọi là Cầu Phố, đến chợ Tân Quan, hai bên chợ có phố xá rất trù mật, người buôn bán rất tấp nập, khách đi đường có thể nghỉ lại đây. 460 tầm, phía Bắc dọc theo sông, phía Nam có rất nhiều dừa, dân cư đông đúc, đến sông Trường An, sông rộng 70 tầm, tục gọi là bến đò Tân Quan, lệ đặt hai người đưa đò...”.
Ngoài ra sách Đại Nam nhất thống chí bản Duy Tân khi mô tả phố Thu Sà (tỉnh Quảng Ngãi) có nhắc đến phố Tân Quan ở Bình Định: “Phố Thu Sà: Ở xã Thu Sà huyện Chương Nghĩa (các chợ dưới đây cũng thuộc huyện này). Nơi đây nhà cửa trù mật, người Việt, người Thanh tụ hội buôn bán đông đúc giàu có, so với các hạt ở miền Nam thì phố này hơi kém phố Hội An ở Quảng Nam, nhưng lớn hơn phố Tân Quan ở Bình Định, cũng gọi là một chỗ đô hội vậy…”.
Với các tư liệu của người Pháp ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX, các mô tả về phố Tân Quan cho chúng ta thấy có vẻ đây là một thành phố nằm trên một tuyến đường nhỏ kề bên sông Tân Quan trong lịch sử. Theo sĩ quan điện báo Camille Paris, người làm tuyến đường điện báo dọc theo đường quan vào năm 1887, trong tác phẩm Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la Route mandarine, thì: “Những nhà buôn đều có cửa hàng mở ra mặt sông Tân Quan và ghe thuyền nhận hàng từ những chiếc tàu lớn ở Kim Bồng đến đổ cho các cửa hàng ở đây. Tất cả mùa màng thu hoạch đều tập trung về Tân Quan để xuất khẩu. Một hoạt động buôn bán rõ nét đến mức làm tôi kinh ngạc, trong các cửa hiệu của người Trung Hoa có những sản phẩm của Anh và Đức như dầu, đèn, đồng hồ, vải bông, diêm… Các kho hàng chứa đầy dầu. Tôi ước tính có chừng 20 thương nhân và 50 nhà buôn nhỏ”.
2. Trong tác phẩm Excursion dans les provinces de Quang-Nghia et de Binh-Dinh en Annam (Juin 1887) viên công sứ Bình Định Ch.Lemire cũng có một số mô tả tương tự. Ở đây Lemire gọi địa danh này là Tam - Quan, cho dù trong phần bản đồ ông ta lại ghi là Tan - Quan. Rất có thể Ch.Lemire là người đầu tiên ký âm nhầm Tân Quan thành Tam Quan, rồi do vai trò quan trọng của ông, người ta đã viết - gọi chệch theo để địa danh Tân Quan bị nhạt nhòa đi trong khi cách gọi của viên công sứ Pháp lại dần dần trở thành chính thức.
Sản xuất dây thừng bằng xơ dừa tại Tân Quan, hồi đầu thế kỷ XX.
Từ những mô tả trên, lần theo thực địa chúng tôi đi tìm phố Tân Quan trong lịch sử. Đến cầu Nghị Trân, tức là Cầu Phố năm 1806, chúng ta gặp kế bên cầu là chợ Tam Quan, đây chính là chợ Tân Quan nổi tiếng cách đây hơn 200 năm. Khu vực phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn ngày nay, đặc biệt là vùng từ ven sông ra đến cửa biển chính là phố Tân Quan năm xưa. Khu vực này có điều kiện lý tưởng để bốc dỡ hàng hóa lên xuống từ tàu thuyền vào kho, nhà. Mô thức này giống hệt cấu trúc phố Hội An tại Quảng Nam hay Thu Sà tại Quảng Ngãi, đều có một mặt hướng ra đường đi và mặt còn lại hướng ra sông nhằm bốc dỡ hàng hóa được thuận tiện từ tàu thuyền neo đậu dọc sông.
***
Rất có thể còn nhiều người nắm rõ khu phố Tân Quan trong lịch sử và sự biến đổi làng mạc tại đây, tuy nhiên chúng tôi chưa có duyên để hạnh ngộ và tham vấn. Tôi nghĩ phố Tân Quan cần được cùng nhau nghiên cứu nhiều hơn nữa để góp phần làm sáng tỏ về quy mô, cấu trúc, kiến trúc một con phố thương mại nổi tiếng nhất Bình Định ở thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
ThS. VÕ NGUYÊN PHONG