Khai trương không gian Tàng Thơ Lâu, giới thiệu thư tịch triều Nguyễn
Chiều 15.3, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương không gian Tàng Thơ Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn.
Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần hồi sinh một trung tâm lưu trữ tư liệu từng mang tầm cỡ quốc gia và khu vực dưới thời nhà Nguyễn.
Du khách tham quan hiện vật trưng bày tại không gian Tàng Thơ Lâu. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Tàng Thơ Lâu được xây dựng năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840). Khi đó, triều đình đã giao cho Thự thống chế Đoàn Đức Luận đứng ra chỉ huy khoảng 1.000 binh lính để thi công Tàng Thơ Lâu.
Tổng thể kiến trúc Tàng Thơ Lâu được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Công trình nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật ở giữa hồ Học Hải, hòn đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu xây bằng gạch và đá ở bờ hồ phía Tây.
Tàng Thơ Lâu là một tòa nhà 2 tầng đồ sộ gồm nhiều gian nhỏ thông với nhau và có nhiều cửa sổ. Công trình được xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, mái lợp ngói đất nung.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trải qua biến thiên của lịch sử, Tàng Thơ Lâu đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng, không còn giữ được chức năng nguyên thủy mà bị sử dụng vào các mục đích khác. Các tài liệu lưu trữ tại đây bị chuyển đi nhiều nơi, cả ở trong nước và thất tán ra nước ngoài…
Sau khi Tàng Thơ Lâu được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, đơn vị đã triển khai dự án trùng tu phục hồi công trình này từ năm 2014 đến nay.
Hiện nay, Tàng Thơ Lâu đang lưu trữ ba loại hình tư liệu-văn bản, video và hình ảnh với nhiều chủ đề phong phú.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Võ Lê Nhật cho biết thời gian tới, đơn vị hy vọng Tàng Thư Lâu không chỉ là nơi lưu trữ tư liệu, trung tâm nghiên cứu về di sản văn hóa Huế mà còn là địa điểm kết nối những giá trị văn hóa của quá khứ với cuộc sống đương đại.
Tàng Thơ Lâu sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch độc đáo, hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách gần xa khi đến thăm mảnh đất Cố đô.
Theo Đỗ Trưởng (TTXVN/Vietnam+)