Phù điêu voi bằng đất nung hiếm thấy
Tại Bảo tàng tỉnh đang bảo quản, trưng bày 5 phù điêu voi bằng đất nung (cao 53 cm, rộng 15 cm, dày 12 cm), được phát hiện vào năm 2013 tại cuộc khai quật khảo cổ tại phế tích tháp Lai Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn). Đây là bộ sưu tập phù điêu voi còn nguyên dáng, đẹp và có số lượng nhiều nhất được biết đến ở Bình Định cho đến nay.
Cách tạo hình phù điêu voi (ảnh) rất chân thực và sống động. Khách tham quan phù điêu càng thú vị hơn khi được cán bộ Bảo tàng tỉnh chia sẻ về kỹ thuật chế tác công phu, thể hiện trình độ tay nghề của những nghệ nhân Champa xưa.
Theo các nhà nghiên cứu, dựa vào xương gốm cho thấy sản phẩm được nung đều ở nhiệt độ cao (khoảng từ 800 - 1.0000C), đạt độ đanh chắc… Về phong cách nghệ thuật, các phù điêu voi này không chỉ chịu ảnh hưởng của phong cách Đồng Dương mà còn cả phong cách Trà Kiệu, nhưng vẫn có nét riêng biệt của nó.
Các phù điêu voi khi phát hiện nằm vương vãi trong hố khai quật tại phế tích tháp Lai Nghi, nhưng qua xem xét hình dáng và so sánh với vật trang trí tại những ngôi tháp Champa còn tồn tại cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu đoán định phù điêu voi có thể được gắn vào tầng trên của ngôi tháp khi còn tồn tại… Xét về phong cách nghệ thuật điêu khắc, các phù điêu voi này có niên đại giữa thế kỷ XII; tạo thêm sự đa dạng loại hình, độc đáo cho bộ sưu tập gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định tại Bảo tàng tỉnh.
Bài, ảnh: MAI THƯ