DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ HUYỆN VÂN CANH:
Nên khẩn trương tổ chức bảo tồn
Công tác kiểm kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Chăm H’roi, Bana trên địa bàn huyện Vân Canh được triển khai từ tháng 11 - 12.2020. Kết quả cho thấy các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, nên việc bảo tồn cần được quan tâm nhiều hơn.
Nghệ nhân Đinh Thị Tiết (làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận) dệt thổ cẩm tại nhà vào trưa ngày 9.3.2021.
Công tác trên được Tổ kiểm kê của các địa phương tiến hành tại 28 làng, khu phố của 4 xã Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Liên và thị trấn Vân Canh. Quá trình kiểm kê hầu như không ghi nhận được tài liệu thành văn nào mà chỉ xác nhận được sự tồn tại qua hình thức truyền miệng qua những bài hát ru, hát hơ mon; chúng cũng chỉ xuất hiện trong các lễ hội, các cuộc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thiểu số miền núi do tỉnh, huyện tổ chức. Hầu như đồng bào không còn trình tấu, sử dụng trong đời sống hằng ngày nữa; số người còn thực hành được loại hình này rất ít, đa phần đều đã lớn tuổi.
Đối chiếu kết quả kiểm kê với công trình sưu tầm, nghiên cứu “Văn hóa người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh tỉnh Bình Định” của hai tác giả Nguyễn Xuân Nhân - Đoàn Văn Téo (đều đã qua đời) được Hội Văn nghệ dân gian chọn lọc in sách (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2011), chúng tôi khá bất ngờ khi nhiều câu tục ngữ, ca dao, câu đố, truyện kể (thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích) không còn người nhớ, biết nữa.
Qua kiểm kê cũng cho thấy các lễ hội truyền thống như: Mừng lúa mới, lễ cưới, lễ đổ đầu, lễ cầu mưa, lễ ăn heo ký… vẫn được duy trì tổ chức tại các gia đình, nhưng một số đã mai một dần và có hình thức tổ chức kiểu như đám tiệc, cưới của người Kinh. Những tri thức dân gian về thiên nhiên, lao động sản xuất, y dược cổ truyền, nhà ở truyền thống, trang phục truyền thống đang mai một rất nhanh. Hiện chỉ một số người cao tuổi mặc trang phục truyền thống hằng ngày, còn đa số chỉ mặc vào các dịp lễ, Tết. Số người biết chế tác nhạc cụ, điêu khắc truyền thống trên địa bàn huyện còn rất ít, đa số là người lớn tuổi…
Nghệ nhân Đinh Thị Tiết (51 tuổi), người đã 35 năm dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, chia sẻ: “Dệt thổ cẩm để may các bộ trang phục truyền thống hiện chủ yếu để dùng trong gia đình, cho con cháu mặc trong dịp lễ hội, tham gia biểu diễn văn nghệ… Nếu lớp trẻ học dệt thổ cẩm thì cũng sẽ làm được hết, nhưng đáng buồn phần lớn các cháu hiện nay không muốn học bởi chưa có ý thức gìn giữ, rất ít khi mặc trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, sản phẩm bỏ nhiều công sức làm ra lâu lâu mới bán được, nên càng khó thu hút lớp trẻ học để dệt thổ cẩm kiếm tiền…”.
Cách đây hơn một tháng, Tổ kiểm kê di sản văn hóa huyện Vân Canh đã có văn bản báo cáo kết quả kiểm kê gửi Sở VH&TT, Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện. Trong đó, đề xuất một số giải pháp, như: Chú trọng công tác đào tạo, mở lớp truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, nhất là cho thế hệ thanh thiếu niên, học sinh người dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường nội trú, bán trú trên địa bàn huyện. Dệt thổ cẩm, đan lát cần có định hướng bảo tồn, tìm nguồn tiêu thụ, khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng…
Ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng phòng VH-TT kiêm Tổ phó Tổ kiểm kê di sản văn hóa huyện, cho biết: Chúng tôi đã đề xuất lựa chọn một số di sản văn hóa tiêu biểu có nguy cơ mai một để bảo tồn, giới thiệu và tư liệu hóa; xây dựng kế hoạch đưa các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, các nghề thủ công truyền thống vào giảng dạy tại một số trường học; đề nghị mặc trang phục truyền thống 1 lần/tuần trong tất cả cán bộ, công chức, viên chức và học sinh là người dân tộc thiểu số. Đồng thời kiến nghị UBND huyện quan tâm, bố trí nguồn kinh phí sớm xây dựng Nhà văn hóa huyện trên khu đất đã được quy hoạch ở thị trấn Vân Canh để làm nơi trưng bày, giới thiệu các hiện vật di sản văn hóa được sưu tầm, hướng đến phục vụ du lịch; có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ những người tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống địa phương...
Bài, ảnh: HOÀI THU