Những tư liệu quý về văn hóa Champa
Sách Ilimo Campa - từ khảo cổ học - của TS - Kiến trúc sư Ngô Minh Hùng và Th.S Quảng Văn Sơn do Viện Nghiên cứu di sản văn hóa và phát triển (Trường ĐH Văn Lang) phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới ấn hành - giới thiệu khá nhiều tư liệu, hình ảnh quý về văn hóa nghệ thuật và thương mại Champa.
“Ilimo Campa” nghĩa là “Văn hóa Champa”, một trong những nền văn minh từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam từ năm 192 sau Công nguyên đến năm 1835. Trong Ilimo Campa - từ khảo cổ học, các tác giả đã hệ thống hóa, bổ sung thêm nhiều nghiên cứu, phát hiện, những hình ảnh, tư liệu nhằm cung cấp tư liệu một cách tổng quát, toàn diện hơn.
Điều đáng ghi nhận, tập sách đề cập khá nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, đời sống, thương mại Champa liên quan đến tỉnh Bình Định. Chẳng hạn, về điêu khắc, sách giới thiệu: “Tượng sư tử đền - tháp Mẫm
(thế kỷ XII- XIII) có trang sức, trang phục và hoa văn trang trí gần giống như những chim thần Garuda Tháp Mẫm (Bình Định)”. Hay như “Chim thần Garuda: Là vật cưỡi của thần Vishnu, loại này khá phổ biến trong điêu khắc đá Champa. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh còn lưu giữ ba tiêu bản, trong đó có một loại thuộc đền - tháp Mẫm (Bình Định)”. Về kiến trúc Champa, các tác giả ghi nhận - bộ mái là loại hình khá đặc biệt, đa dạng: Mái đền - tháp nhiều tầng thu nhỏ dần lên cao; mái đền - tháp khối hộp; mái đền - tháp uốn cong hình yên ngựa… Trong đó, mái đền - tháp khối hộp có mặt tại Bình Định vào thế kỷ XII- XIII, trên các đền - tháp Dương Long, đền - tháp Đôi (Bình Định)…
Đáng lưu ý là vai trò, vị trí của thương cảng Thị Nại. Theo các tác giả, “thương cảng Thị Nại có thể được xem như điểm kết nối giữa biển với lục địa, một trạm trung chuyển, một entrepôt - cảng trung chuyển - trung tâm của cả mạng lưới thương cảng dọc theo bờ biển của Champa…”. Sách Kinh thế đại điển tự lục, một thư tịch cổ của Trung Quốc đã chép về Thị Nại như sau: “Cửa cảng phía Bắc liền với biển, bên cạnh có 5 cảng nhỏ thông với Đại Châu của nước ấy, phía Đông Nam có núi ngăn, phía Tây có thành gỗ”.
VIẾT HIỀN