Kịch tác gia Ðoàn Thanh Tâm: Miệt mài rút ruột nhả tơ...
Từ một diễn viên, Ðoàn Thanh Tâm chuyển hướng sáng tác kịch bản, chuyển thể, trở thành một kịch tác gia cốt cán của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Ðịnh. Sau nhiều năm gắn bó đầu năm 2021, anh vừa ra mắt bè bạn tập sách kịch bản sân khấu đầu tay - Bông mai đỏ (NXB Sân khấu, 2020).
1. Ngay năm 1981, khi đang còn là học viên lớp Trung cấp diễn viên tuồng (1979-1983), Đoàn Thanh Tâm được chọn vào vai Kim Lân diễn trích đoạn Kim Lân biệt mẹ nhân ngày khánh thành Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (tiền thân của Nhà hát nghệ thuật truyền thống). Mọi thứ đều rất rộng mở với một diễn viên trẻ có nhiều tố chất về nghệ thuật tuồng, cho đến khi một biến cố đến với Đoàn Thanh Tâm, khiến anh suy sụp - bị vỡ giọng.
Ðoàn Thanh Tâm, sinh năm 1964 tại Nhơn Hưng, An Nhơn, hội viên hội Chi hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội VHNT Bình Ðịnh; Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Đang lúc gần như tuyệt vọng anh được soạn giả tuồng Tống Phước Phổ nhận về làm thư ký cho cụ. Đoàn Thanh Tâm bồi hồi: “Tôi với cụ cách nhau sáu mươi tuổi đời nhờ cơ duyên mà thành ông cháu trong nhà. Cụ dạy tôi nhiều thứ, trong đó có nghị lực vươn lên và những tri thức về tuồng”. 10 năm theo cụ Tống Phước Phổ, Đoàn Thanh Tâm được cụ dạy chữ Hán, làm thơ, dạy những làn điệu và viết kịch bản tuồng. Năm 1991, cụ Tống Phước Phổ mất, Đoàn Thanh Tâm được gia tộc họ Tống cho thọ tang như người thân. Và cũng từ ấy, trên bàn thờ tổ tiên trong nhà, anh trang trọng đặt di ảnh của thầy, ngày ngày nhang khói tưởng niệm.
2. Năm 1994, khi mới ngoài ba mươi tuổi, Đoàn Thanh Tâm đã cùng tác giả Văn Sử tham gia chuyển thể vở Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc của tác giả Lê Duy Hạnh. Sự phối hợp giữa ba người ở ba miền Bắc - Trung - Nam đã tạo nên một vở tuồng khiến người mộ tuồng mãn nhãn. Vở tuồng này đạt HCV trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Năm 1996, Đoàn Thanh Tâm được Nhà hát Tuồng cử đi học tại Trường ĐH sân khấu Điện ảnh ở Hà Nội, từ đó anh càng đắp bồi chuyên sâu hơn con đường biên kịch. Đoàn Thanh Tâm đã gặt hái những quả ngọt đầu mùa trong hành trình nghề của mình. Anh được mời chuyển thể nhiều kịch bản sân khấu như Mộng Bá Vương, Trời nam, Hồn Việt, Cội nguồn, Khúc ca bi tráng…. Các vở diễn đều đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Không chỉ có khả năng viết, chuyển thể trong nghệ thuật tuồng, tác giả Đoàn Thanh Tâm còn mở rộng biên độ sáng tạo của mình khi thử sức chuyển thể kịch bản sân khấu bài chòi. Ngay lần đầu anh thử sức, anh gặt hái ngay thành công với vở Khúc ca bi tráng (tác giả Văn Trọng Hùng, NSND Hoài Huệ đạo diễn). Tại Cuộc thi Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tuồng và dân ca kịch năm 2013, vở diễn này tạo ấn tượng mạnh, mang về hàng loạt giải thưởng: Giải Vở diễn xuất sắc nhất, giải Tác giả xuất sắc nhất (Văn Trọng Hùng - Đoàn Thanh Tâm).
3.Đầu năm 2021, Đoàn Thanh Tâm giới thiệu đến bạn bè cuốn sách đầu tay của anh, tuyển tập kịch bản Bông mai đỏ tập hợp 5 kịch bản (Bông mai đỏ, Vua điên, Nỗi đau người khởi nghiệp, Chàng Lía, Hoàng cung rực lửa). Hầu hết các kịch bản khai thác về các nhân vật lịch sử.
Bìa sách Bông mai đỏ.
Với Đoàn Thanh Tâm, thể tài lịch sử là vùng đất mầu mỡ mà anh yêu thích trải nghiệm, sáng tạo. Bởi vậy, kịch bản Nỗi đau người khởi nghiệp trong tập sách cũng là kịch bản mà trước đây anh viết khóa luận tốt nghiệp trong chương trình học đại học biên kịch của mình, sau đó được hai nhà hát lớn là Nhà hát tuồng cung đình Huế và Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng. Kịch bản này cũng đã mang về giải B - giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho Nhà hát tuồng Đào Tấn, năm 2002. Liên tiếp sau đó, những tác phẩm anh sáng tác như Vua điên, Hoàng cung rực lửa, Bông mai đỏ, Chàng Lía… cũng đã được khẳng định khi được dàn dựng công diễn và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, hội diễn.
Nhiệt thành và tâm huyết, Đoàn Thanh Tâm lặng lẽ cống hiến và không ngừng sáng tạo góp phần mang đến cho người mộ tuồng những tác phẩm chất lượng nhất. Anh bộc bạch: “Tuyển tập kịch bản này tôi viết rặt về tuồng, là mảng nghệ thuật sân khấu mà tôi đã theo gần cả đời người. Tôi cũng đang ấp ủ viết một số kịch bản mới, trong đó chú trọng vào các nhân vật lịch sử, nhất là các nhân vật lịch sử Bình Định mà xưa nay ít được các tác giả sân khấu khai thác”.
VÂN PHI